Chậm kết nối vận tải thủy - bộ

Tại đồng bằng sông Cửu Long, sự phối hợp giữa hai phương thức vận tải thủy - bộ còn chậm, do kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ và hoạt động trung chuyển giữa các loại hình vận tải chưa thuận lợi. Trong đó, các tuyến đường thủy nội địa hạn chế khả năng khai thác phương tiện lớn, tốc độ cao; hệ thống bến bãi và các dịch vụ đầu cuối trên bộ cũng chưa phát triển làm cho vận tải thủy nội địa chưa đáp ứng được các hình thức vận tải đa phương thức.


Trong thời gian qua, Cục Giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ) đã triển khai hai dự án lớn nhằm cải thiện luồng tuyến trong khu vực ĐBSCL. Theo đó, dự án đầu tư nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo dài khoảng 28 km lên chuẩn luồng cấp II được khởi công từ tháng 12/2013 và dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 trong năm 2015. Dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ĐBSCL” với hợp phần B là xây dựng các tuyến đường thủy phía Bắc xuyên Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, duyên hải phía Nam cùng với hợp phần C là đường thủy địa phương đã được khởi công từ năm 2007, dự kiến hoàn thành trong năm 2015.

 

Do hạn chế điều kiện giao thông nên nhiều phương tiện vận tải thủy lớn ở vùng ĐBSCL khó hoạt động.

Ngoài ra, thực hiện chủ trương xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, các nhà đầu tư đã lập dự án và triển khai đầu tư nâng cấp một số tuyến sông chính như: nạo vét cửa sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên, sông Tiền… bảo đảm cho tàu trọng tải 5.000 tấn hoạt động. Theo Cục ĐTNĐ, sau khi hoàn thành các dự án này thì vùng ĐBSCL sẽ có mạng lưới đường thủy tương đối hoàn thành.


Tuy nhiên, để bảo đảm năng lực vận tải ĐTNĐ cho vùng ĐBSCL phát triển kinh tế, đại diện các doanh nghiệp vận tải thủy cho rằng, từ năm 2000 đến năm 2010, nhà nước đã tổ chức nghiên cứu xây dựng các phương thức vận tải, trong đó có vận tải đa phương thức và lựa chọn phương thức cho từng vùng, nhưng đến nay việc xây dựng các phương thức vận tải này chưa thành công.

 

Ông Phạm Minh Nghĩa, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam, cho rằng nguyên nhân xuất phát từ công tác đầu tư xây dựng cơ bản và việc bảo trì trong những năm qua thấp, dàn trải khiến ĐTNĐ bị tụt hậu so với cơ sở hạ tầng đường bộ, đường biển và hậu quả dẫn đến hoạt động chưa đạt hiệu quả như mong muốn. “Vùng ĐBSCL còn thiếu phương tiện vận tải chuyên dùng để đảm nhận vận chuyển các mặt hàng đặc biệt như tàu đông lạnh chở thủy sản, trái cây, thực phẩm tươi sống, tàu container... Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các phương thức vận tải trong vùng ĐBSCL chưa phát triển do hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ. Cụ thể là đường vào cảng, kho bãi, thiết bị thiếu đầu tư đã khiến cho hoạt động trung chuyển giữa các loại hình vận tải chưa thực sự thuận lợi”, ông Nghĩa cho biết thêm.


Lãnh đạo TP.Cần Thơ cho rằng, hiện cảng Cần Thơ có hai thành viên là cảng Hoàng Diệu và cảng Cái Cui đều đang gặp khó khăn trong hoạt động thu hút hàng hóa vào cảng từ các KCN, trung tâm sản xuất hàng hóa bao quanh do cầu yếu. Chẳng hạn, xe vận tải bị giới hạn tải trọng 15 - 20 tấn qua cầu số 1, 2, 3 trên quốc lộ 91B và cầu Trà Nóc trên quốc lộ 91. Điều này đã gây khó khăn cho doanh nghiệp đưa hàng vào cảng. Đề nghị Bộ GTVT quan tâm sớm có giải pháp thúc đẩy cải thiện chất lượng hạ tầng đường bộ kết nối giữa cảng với các KCN, trung tâm sản xuất trong vùng.

 

Bài và ảnh: A.Đ

Nâng cao hiệu quả vận tải thủy vùng ĐBSCL: Chưa tương xứng với tiềm năng
Nâng cao hiệu quả vận tải thủy vùng ĐBSCL: Chưa tương xứng với tiềm năng

Hiện nay giao thông đường thủy ở ĐBSCL vẫn tồn tại nhiều bất cập dẫn đến hạn chế năng suất vận tải và chưa thật sự phát huy hết được lợi thế, để giảm áp lực cho giao thông vận tải đường bộ và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN