Nhằm làm rõ việc chấn chỉnh tình trạng vi phạm của tàu cá, góp phần gỡ thẻ vàng IUU, phóng viên TTXVN đã thực hiện cuộc phỏng vấn Đại tá Phạm Xuân Diệu, Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng.
Thưa Đại tá Phạm Xuân Diệu, 4 năm qua, Việt Nam đã thực hiện các biện pháp nhằm gỡ “thẻ vàng” IUU, trong đó có vai trò rất lớn của lực lượng Bộ đội Biên phòng, ông có thể nói rõ về nỗ lực của lực lượng Bộ đội Biên phòng trong chung sức gỡ “thẻ vàng” IUU?
Có thể nói trong 4 năm qua, chấp hành chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp ngăn chặn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài nhằm sớm gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC); cùng với các lực lượng chức năng (Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư và cấp ủy chính quyền địa phương các cấp của 28 tỉnh, thành phố ven biển). Bộ đội Biên phòng đã chủ động, quyết liệt thực hiện đồng bộ các biện pháp công tác Biên phòng, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể để thực hiện nhiệm vụ chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), nhất là tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài.
Trong đó, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của ngư dân vươn khơi bám biển, vừa khẳng định chủ quyền vừa khai thác thủy sản không vi phạm pháp luật, nhất là vi phạm vùng biển nước ngoài được đặt lên hàng đầu.
Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các đơn vị Biên phòng tuyến biển tổ chức trên 5.000 buổi tuyên truyền cho khoảng 400.000 lượt người nghe, phát trên 60.000 tờ rơi, 8.000 sổ tay pháp luật; vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp tuyên truyền với nội dung phong phú, đa dạng, phù hợp với từng địa bàn.
Bên cạnh đó, Bộ đội Biên phòng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, kiên quyết không cho tàu cá ra khơi khi không đủ thủ tục giấy tờ; xử lý và tham mưu địa phương xử phạt hành chính 574 đối tượng với 21,6 tỷ đồng về hành vi khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Nhờ vậy thời gian qua, tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép của Bộ đội Biên phòng đã có chiều chuyển biến tích cực. 9 tháng đầu năm 2021 xảy ra 33 vụ với 51 tàu, giảm 7 vụ, 12 tàu so với cùng kỳ năm 2020. Đây là tín hiệu tích cực, khả quan trong việc phòng, chống vi phạm quy định IUU.
Có nhận định là sau giãn cách xã hội vì dịch COVID-19 thì khả năng tái diễn tình trạng ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, lực lượng Bộ đội Biên phòng có giải pháp nào trước việc này?
Từ đầu năm 2021 đến nay, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước, nhất là các tỉnh phía Nam, làm cho đời sống kinh tế của bà con ngư dân đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các địa phương nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, số tàu cá ra biển hoạt động sẽ tăng trở lại, trong đó tiềm ẩn không ít nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.
Chủ động với tình hình này, Bộ Tư lệnh đã xây dựng Kế hoạch số 3464 ngày 28/8/2021 về ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài đến hết năm 2022. Trong đó, chỉ đạo những biện pháp cụ thể, xác định rõ địa bàn trọng điểm, thời gian trọng điểm để các đơn vị thực hiện. Đặc biệt, Bộ Tư lệnh đã chỉ đạo Cục Chính trị xây dựng hướng dẫn chỉ đạo công tác tuyền truyền, vận động Nhân dân trong ngăn chặn tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài, với nhiều nội dung, biện pháp thiết thực, cụ thể. Lồng ghép nội dung tuyên truyền chống khai thác IUU vào các chương trình, đề án phổ biến, giáo dục pháp luật, các mô hình, chương trình Biên phòng giúp dân xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững kinh tế biển, phát huy vai trò tổ tự quản, tổ đoàn kết trên biển.
Với quyết tâm như vậy tôi tin tưởng rằng, tình trạng khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài sẽ có chuyển biến tích cực hơn trong thời gian tới.
Chúng ta đã rất nỗ lực nhưng thực tế là vi phạm của một bộ phận ngư dân khiến mục tiêu lớn nhất là gỡ “thẻ vàng” chưa đạt được mà còn có nguy cơ bị “thẻ đỏ”. Phải chăng còn nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế trong nâng cao ý thức, phổ biến pháp luật cho ngư dân tại các địa phương ven biển, nhất là khu vực Miền Trung, cũng như kiểm soát chặt tàu cá, tăng cường ngăn chặn, xử lý tàu cá vi phạm?
Mặc dù đã rất nỗ lực nhưng thực tế, tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác IUU vẫn chưa chấm dứt. Vấn đề này do nhiều nhiều nguyên nhân, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Nguyên nhân khách quan là hiện nay, một số nghề khai thác thủy sản mang tính tận diệt vẫn chưa được kiểm soát, ngăn chặn triệt để dẫn đến nguồn lợi thủy sản ở các vùng biển của Việt Nam bị suy giảm, cạn kiệt. Trong khi nguồn lợi thủy sản ở vùng biển nước ngoài phong phú, dễ đánh bắt, thu nhập cao. Bờ biển của ta dài, địa hình phức tạp, nhiều cửa sông, cửa lạch, bãi ngang, ảnh hưởng đến quá trình triển khai lực lượng tuần tra, kiểm soát. Số lượng phương tiện nhiều, đa dạng về chủng loại, khó khăn cho công tác quản lý. Đời sống nhân dân khu vực biên giới biển còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, dịch COVID-19 bùng phát diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến việc sử dụng lực lượng, phương tiện của Bộ đội Biên phòng khi vừa chống xuất, nhập cảnh trái phép, chống dịch tại các tổ, chốt, vừa tuần tra, kiểm soát chống khai thác IUU.
Nguyên nhân chủ quan là ý thức pháp luật của một bộ phận ngư dân còn hạn chế, một số ngư dân còn vì lợi ích kinh tế trước mắt cố tình vi phạm các quy định về khai thác thủy hải sản, sử dụng nhiều cách thức, thủ đoạn tinh vi để “qua mắt” lực lượng chức năng đưa tàu sang vùng biển nước khác khai thác. Công tác tuyên truyền chưa thực sự tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của ngư dân. Có tình trạng xuất hiện đường dây móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam sang vùng biển nước ngoài khai thác trái phép.
Như vậy, để giảm thiểu, đi đến chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài cần có giải pháp đồng bộ, toàn diện, quyết liệt, mới có thể khắc phục triệt để những nguyên nhân này để sớm gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC).
Có ý kiến cho rằng, mức xử phạt hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp như hiện nay chưa tương xứng với hành vi, hậu quả gây ra. Cần có chế tài mạnh hơn, thậm chí là áp dụng các biện pháp xử lý hình sự đối với những người vi phạm. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Theo tôi, trong điều kiện thu nhập và kinh tế xã hội của chúng ta hiện nay, mức phạt đối với hành vi đưa tàu cá đi khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài như quy định của pháp luật là có hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên chưa có sự thống nhất giữa các địa phương, có nơi xử phạt nghiêm, có nơi còn nương nhẹ. Trong thời gian tới, để sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để bảo đảm tính giáo dục, răn đe. Đặc biệt cần có chế tài xử lý hình sự đối với các đường dây, tổ chức móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài.
Để góp phần vào việc gỡ “thẻ vàng” IUU, thời gian tới, lực lượng Bộ đội Biên phòng sẽ chú trọng vào những giải pháp nào, nhất là tại các địa phương ven biển miền Trung, thưa ông?
Để đạt được mục tiêu hạn chế, đi đến chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài vào năm 2022, theo tôi, chúng ta phải phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhất là sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố ven biển.
Về phía Bộ đội Biên phòng, chúng tôi sẽ tiếp tục chú trọng và đẩy mạnh công tác tuyền truyền cho cộng đồng ngư dân về các quy định chống khai thác IUU, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, tham mưu cho chính quyền địa phương ven biển triển khai cho tất cả chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài làm thay đổi và nâng cao nhận thức cho ngư dân về ảnh hưởng của việc Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam để ngư dân khai thác hải sản bền vững, có trách nhiệm với hình ảnh đất nước, với thương hiệu thủy sản Việt Nam. Vươn khơi bám biển, không vi phạm vùng biển nước ngoài; khai thác đi đôi với bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; phát triển kinh tế biển bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Chúng ta cũng cần chủ động nắm tình hình, rà soát lập danh sách tàu cá có dấu hiệu, “nguy cơ cao” vi phạm vùng biển nước ngoài để đưa vào diện quản lý, theo dõi đặc biệt; trao đổi với các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức theo dõi, giám sát, tăng cường kiểm tra, kiểm soát người, tàu cá trước khi xuất, nhập bến và cả khi hoạt động trên biển bằng các thiết bị giám sát hành trình. Kiên quyết không cho xuất bến, đi khai thác khi chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Song song với công tác tuyên truyền, vận động, Bộ đội Biên phòng và các lực lượng chức năng cần xử lý nghiêm khắc bằng các chế tài mạnh mẽ các trường hợp vi phạm quy định trong hoạt động khai thác IUU theo Nghị định số 42 của Chính phủ; đồng thời công bố trên các phương tiện truyền thông để răn đe, giáo dục.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần duy trì, phát huy hiệu quả cơ chế phối hợp liên ngành theo Chỉ thị số 17 ngày 24/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ giữa chính quyền địa phương với các ngành, các lực lượng liên quan như: Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư để kịp thời ngăn chặn tình trạng khai thác IUU.
Với quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng, tôi tin tưởng rằng, tình trạng khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài sẽ có chuyển biến tích cực đi đến chấm dứt trong thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn Đại tá!