Với trên 3.200 km bờ biển cộng với tác động của biến đổi khí hậu đang trở nên nghiêm trọng đã đặt ra yêu cầu trồng rừng có khả năng thích ứng, chống chịu với điều kiện thời tiết bất lợi càng trở nên cấp bách đối với các địa phương ven biển Việt Nam. Vì vậy, theo các chuyên gia nông nghiệp, công tác trồng rừng phòng hộ ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu để chống sa mạc hóa, cát bay, cát nhảy là giải pháp thiết thực, hữu hiệu trong thời điểm này.
“Dư nắng, thừa gió và thiếu nước” là điều dễ dàng cảm nhận ngay khi đặt chân tới vùng biển cát Hòa Thắng – Hồng Phong, huyện Bắc Bình, Bình Thuận. Trước đây, mùa khô ở khu Lê Hồng Phong này, tình trạng hạn hán và hiện tượng cát bay, cát nhảy luôn xảy ra, tạo thành các đồi cát di động chuyển dịch từ biển đi vào đất liền đã lấp ruộng đồng, làng mạc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống của người dân. Đồng thời, biến nơi đây trở thành miền cát nghèo nàn, hoang mạc.
Cát bay, cát nhảy ảnh hưởng xấu tới sản xuất và sinh hoạt của người dân. ẢNh: TTXVN |
Bình Thuận được xem là tỉnh có diện tích đất cát ven biển chiếm khoảng 16% diện tích tự nhiên; trong đó, chủ yếu tại hai huyện Tuy Phong và Bắc Bình với đất đồi cát hoang hóa ven biển lên đến hơn 35.000 ha. Vậy, làm sao cố định cồn cát di động và chống xói mòn đất, phục hồi độ phì của đất, tạo ra những thảm xanh giúp cải tạo phần nào khí hậu của vùng, góp phần ổn định đời sống cho nhân dân là điều chính quyền địa phương luôn trăn trở. Để giảm mức khắc nghiệt của khí hậu miền cát hoang mạc này, tỉnh Bình Thuận đã đề ra các biện pháp để hạn chế tình trạng sa mạc hóa. Theo đó, giải pháp ưu tiên là đẩy mạnh thực hiện của địa phương là đầu tư các dự án lâm nghiệp, làm tăng diện tích rừng phòng hộ nhằm giữ nguồn nước ổn định, chặn đứng nạn cát bay, cát nhảy.
Ông Võ Minh Thái, Trưởng phòng Kỹ thuật quản lý bảo vệ rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong (Bình Thuận) cho biết, mỗi năm Ban Quản lý có kế hoạch trồng mấy chục ha rừng nhưng cũng không dễ, bởi đặc thù khí hậu ở Hòa Thắng – Hồng Phong ít mưa, phải chờ đến tháng 10 nhưng cũng phải 7-8 ngày mới được một trận. Khi có những đợt ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới hay bão, Ban quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong tận dụng triển khai trồng rừng ngay. Nhưng, trồng cũng không đơn giản chỉ là cắm cây xuống đất. Ngoài hố to, lượng phân bón nhiều hơn, bắt buộc phải có những hạt tích nước. Những hạt này sẽ hút nước, giữ ẩm và sẽ nhả dần để cung cấp độ ẩm cho cây trong thời gian không có mưa hoặc thiếu nước tưới. “Nếu không có hạt này thì cây to cỡ nào trồng xuống vùng đất này cùng lắm được vài tháng là chết. Chính vì vậy mà chi phí trồng rừng ở đây thường cao hơn rất nhiều so với những nơi khác”, ông Võ Minh Thái cho biết.
Bên cạnh đó, thực tế chi phí cho trồng rừng loại này phải mất khoảng 50-80 triệu đồng/ha, đó là chưa kể đến thời tiết khắc nghiệt như những năm qua. Người dân tự bỏ vốn trồng rừng phải có hiệu quả nào đó trước mắt để họ có thể ổn định cuộc sống. Trong khi hiện Nhà nước chỉ hỗ trợ trồng rừng khoảng 15-20 triệu đồng/ha cho nên công tác trồng rừng, phát triển rừng vẫn gặp không ít khó khăn. Các địa phương rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, các dự án hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế.
Các em học sinh tham gia trồng cây xanh chống cát bay . Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN |
Theo bà Trần Thị Khánh Trinh, Trưởng phòng Kế hoạch - Phát triển rừng, Chi cục Lâm nghiệp Bình Thuận, những năm thời tiết thuận lợi, không gặp hạn hán thì cây trồng phát huy hiệu quả tốt. Những cây phi lao, keo chịu hạn… chỉ mất khoảng 3-4 năm có thể phát tán, phát huy được chức năng phòng hộ. Tuy nhiên, hạn hán kéo dài từ năm 2014 đến nay đã khiến không ít diện tích rừng trồng chống cát bay ven biển bị chết.
Còn ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Chánh Văn phòng quốc gia sa mạc hóa, Tổng cục Lâm nghiệp chỉ ra, trồng rừng khắc phục xa mạc hóa là vùng đất đặc biệt khó khăn, do đó chính sách hỗ trợ đầu tư trồng rừng sẽ phải cao hơn so với những vùng khác. Có thể cần phải đầu tư thêm các công trình phụ trợ phục vụ cho công tác trồng rừng. Khi muốn cải tạo vùng đất nào đó cần phải đầu tư thỏa đáng trong công tác phòng chống thoái hóa đất.
Ông Nguyễn Phú Hùng bày tỏ, không chỉ cần phát triển trồng rừng phòng hộ ven biển để phòng chống sa mạc hóa mà cần quan tâm chủ yếu đến vấn đề thoái hóa đất. Hiện nay, cả nước có 3 vùng trọng điểm là Tây Bắc, Tây Nguyên (kéo dài cả Nam Trung bộ) và Đồng bằng sông Cửu Long, Tứ Giác long Xuyên với khoảng 9 triệu ha đang có nguy cơ đang thoái hóa. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, khô hạn diễn ra khắc nghiệt như năm nay, ngành lâm nghiệp đã đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống thoái hóa đất và cũng đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhưng trồng rừng là vẫn là giải pháp quan trọng hơn cả. “Trồng rừng được coi như một giải pháp công trình để bảo vệ, phòng chống thiên tai. So với các giải pháp “cứng” như xây dựng đê bao biển đây vẫn là giải pháp rẻ hơn rất nhiều", ông Nguyễn Phú Hùng đánh giá.
Hiện những vùng nguy cơ thoái hóa đất lớn, từ dọc ven biển từ Bắc Trung bộ cho đến Nam Trung bộ đã triển khai rất nhiều chương trình trồng rừng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và Nhà nước như Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) trung bình mỗi năm trồng 5.000-10.000 ha. Các chương trình với sự hỗ trợ của JICA cũng trồng 3.000-4.000 ha rừng phi lao… Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang đề nghị Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ Việt Nam trồng rừng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long và trồng rừng phòng hộ Duyên hải Nam Trung bộ.