Chuẩn bị tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam phải đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ (CNPT). Nhiều tỉnh, thành đã tính đến việc xây dựng các cụm/khu CNPT. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu không có quy hoạch và tính toán cẩn trọng sẽ trở thành con dao hai lưỡi.
Nguy cơ ô nhiễm từ công nghiệp phụ trợ
Theo GS.Võ Thanh Thu, Giảng viên cao cấp ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, ủy viên Hội đồng Chính sách Thương mại quốc tế, nguyên nhân khiến CNPT Việt Nam vẫn kém phát triển là do các chính sách hỗ trợ CNPT còn chung chung. Các giải pháp cụ thể không có, khiến các địa phương, các ngành gặp khó khăn trong việc triển khai áp dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp (DN) phát triển CNPT.
Mặt khác, vốn đầu tư cho phát triển CNPT rất lớn. “Chi phí đầu tư cho công nghiệp dệt, nhuộm, hồ vải thường lớn gấp 6 – 7 lần so với chi phí đầu tư cho công nghiệp may mặc có cùng quy mô. Chi phí sản xuất sản phẩm da vốn đầu tư hơn từ 8 – 10 lần nhiều so với công nghiệp may giày dép, túi xách...”, bà Thu ví dụ. Trong khi đó, hơn 90% DN Việt Nam có quy mô nhỏ, khả năng tiếp cận nguồn vốn rất hạn chế.
Các DN sản xuất đế giày vẫn phải nhập khẩu hơn 90% nguyên liệu. |
Đặc biệt, nhiều chuyên gia cảnh báo ngành CNPT thường gây ô nhiễm môi trường như hồ, nhuộm vải, thuộc da, xử lý gỗ trước khi chế biến... Vì vậy, các địa phương rất thận trọng khi thu hút các dự án phát triển CNPT bởi việc đầu tư chi phí xử lý ô nhiễm môi trường rất lớn. Trong khi đó, khả năng cạnh tranh của sản phẩm CNPT ở VN thấp, giá thành cao, không đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tính tương thích về kỹ thuật.
Với những khó khăn trên, nhiều tỉnh, thành phía Nam đã quy định danh mục dự án thuộc ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư, thu hút đầu tư có điều kiện và tạm dừng thu hút đầu tư trên địa bàn. Ông Vương Trọng Sánh, Trưởng phòng kế hoạch – Tài chính Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, cho biết mới đây tỉnh đã ban hành Quyết định số 2163 tạm dừng cấp đăng ký kinh doanh với 5 ngành nghề: Nhà máy thuộc da, sơ chế da, sơ chế và nhuộm da lông thú; sản xuất giấy, bột giấy từ nguyên liệu thô; chế biến tinh bột sắn; chế biến mủ cao su chưa sơ chế; sản xuất hóa chất cơ bản. Đồng thời, một số ngành nghề thuộc lĩnh vực may mặc, dệt, nhuộm, chế biến gỗ, xi mạ kim loại... xếp vào diện đầu tư có điều kiện và chỉ cấp phép vào các khu công nghiệp, có hệ thống xử lý chất thải tập trung.
Tương tự, tỉnh Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu cũng ban hành Chỉ thị 43 về việc thu hút đầu tư nước ngoài. Theo đó, tạm dừng thu hút đầu tư vào 8 lĩnh vực: Nhuộm, thuộc da; sản xuất thép, đặc biệt là thép xây dựng và phôi thép (trừ các dự án sản xuất thép chất lượng cao); chế biến tinh bột sắn; chế biến mủ cao su; sản xuất hóa chất cơ bản (có phát sinh nước thải công nghiệp); sản xuất giấy các loại, bột giấy; chế biến bột cá; các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm thượng nguồn và các hồ chứa nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Cần quy hoạch cụ thể
Ông Mai Hùng Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, cho biết những ngành nghề mà Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu tạm dừng thu hút đầu tư đã được địa phương hạn chế từ lâu, để bảo vệ môi trường, tài nguyên. “Bình Dương hiện cơ bản không có nhà máy dệt, nhuộm, chỉ có các nhà máy may mặc”, ông Dũng nói. Tuy nhiên, để phát triển CNPT lĩnh vực này, tỉnh đã quy hoạch một khu công nghiệp riêng cho sản xuất dệt, nhuộm tại huyện Bầu Bàng, với diện tích khoảng 300ha. Nhưng tới nay, vẫn chưa có nhà đầu tư.
Thực tế, ngành dệt may, da (giày, túi xách) được xem là ngành xuất khẩu (XK) lớn thứ 2 của Việt Nam, đem lại kim ngạch rất lớn cho đất nước. Cụ thể, kim ngạch XK của ngành dệt năm 2013 đạt gần 18 tỷ USD, ngành da đạt trên 10 tỷ USD. Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may đến năm 2015 và định hướng 2020, kế hoạch nâng tỷ lệ nội địa hóa (cung ứng nguyên phụ liệu bông, vải, sợi sản xuất trong nước) phải đạt từ 50% (năm 2010) lên 60% (năm 2015) và 70% (năm 2020).
Thế nhưng, theo GS Võ Thanh Thu, đến năm 2012 Việt Nam vẫn còn phải nhập khẩu 415.000 tấn bông, chiếm 99% nhu cầu. Ngành may năm 2012 có nhu cầu sử dụng khoảng 6,8 tỉ mét vải trong khi tổng lượng vải sản xuất trong nước đạt khoảng 0,8 tỉ mét. Về xơ các loại, tổng nhập khẩu là 220.000 tấn, chiếm 54%. Tương tự, ngành da trong nước cũng chỉ có thể chủ động đáp ứng được 30 – 40% nguồn nguyên liệu sản xuất, chủ yếu tập trung vào cung cấp các mặt hàng chỉ, phụ liệu như đế, bạt vải... Còn da thuộc và nguyên liệu giả da phục vụ cho sản xuất của ngành đang phải nhập khẩu gần như hoàn toàn.
Bà Đặng Phương Dung - Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, với nhu cầu nguồn nguyên liệu trên thì lệnh “cấm” với dự án đầu tư vào dệt, nhuộm, thuộc da sẽ ảnh hưởng tới ngành dệt may. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị ký TPP, với quy định sợi vải phải được sản xuất ở nước xuất khẩu mới được hưởng ưu đãi thuế quan. Trong khi đó, theo bà Dung, những địa phương tạm dừng cấp phép đầu tư lại chính là nơi mà các nhà đầu tư nước ngoài rất thích đầu tư vào. Hầu hết các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... đều là nơi tập trung nhiều nhà máy dệt may lớn, đã hình thành được cụm sản xuất tập trung, nguyên phụ liệu sản xuất ở đây, cung ứng cho các doanh nghiệp xung quanh sẽ rất thuận tiện.
Vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị cần phải có quy hoạch CNPT chi tiết nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Cụ thể, vẫn cần thu hút đầu tư vào dệt, nhuộm để chuẩn bị cho TPP. Tuy nhiên, việc thu hút không thể ồ ạt, nhà đầu tư phải vào những nơi đã quy hoạch. Ngoài ra, VITAS cũng đề xuất Chính phủ cần quy hoạch các khu phát triển nguyên phụ liệu dệt may, có đất sạch. Chính phủ cần hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý chất thải tại các khu công nghiệp tập trung, những DN đầu tư vào sẽ trả phí dịch vụ xử lý chất thải cho nhà nước. “Nếu nhà nước hỗ trợ, lĩnh vực dệt nhuộm sẽ hấp dẫn nhà đầu tư hơn, đồng thời bảo vệ môi trường, giúp DN giải quyết khó khăn về vốn đầu tư cho xử lý chất thải”, bà Dung nhấn mạnh.
Bài và ảnh: Hải Yên