Năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ siết chặt việc quy trách nhiệm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu xây lắp đối với từng dự án giao thông, nhằm đảm bảo một đồng vốn đầu tư đạt hiệu quả tuyệt đối về chất lượng công trình.
Xử lý đơn vị có sai phạm
Đầu năm 2014, để khẳng định chất lượng công trình giao thông là ưu tiên số một, Bộ GTVT đã xử lý nghiêm vụ “rút ruột” dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây. Gần đến ngày thông xe kỹ thuật (ngày 2/1), dự án này bị phát hiện có sự rút ruột công trình tại hạng mục móng cột hộ lan, ảnh hưởng xấu đến chất lượng công trình. Theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã kiểm tra và quyết định cảnh cáo, kỷ luật nhà thầu thi công Posco E&C (Hàn Quốc) và loại đội thi công hạng mục móng cột hộ lan đoạn cầu Ruột Ngựa gồm 11 cá nhân thuộc dự án ra khỏi công trường; cấm đơn vị thi công này tham gia các dự án do VEC làm chủ đầu tư; phê bình ban quản lý dự án đuờng cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và tư vấn giám sát liên doanh Nhật Bản; đồng thời yêu cầu các đơn vị gây thiệt hại khắc phục hậu quả.
Giám sát chặt khâu thi công, chất lượng công trình sẽ được đảm bảo.Ảnh: CTV
|
Tổng giám đốc VEC Mai Tuấn Anh khẳng định: Dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km đi qua TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai, tổng vốn đầu tư hơn 20.600 tỉ đồng, tốc độ thiết kế đạt tối đa 120 km/giờ, với 4 làn xe, có ý nghĩa quan trọng đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do đó, chỉ cần một hạng mục nhỏ không đảm bảo chất lượng cũng sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ công trình, cũng như làm phát sinh những chi phí sửa chữa sau này.
Từ năm 2012 đến nay, Bộ GTVT đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt chấn chỉnh việc giám sát, thi công các công trình giao thông. Năm 2014, Bộ trưởng Đinh La Thăng trực tiếp giao Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông làm nhiệm vụ “cảnh sát” trong quản lý chất lượng công trình, công bố công khai trước dư luận các công trình yếu kém, xử lý trách nhiệm rạch ròi các chủ thể vi phạm và khắc phục triệt để các sai phạm.
Nhổ cột trụ hàng rào hộ lan trên tuyến cao tốc Long Thành - Dầu Giây để kiểm tra. |
Bộ GTVT cũng đã đánh giá và công khai kết quả xếp hạng hơn 350 nhà thầu xây lắp, trong đó có trên 280 nhà thầu đạt yêu cầu, 50 nhà thầu không đạt yêu cầu và 18 nhà thầu trung bình; đồng thời công bố kết quả đánh giá xếp hạng cho 120 tổ chức tư vấn từ nhóm 10 đến 100. Kết quả đánh giá này được công khai trên hệ thống thông tin đại chúng, giúp các chủ đầu tư tham khảo, lựa chọn các nhà thầu phù hợp.
Riêng đối với công tác quản lý hiện trường các công trình giao thông, Bộ GTVT đã tăng cường các đoàn kiểm tra, kiểm định chất lượng các công trình. Đến nay, Bộ GTVT đã công khai kết quả kiểm tra các dự án thi công mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa; xử lý dứt điểm tình trạng hằn lún vệt bánh xe trên quốc lộ (QL) 3, cầu Bến Thủy 2; khắc phục khiếm khuyết trong thi công móng cột hộ lan dự án TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây...
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường: Giám sát chặt, chất lượng sẽ được đảm bảo Tới đây, đối với tất cả các dự án giao thông, từng tuyến đường, từng km đường trước khi đưa vào thi công trải thảm đều phải thí nghiệm để đảm bảo chất lượng khi cho ra thảm. Đây là một trong những yếu tố quyết định chất lượng công trình, hạn chết được tình trạng hằn lún vệt bánh xe. Do đó, trong quá trình thi công, nếu giám sát chặt chẽ khâu này, chất lượng công trình sẽ được đảm bảo. Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông Trần Xuân Sanh: “Siết” quản lý chủ đầu tư, tư vấn Nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 trong lĩnh vực quản lý chất lượng công trình của ngành GTVT là bám sát chỉ đạo theo các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ có liên quan đến đầu tư xây dựng của ngành GTVT, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính hạn hẹp hiện nay. Do đó, ngành GTVT sẽ tiếp tục thực hiện “Năm Chất lượng các công trình giao thông” với chủ đề “Kỷ cương - Chất lượng - Tiến độ”, trong đó siết chặt quản lý trách nhiệm đối với các ban quản lý dự án, chủ đầu tư và tư vấn giám sát. Các văn bản quy phạm pháp luật đã được Bộ GTVT ban hành về tăng cường quản lý chất lượng công trình sẽ được áp dụng triệt để vào thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cao hơn về quản lý chất lượng, tiến độ, giá thành công trình. Ông Trịnh Xuân Cường, Chuyên gia thuộc Tổ cố vấn của Bộ GTVT: Phải loại bỏ được tư vấn yếu kém Chất lượng tư vấn giám sát không đủ năng lực đang ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công trình giao thông, nhất là đối với các dự án giao cho các địa phương làm chủ đầu tư. Nhiều dự án lớn hiện nay không thấy tư vấn có tên tuổi tham gia. Không thể có được một công trình chất lượng cao nếu lựa chọn phải một tư vấn tồi. Trong số các nguyên nhân dẫn đến công trình kém chất lượng đều do tư vấn giám sát yếu, khiến các công trình thiết kế bất hợp lý, khối lượng bị đẩy lên quá cao so với kế hoạch ban đầu... Do đó, các dự án chuẩn bị triển khai hoặc đang chậm tiến độ hiện nay phải loại bỏ được tư vấn giám sát yếu kém. |
Năm 2013, Bộ GTVT đã khởi công 78 công trình và hoàn thành 46 công trình giao thông. Trong đó, nhiều dự án đã hoàn thành vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng cao như: Cảng Hàng không Phú Quốc, Đường Vành đai 3, Cảng Cái Mép - Thị Vải, QL3 mới... Dự kiến năm 2014 sẽ có 35 công trình được khởi công mới, đồng thời hoàn thành 58 công trình.
“Đường dây nóng” báo chất lượng công trình
Ở hầu hết các dự án không đảm bảo chất lượng, ngoài việc không đáp ứng được nhu cầu gia tăng của lưu lượng vận tải, khiến công trình nhanh chóng xuống cấp, thì khâu cốt yếu là tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát công trình bộc lộ nhiều hạn chế ngay từ bước lập dự án, dẫn tới nhiều dự án phải điều chỉnh quy mô. Bên cạnh đó, trong quá trình thi công, việc quản lý chất lượng của các nhà thầu chưa tuân thủ theo đúng quy trình, tiêu chuẩn dự án.
Nhiều công trình triển khai thiếu khoa học, thi công bề bộn. Bộ máy kiểm soát chất lượng và chi phí cho việc đảm bảo chất lượng của nhà thầu kém dẫn tới nguy cơ vi phạm chất lượng công trình. Tình trạng này rất đáng lo ngại, vì hệ lụy là dẫn đến tình trạng yếu kém về chất lượng trong quá trình thi công do không đủ vốn, chi phí cho công trình.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông Phạm Tuấn Anh, khoảng 2 năm gần đây, tình trạng hằn lún vết bánh xe xảy ra rất nhiều trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, thậm chí cả ở những dự án mới xây dựng hoặc đã đưa vào khai thác từ 10 năm qua. Thực tế này cho thấy, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ về chất lượng công trình sẽ gây tốn kém rất nhiều cho ngân sách trong việc bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp sau này.
Ngay sau khi một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh nhiều công trình giao thông đang có vấn đề về chất lượng, không ít người dân cho biết, họ sẵn sàng cung cấp thông tin về các công trình này tới Bộ GTVT. Do đó, Bộ GTVT đã thành lập “đường dây nóng” để kịp thời tiếp nhận phản ánh của nhân dân về chất lượng các công trình giao thông. Tổ công tác thường trực tiếp nhận thông tin tại Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, số điện thoại: 0439420658, 0915379596, 0917759596; hộp thư điện tử: [email protected]. Khi có thông tin về các vấn đề quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, người dân có thể phản ánh theo địa chỉ và số điện thoại “đường dây nóng”, sẽ được tổ công tác ghi nhận và kiểm tra, hồi âm công khai.
Tiến Hiếu