Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, năm nay, Bắc Giang đã có bước chủ động tốt trong đẩy mạnh xúc tiến thương mại tiêu thụ vải tại Trung Quốc và trong nước. Mặc dù sản lượng tăng cao nhưng đến nay chúng ta đã có được giá bán tốt.
Theo Bộ trưởng, vải đang ở thời điểm chính vụ mà Bắc Giang có tỷ trọng vải chính vụ lớn nên cần tiếp tục chăm sóc vườn cây để đảm bảo chất lượng quả. Quan trọng nhất hiện nay vẫn là vấn đề tiêu thụ; vì thế, huyện Lục Ngạn cần tập trung vào các nhóm giải pháp từ các loại dịch vụ hỗ trợ như: nước đá, hộp xốp, giao thông, an ninh... để đảm bảo việc tiêu thụ thông suốt, vải được mùa, được giá, đảm bảo thu nhập cho nông dân.
Ông Đinh Cao Khuê, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao đánh giá, năm nay chất lượng vải của Bắc Giang rất tốt, tỷ lệ sâu đầu rất thấp chỉ 1 - 2%, thậm chí không có. Dự kiến doanh nghiệp sẽ tiêu thụ khoảng 10.000 tấn vải cho huyện Lục Ngạn; trong đó, có 4.000 tấn xuất khẩu sang Nhật Bản... Công ty hiện có trên 10 điểm thu mua sản phẩm để xuất khẩu tươi, đóng hộp, ép nước... Công ty hiện đang thu mua với giá từ 16.000 - 20.000 đồng/kg.
Anh A Thảo, một thương lái Trung Quốc cho biết, anh đang thu mua vải để đưa về bán tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Anh hiện đang có 3 điểm thu mua, mỗi ngày thu mua được 50 - 60 tấn với giá từ 23.000 - 25.000 đồng/kg.
Anh A Thảo đánh giá, Trung Quốc cũng có vải nhiều nhưng vải Việt Nam ngon, ngọt, màu sắc đẹp hơn nên người Trung Quốc ưa chuộng hơn và giá bán cũng cao hơn vải của họ.
Những năm gần đây, sản lượng vải thiều Lục Ngạn được tiêu thụ tương đối thuận lợi ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Năm 2017 có 47,6% sản lượng vải thiều được xuất khẩu, còn lại tiêu thụ tại thị trường nội địa. Do vậy, huyện đã tập trung cả thị trường trong nước và xuất khẩu; quan tâm khai thác tối đa thị trường truyền thống, đồng thời tìm kiếm, mở rộng một số thị trường mới. Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, năm nay có đến 50% sản lượng vải của huyện được xuất khẩu.
Để chuẩn bị cho tiêu thụ vải, huyện Lục Ngạn đã phối hợp tổ chức thành công hội nghị xúc tiến thương mại, tiêu thụ vải thiều tại Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc (thị trường xuất khẩu lớn của vải thiều Lục Ngạn, chiếm trên 90% tỷ trọng xuất khẩu) đã thu hút được đông đảo doanh nhân phía Trung Quốc. Đồng thời, đã kịp thời tháo gỡ khó khăn về một số thủ tục hành chính như: đăng ký mã vùng trồng, hải quan, thông quan, kiểm dịch, kho vận...
Cùng với đó, huyện cũng tập trung vào các trung tâm đầu mới lớn như Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh miền Trung; chủ động làm việc với các nhà phân phối, các doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu như Big C, Co.opmart, Hapro… để phân phối vào hệ thống các siêu thị lớn.
Anh Đinh Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xuất khẩu Hùng Thảo đánh giá, năm nay vải được mùa, sản lượng lớn nhưng đến thời điểm này việc tiêu thụ khá tốt. Công ty có kế hoạch thu mua khoảng 8.000 tấn để tiêu thụ các hệ thống bán lẻ, đặc biệt là Co.opmart tại TP. Hồ Chí Minh và xuất khẩu sang Trung Quốc. Anh Hùng dự đoán, thời gian tới giá vải sẽ tăng do Trung Quốc kết thúc mùa vải. Hiện doanh nghiệp đang thu mua từ 20-23.000 đồng/kg.
Hiện nay, toàn huyện Lục Ngạn có 15.290 ha vải thiều; trong đó, diện tích sản xuất áp dụng theo quy trình VietGAP gần 11.500 ha và gần 220 ha được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cấp 18 mã vùng trồng cho 394 hộ gia đình; 20 ha được cấp giấy chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGap đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Năm 2018 cũng là năm thứ hai huyện thực hiện việc cấp giấy chứng nhận diện tích sản xuất vải thiều đã áp dụng theo quy trịnh VietGAP cho 23.000 hộ với l1.423 ha; hỗ trợ các doanh nghiệp là các hợp tác xã sản xuất vải thiều 50% giá trị tem truy xuất sản phẩm.
Ông Hoàng Ngọc Hiền ở xã Hồng Giang, Lục Ngạn cho biết, gia đình ông có 1,3 ha vải thiều sản xuất theo GlobalGAP, dự kiến cho 17 tấn vải. Với chất lượng vải của gia đình, ông Hiền dự kiến giá bán vải của mình sẽ không dưới 20.000 đồng/kg.
Theo ông Bùi Hồng Giang, Chủ tịch UBND xã Hồng Giang cho biết, dự kiến sau ngày 5/5 âm lịch, Trung Quốc kết thúc vụ vải, các thương lái sẽ sang Việt Nam thu mua nhiều hơn.
Để tăng cường liên kết, hỗ trợ nhân dân trong sản xuất, tiêu thụ vải thiều, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn thành lập 375 tổ liên kết, tổ hợp tác với 2.700 thành viên; thành lập 30 chi hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều tại 30 xã, thị trấn. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu trên các thông tin đại chúng. Đến nay, vải thiều Lục Ngạn đã đăng ký bảo hộ thương hiệu thành công tại 8 nước gồm: Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Mỹ và Australia.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường định hướng, huyện Lục Ngạn cần hướng mũi nhọn đột phá vào ngành kinh tế cây ăn quả chứ không chỉ trồng cây ăn quả. Theo đó, huyện cần tổng rà soát lại tổng diện tích cây ăn quả để đảm bảo các nhóm giải pháp chung, lựa chọn cơ cấu chủng loại sản phẩm như: Vải, nhãn, xoài, cây có múi... phù hợp trong chương trình tái cơ cấu.