Để triển khai Nghị quyết này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương triển khai các nội dung chỉ đạo trong Nghị quyết 94; trong đó, có việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, coi việc thúc đẩy giải ngân vốn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2019.
Theo ông Nguyễn Duy Lâm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), đến 13/12/2019, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân được 13.487 tỷ đồng, tương đương 47,5% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Riêng tháng 11/2019, Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân thêm được 2.652 tỷ đồng, thấp hơn 282 tỷ đồng so với kế hoạch giải ngân tháng và chưa bù được số 5.707 tỷ đồng chậm giải ngân đến hết tháng 10/2019.
Về kết quả giải ngân từng nguồn vốn, ông Nguyễn Duy Lâm cho hay, vốn nước ngoài đã giải ngân 4.818 tỷ đồng. Vốn ngân sách, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân 2.451 tỷ đồng.
Số vốn kế hoạch chưa giải ngân chủ yếu của các dự án trước đó do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý mới được giao kế hoạch và số vốn chưa đủ điều kiện thông báo cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang đề nghị chuyển sang thu hồi vốn ứng trước kế hoạch (1.421 tỷ đồng).
Về vốn trái phiếu Chính phủ, số tiền giải ngân đạt 6.219 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 11/2019, các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam mới giải ngân 2.429 tỷ đồng, đạt 34,4% kế hoạch. Các dự án đường sắt, đường bộ cấp bách giải ngân 1.480 tỷ đồng, đạt 48,4%.
“Kết quả giải ngân nguồn vốn này đạt thấp là do chưa chi trả được nhiều cho giải phóng mặt bằng, chưa đấu thầu xong hoặc đã đấu thầu, nhưng chưa tạm ứng được hợp đồng của các dự án đường cao tốc Bắc - Nam, các dự án đường sắt, đường bộ cấp bách”, ông Nguyễn Duy Lâm phân tích.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trong nhiều cuộc họp của Bộ về thúc đẩy giải ngân vốn đã nhấn mạnh sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân của các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án nếu để xảy ra chậm trễ, không đảm bảo tiến độ giải ngân, không giao thêm việc và đưa vào đánh giá xếp hạng chủ đầu tư, Ban quản lý dự án năm 2019.
Như vậy, có thể nói áp lực giải ngân vốn đang đè nặng lên các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông Vận tải khi khối lượng vốn đầu tư công được giải ngân vẫn còn chậm so với mục tiêu đề ra.
Năm 2019, Ban quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông Vận tải) được giao 3.904 tỷ đồng; trong đó có 3 dự án nguồn vốn ODA là đầu tư cải tạo đường Mai Dịch - Nam Thăng Long, nâng cấp Quốc lộ 217 và cầu Trung Hà. Ông Phùng Tuấn Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch (Ban quản lý dự án Thăng Long) cho hay, tính đến ngày 3/12/2019 đơn vị đã giải ngân được khoảng 61% số vốn được giao.
Ông Phùng Tuấn Sơn cho hay, các dự án của Ban có số giải ngân thấp chủ yếu do vướng mắc giải phóng mặt bằng, thi công chậm, ảnh hưởng thời tiết. Để đạt kế hoạch giải ngân trong năm, đơn vị đang đôn đốc nhà thầu khẩn trương triển khai thi công, cung cấp thêm nhân lực để đẩy nhanh tiến độ phấu đấu đạt khoảng từ 95% - 98% kế hoạch vốn được giao.
Ông Cao Việt Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch - Ban quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, năm 2019, đơn vị được giao hơn 1.100 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được hơn 800 tỷ đồng, đạt hơn 73%. Hiện đơn vị còn vướng giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn hơn 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, thủ tục gần như đã hoàn tất và chỉ chờ người dân nhận tiền. Ban quản lý dự án 2 sẽ đáp ứng chỉ tiêu giải ngân đã cam kết…
Một số đơn vị khác cũng có kết quả giải ngân thấp, thậm chí phải xin điều chỉnh giảm kế hoạch vốn 2019 là Ban quản lý dự án 6. Cụ thể, năm 2019, đơn vị này được giao tổng số 2.500 tỷ đồng. Tính đến ngày 6/12/2019, Ban quản lý dự án 6 giải ngân được 1.300 tỷ đồng, đạt hơn 50% kế hoạch được giao.
Đại diện Phòng Kế hoạch - Ban quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông Vận tải) khẳng định, hiện nay số tiền chưa giải ngân chủ yếu nằm ở khâu giải phóng mặt bằng các dự án cao tốc Bắc - Nam mà đơn vị đang phụ trách. Đơn vị phấn đấu giải ngân hết theo đúng cam kết với Bộ.
Tình trạng chậm giải ngân vốn kế hoạch năm 2019 cũng diễn ra tại Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh. Ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, năm 2019, đơn vị được giao 1.502 tỷ đồng (chủ yếu cho 2 dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, Nha Trang - Cam Lâm) và 114,8 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2018 kéo dài. Đến thời điểm 6/12/2019, đơn vị đã giải ngân được gần 900 tỷ đồng đạt trên 50% kế hoạch,
“Từ nay đến cuối năm, Ban sẽ tập trung giải ngân phần vốn giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam và phần xây lắp của một số dự án đang triển khai, phấn đấu hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn được giao trong năm 2019”, ông Lâm Văn Hoàng cho hay.
Không chỉ đường bộ, một số dự án thuộc lĩnh vực hàng hải cũng diễn ra tình trạng giải ngân chậm. Ông Trần Anh, Giám đốc Ban quản lý dự án Hàng hải cho biết, năm 2019, đơn vị được giao 2.087 tỷ đồng, chủ yếu giải ngân cho dự án cảng Lạch Huyện. Đến thời điểm này, đơn vị đã giải ngân được 1.797 tỷ đồng, đạt khoảng 86,7% kế hoạch. Đơn vị cũng đang quyết tâm hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đã cam kết với Bộ Giao thông Vận tải.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, tiến độ giải ngân nhanh hay chậm phụ thuộc chủ yếu vào các Ban quản lý dự án. Vì vậy, đơn vị nào giải ngân dưới 95%, Bộ Giao thông Vận tải sẽ không giao thêm nhiệm vụ trong năm tới.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc giải ngân chậm có nhiều nguyên nhân từ khâu chuẩn bị dự án đến triển khai thực hiện. Sau khi có quyết định đầu tư, dự án sẽ được bố trí kế hoạch vốn. Tuy nhiên, đa số quyết định đầu tư dự án hiện nay chuẩn bị chưa tốt, thậm chí một số dự án phê duyệt quyết định đầu tư còn mang tính hình thức. Dự án được bố trí vốn mới thực hiện các bước thiết kế cơ sở, xây dựng phương án giải phóng mặt bằng, đánh giá tác động của dự án liên quan đến việc thu hồi đất…
Đánh giá ảnh hưởng của việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế nhận xét, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ra nhiều hệ lụy; trong đó có việc ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Bởi vốn là một trong ba yếu tố quan trọng nhất tạo ra GDP. Mặt khác, vốn đầu tư công thường là một trong những nguồn lực của các dự án lớn, hạ tầng quan trọng nên khi chậm trễ cũng sẽ kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác. Điều này làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư và nhà tài trợ vốn...
“Bên cạnh đó, việc giải ngân chậm sẽ gây lãng phí lớn khi tiền nằm đó mà Chính phủ phải trả thêm chi phí vốn. Các dự án chậm trễ khiến chi phí quản lý dự án, lãi trái phiếu vẫn phải trả và giảm hiệu quả đầu tư, chưa nói đến các hậu quả về lợi ích xã hội”, TS. Cấn Văn Lực cho hay.
Theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh việc khắc phục những thủ tục pháp lý thì giải pháp căn cơ là làm rõ trách nhiệm của người liên quan tại bộ, ngành, địa phương trong từng khâu, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu…