Tuy nhiên, hiện nay, ngành tôm đứng trước nhiều sự cạnh tranh khác nhau. Vì vậy, để phát triển ổn định, tôm Việt Nam đang được các doanh nghiệp hướng tới chế biến sâu.
Ứng phó cạnh tranh giá thành
Với công nghiệp nuôi và chế biến tôm hiện nay, giá thành góp một phần không nhỏ vào tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp và ngành tôm. Thế nhưng, một thực tế tồn tại trong hơn 5 năm nay là các quốc gia khác cũng đang đầu tư nuôi tôm nguyên liệu giống như Việt Nam như Ecuador và Ấn Độ. Hơn nữa, cách sản xuất tôm nguyên liệu của những quốc gia này lại có giá thành thấp nên năng lực cạnh tranh tôm nguyên liệu cao.
Để nâng cao sức cạnh tranh với con tôm của các quốc gia khác, doanh nghiệp Việt Nam tìm cách sản xuất hiệu quả để duy trì hiệu quả kinh doanh, cũng như nâng giá trị sản phẩm tôm xuất khẩu trên thị trường. Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thủy sản Minh Phú, tôm nguyên liệu của Việt Nam chủ yếu sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, nguyên liệu sản xuất thức ăn, thuốc phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu nên chi phí sản xuất hiện đang cao hơn khoảng 30% so với Ấn Độ, Indonesia và cao gấp mấy lần so với tôm nguyên liệu của Ecuador.
Ngoài ra, tôm Việt Nam hiện còn đang cạnh tranh với các quốc gia khác ở phân đoạn logistics. Đường đi sản phẩm tôm của Ấn Độ, Ecuador đến các thị trường Mỹ, châu Âu ngắn hơn so với đường vận chuyển của Việt Nam. Gộp các chi phí này lại, tôm Việt Nam phải cạnh tranh gấp đôi so với các quốc gia khác - ông Quang chia sẻ thêm. Do đó, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm bắt buộc phải đầu tư công nghệ tiên tiến hơn nữa để tạo ra nhiều sản phẩm chế biến sâu, giá trị cao trong chinh phục thị trường quốc tế.
Ông Hồ Quốc Lực - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho biết, trong lĩnh vực chế biến tôm, cả thế giới có được 6 quốc gia, thì Việt Nam và Thái Lan là 2 quốc gia đứng đầu về công nghệ chế biến sâu. Cũng nhờ vào sự đầu tư công nghệ hiện đại, nên dù phải chịu sức ép cạnh tranh mạnh mẽ từ tôm giá rẻ của Ecuador và Ấn Độ, Indonesia, tôm Việt Nam vẫn có thể đứng vững, thậm chí chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường quốc tế so với các quốc gia khác. Chính vì vậy, để giữ được vị thế xuất khẩu và ứng phó với chênh lệch giá thành tôm nguyên liệu, ngành tôm Việt phát huy thế mạnh là chế biến sâu, đa dạng sản phẩm chế biến sâu để duy trì thị phần.
Theo bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tại thị trường Trung Quốc, người tiêu dùng vẫn rất ưa chuộng sản phẩm tôm sú hấp với màu đỏ bắt mắt. Để tạo ra sản phẩm chất lượng và mẫu mã làm hài lòng khách hàng, công nghệ chế biến đóng vai trò rất lớn. Ghi nhận từ VASEP cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tôm Việt Nam tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, thị trường Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) tăng trưởng 275% so với cùng kỳ năm 2023.
Lựa chọn thị trường gần
Sau thời gian dài nỗ lực và dồn tiềm lực cho con tôm, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm cũng đã thu được nhiều kết quả đáng kể. Ông Hồ Quốc Lực cho biết, tôm Việt Nam đã vươn lên, khẳng định vị trí hàng đầu về đẳng cấp chế biến và lần lượt chiếm lĩnh các thị trường, thị phần tôm cao cấp, nhất là ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU, Australia... Trình độ chế biến tôm của Việt Nam đang không ngừng tăng, với mặt hàng mới ngày càng phong phú.
Mặc dù công nghệ chế biến hiện đại góp phần nâng cao chất lượng cho con tôm chế biến nhưng cũng cần có những yếu tố như bàn tay khéo léo của đội ngũ lao động mới hoàn thiện sản phẩm. Đây là thế mạnh của Việt Nam. Ngoài yếu tố đẳng cấp chế biến, doanh nghiệp chế biến tôm Việt Nam còn hướng đến sử dụng lợi thế về mặt vị trí địa lý với nhiều thị trường gần.
Theo ông Hồ Quốc Lực, có không ít doanh nghiệp lo ngại rằng tôm Ecuador và Ấn Độ lợi thế hơn Việt Nam khi bán sang Mỹ và châu Âu. Nhất là nhu cầu hàng chế biến trung bình, khá ở hai thị trường này tương đối lớn.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng biết chọn lối đi phù hợp, khi tập trung bán tôm vào Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là hai thị trường có lợi thế địa lý lớn hơn so các nước khác; ngoài việc giữ vững thị trường Mỹ, EU, Australia... Tại những thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, tôm Việt Nam có thu hút về mẫu mã đẹp, đồng đều và chất lượng ổn định và từ đó giữ vị thế đứng đầu.
Hiện cũng có ý kiến cho rằng, Việt Nam đang “bỏ trứng vào một giỏ” khi chỉ tập trung vào chế biến trong khi các mảng khác đều thua thiệt, nhưng ông Hồ Quốc Lực lại cho rằng, ngành tôm Việt Nam đang phát huy được lợi thế cạnh tranh. Bởi ngành sản xuất nào cũng có rủi ro và ngành tôm tránh rủi ro “bỏ trứng vào một giỏ” bằng cách mỗi doanh nghiệp chế biến đừng quá tập trung một thị trường, đừng quá tập trung một sản phẩm, dù đang có lợi thế; đừng quá tập trung một khách hàng. Hơn nữa, thách thức này chỉ là ngắn hạn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy yếu. Khi mọi thứ dần trở lại bình thường, tôm chế biến vẫn giữ vững vị thế của mình.
Thêm vào đó, hiện nay người tiêu dùng thế giới đang hướng đến tiêu dùng xanh và an toàn cho sức khoẻ. Việt Nam đang có thế mạnh nguồn nguyên liệu từ tôm sinh thái cộng với cách chế biến đa dạng kết hợp với rau củ để hình thành sản phẩm “ready to eat” như sản phẩm rau củ trộn, sẽ hỗ trợ nhà nội trợ tối đa, nhà nội trợ sẽ rảnh tay cho công việc khác. Đây cũng là một trong những giải pháp chế biến mang tính cạnh tranh tại cả thị trường gần và thị trường xa.