Ông Đặng Quang Vinh (CIEM) cho biết, vừa qua, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) trong kinh doanh như Nghị quyết 19, Luật Đầu tư 2014, Luật Doanh nghiệp 2014, Nghị quyết 35... tuy nhiên vẫn còn những khoảng trống trong chính sách. Nhiều quy định gây chi phí bất hợp lý nhưng chưa được sửa đổi, việc tổ chức thực thi pháp luật kinh doanh và giải pháp cải cách hiện hành có hiệu quả thấp dẫn đến tình trạng phát sinh chi phí cho DN và gây lãng phí nguồn nhân lực của nhà nước.
“Chi phí chính thức còn nhiều điểm bất hợp lý còn chi phí không chính thức rất lớn có thể phát sinh ở mọi công đoạn kinh doanh và trong tất cả quá trình thực thi quy định pháp luật”, ông Vinh nhận định.
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Ông Vinh dẫn chứng ngay từ khởi sự kinh doanh, DN đã mất rất nhiều chi phí, nội dung đăng ký kinh doanh rất phức tạp, không rõ ràng, quy định ở nhiều văn bản khác nhau dẫn đến DN mất chi phí, thời gian để có được thông tin, nhất là thông tin về ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Cùng với đó là chi phí xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh, chi phí vốn, lao động, khoa học công nghệ, an toàn, chất lượng... Trong đó, chi phí hải quan, logistic và thuế được cho là tốn nhiều chi phí và thời gian nhất của DN. Theo quy định, DN phải kê khai chi tiết từng mặt hàng trong một lô hàng, cho dù các mặt hàng có thể rất giống nhau về bản chất hoặc có cùng thuế suất, điều này khiến DN mất nhiều thời gian khai báo hải quan khi DN nhập nhiều mặt hàng trong một lô hàng; chi phí vận tải đường bộ, đặc biệt là BOT ngày càng tăng...Theo tính toán của một DN dệt may, chi phí cho 1 công hàng là 8 triệu đồng vào năm 2012, năm 2017 đã tăng lên là 11 triệu đồng, mức tăng quá nhanh khiến DN gặp không ít khó khăn.
“Đặc biệt, quy định về thuế thường xuyên thay đổi, phần mềm khai thuế không ổn định khiến doanh nghiệp mất thời gian tìm hiểu và thực hiện quy định về thuế. Mỗi lần cập nhật phần mềm thuế, doanh nghiệp mấy 5 triệu đồng, chưa kể đến doanh nghiệp còn phải trả các khoản không chính thức cho cán bộ thuế đến kiểm tra, thanh tra”, ông Vinh dẫn chứng.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Viện phó Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương cho rằng, tạo “rào cản” cho DN có cả chi phí chính thức và không chính thức. Trong đó chi phí không chính thức rất lớn, theo thống kê của CIEM, có đến 10 loại chi phí khác nhau từ khi DN nhập thị trường, xây dựng cơ sở và đi vào hoạt động, chưa nói đến khi giải thể và đây là những khoản không định lượng được.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho biết, so với các nước thì DN Việt Nam chịu nhiều chi phí cao, ví dụ như chi phí vay vốn từ 7% đến 9%/năm trong khi các nước chỉ 2-4%/năm, chi phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn cao, chiếm 32.5 % trong khi các nước là 12 – 17%...
“Ngoài ra, những chi phí không chính thức cao, không chỉ là đón tiếp đoàn, lót tay, đủ các chi phí không tên. Đáng lo ngại, chi phí này của DN nhỏ lại lớn hơn DN khác, cản trở sự lớn mạnh của DN”, ông Tuấn cho hay.
Trước thực tế trên, nhiều chuyên gia kiến nghị để giảm chi phí cho DN cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, tiếp tục nâng cao chất lượng thể chế pháp luật kinh doanh đảm bảo đồng bộ, nhất quán, minh bạch và ổn định.