Theo phân tích của bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, ghi nhận thực tế tình hình sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng đối mặt nhiều thách thức trên cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Đặc biệt, nhiều nền kinh tế lớn trên toàn cầu bị suy giảm và khủng hoảng bởi địa chính trị là thị trường trọng điểm của doanh nghiệp Việt Nam.
Trước bối cảnh này, một số doanh nghiệp ở các ngành nghề, lĩnh vực đã tìm ra được con đường để vượt qua cơn bão biến động thị trường và duy trình ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng là một trong những yếu tố tác động mạnh mẽ đến cộng đồng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu, nên để đón đầu mùa kinh doanh Tết 2024 cần bắt tay nhau tìm ra giải pháp và chia sẻ kinh nghiệm giải bài toán giá thành sản phẩm.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao, công ty nghiên cứu khảo sát thị trường Kantar Việt Nam chỉ ra rằng, chỉ số niềm tin người tiêu dùng thay đổi trong giai đoạn khó khăn và mối quan tâm hàng đầu hiện nay là vấn đề về sức khỏe, an toàn thực phẩm. Kết quả khảo sát mới nhất của Kantar Việt Nam cũng cho thấy những tháng gần đây người tiêu dùng lo lắng hơn khi thu nhập, việc làm sụt giảm, trong khi chi phí gia tăng.
Cụ thể, có 28% hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính và mức này tăng cao đáng kể so với một năm trước và thời điểm trước dịch COVID-19. Đồng thời, sự khó khăn về tài chính của hộ gia đình ảnh hưởng tới tất cả nhóm thu nhập, dù nhóm hộ gia đình thu nhập cao có ít bị ảnh hưởng hơn so với mặt bằng chung.
Bên cạnh đó, sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng theo xu hướng tối ưu hóa chi phí mua sắm của gia đình cũng ảnh hưởng tới các ngành hàng. Điển hình, hoạt động giải trí và ăn ngoài đối mặt với nhiều nguy cơ bị cắt giảm trong khi ngành thực phẩm và thiết yếu phẩm ít bị ảnh hưởng hơn.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lương Vạn Vinh, Tổng giám đốc Công ty CP Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo chia sẻ, doanh nghiệp phải giải bài toán làm sao để cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Cùng với đó, mô hình quản lý phân phối, bán hàng luôn là khâu không dễ đối với bất cứ đơn vị sản xuất kinh doanh nào, nhất là đào tạo nguồn nhân lực và vận hàng mang tính hệ thống.
Kinh nghiệm thực tế tại Công ty CP Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo cho thấy, sản phẩm phủ sóng trên thị trường cả nước, nhưng thị trường phía Nam vẫn chiếm tỷ lệ tốt hơn. Doanh nghiệp chủ yếu phân phối qua mạng lưới bán lẻ truyền thống, với lộ trình bán hàng từng khu vực và ứng dụng DDMS (ứng dụng giám sát di động với các chức năng như giám sát từ xa, phát lại video, thông báo đẩy, khởi tạo thiết bị và cấu hình từ xa).
Để giữ chân khách hàng, một số doanh nghiệp cho rằng, cần chú trọng tăng trải nghiệm tại nhà và điều này vừa mang lại thách thức, vừa tạo ra cơ hội cho nhóm sản phẩm đóng gói trong việc thỏa mãn nhu cầu mới của người tiêu dùng. Hay những doanh nghiệp có nhãn hàng, thương hiệu đáp ứng được nhu cầu cá nhân hóa ngày càng phát triển, nhất là nhóm hàng chăm sóc cá nhân sẽ có môi trường thuận lợi mở rộng thị phần.
Liên quan đến xu hướng mua sắm cuối năm, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh tại Tp. Hồ Chí Minh cũng dự báo trong bối cảnh kinh tế còn đang phục hồi và phát triển, người tiêu dùng sẽ ưu tiên những nhóm ngành hàng mang lại giá trị trong cuộc sống hàng ngày và có tính ứng dụng cao. Ngược lại, xu hướng cao cấp hóa sẽ chậm lại trong thời gian tới vì tín hiệu nới lỏng chi tiêu chưa thực sự rõ nét.
Ngoài ra, người tiêu dùng có thể sẽ không cắt chi tiêu tiêu cho những mặt hàng thiết yếu và quà tặng dịp Tết, nhưng có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm ở phân khúc thấp hơn hoặc nhiều khuyến mại hơn. Cùng đó, ưu chuộng tính tiện lợi và ưu tiên những kênh mua sắm mang lại nhiều giá trị thay vì chỉ trung thành với một lựa chọn nhất định, hoặc những trải nghiệm mua sắm mới nhờ làn sóng phát triển của công nghệ như thương mại điện tử, siêu thị nhỏ...