Về diễn biến giá cụ thể một số nhóm ngành hàng so với tháng trước, Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh cho biết: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có chỉ số giá tăng 0,03%; trong đó nhóm lương thực tăng 1,29% với giá gạo tăng cao là 1,75%; nhóm thực phẩm giảm 0,24%, mức giảm thấp nhất là nhóm rau tươi, khô và chế biến với 1,4%; kế đến là nhóm thịt gia súc giảm 1,16% do nguồn cung dồi dào.
Nhóm tăng cao nhất trong nhóm thực phẩm là dầu mỡ ăn và chất béo khác, tăng 3,56% do ảnh hưởng giá dầu thực vật tăng 3,83% khi Bộ Nông nghiệp Indonesia cấm doanh nghiệp nước này xuất khẩu dầu cọ thô và dầu ăn với thời hạn không xác định, điều này khiến giá dầu cọ trên thị trường thế giới tăng mạnh.
Cùng chiều hướng tăng, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng, tăng 0,003%; trong đó tăng cao nhất là điện sinh hoạt tăng 1,73% do thời tiết có nhiều ngày nắng nóng gay gắt nên nhu cầu sử dụng điện tăng lên; nhóm vật liệu bảo dưỡng nhà tăng 1,19% do ảnh hưởng của giá các loại vật liệu xây dựng và chi phí vận chuyển tăng. Nhóm giao thông có chỉ số tăng 2,2% với nhóm nhiên liệu tăng 5,09% sau 3 lần điều chỉnh giá bán xăng dầu ngày 4/5/2022, ngày 11/5/2022 và ngày 23/5/2022.
Ở chiều hướng giảm, nhóm gas và các loại chất đốt giảm 5,34%, trong đó giá gas điều chỉnh giảm 29.000 đến 30.000 đồng/bình. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,25%; trong đó mức giảm nhiều nhất là nhóm hoa, cây cảnh, vật cảnh là 3,99% do giá hoa hồng giảm mạnh; nhóm du lịch trọn gói tăng 0,33% do chi phí vận chuyển, dịch vụ tăng.
Với các chỉ số trên, theo Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, CPI tháng 5 tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước; so với tháng 12/2021 tăng 2,32%; bình quân 5 tháng tăng 1,85% so với cùng kỳ.
Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh cũng cho biết: Chỉ số giá vàng tháng 5/2022 tăng 0,94% so với tháng trước; bình quân 5 tháng đầu năm 2022 tăng 18,13% so với cùng kỳ. Chỉ số giá USD tháng 5/2022 tăng 0,09% so với tháng trước; bình quân 5 tháng đầu năm 2022 giảm 0,18%.