Đây là nhận định của Tiến sĩ David Bray, Giám đốc điều hành People-Centrerd Internet (doanh nghiệp chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ kết nối - Mỹ) khi được đặt câu hỏi: Vì sao và bằng cách nào, các doanh nghiệp phải tự vận động để chuyển đổi chính mình cho phù hợp với xu hướng kinh tế số của thời đại?
Tại nhiều diễn đàn và hội nghị có chủ đề liên quan tới thúc đẩy nền kinh tế số tại Việt Nam, hầu hết các chuyên gia nghiên cứu đều có chung nhận định, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các doanh nghiệp có thể giành lợi thế thông qua những sáng kiến, thiết kế, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào các mô hình kinh doanh mới một cách có chiến lược, sáng tạo, linh hoạt và phù hợp. Qua đó, thúc đẩy quá trình chuẩn bị ở quy mô nhất định cho một kết quả có tác động mạnh mẽ trong tương lai.
Kỹ thuật số đang được áp dụng vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, công nghệ có đủ sức lan tỏa với chi phí hợp lý để mọi người có thể tiếp cận một cách dễ dàng. Từ đó, tạo ra các mô hình kinh doanh mới. Công nghệ đang được coi là khởi nguồn của kỷ nguyên kỹ thuật số. Sự bùng nổ của tính liên kết, dữ liệu, ứng dụng linh hoạt và sức mạnh của máy tính; cũng như khả năng tiếp cận với tốc độ đổi mới nhanh chóng đã khiến công nghệ trở nên quan trọng không kém các nhu cầu về thực phẩm, nước uống hay nhà ở.
Bằng công nghệ, kỹ thuật số, mỗi gia đình hay tổ chức luôn duy trì sự kết nối với nhau. Công nghệ còn giúp con người thỏa mãn các nhu cầu về giải trí, chăm sóc sức khỏe, giao thông vận chuyển, giao tiếp xã hội, mua sắm tiêu dùng, sử dụng các dịch vụ tiện ích về ngân hàng, du lịch, học tập… Cùng với những tác động tích cực của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, ngay trong nội bộ doanh nghiệp, các thành viên cũng có sự gắn kết chặt chẽ và tương tác với nhau. Bên cạnh đó, kỹ thuật số còn đem lại nhiều lợi ích khác về tiếp thị, thu hút khách hàng, tăng năng suất lao động và nhiều chức năng kinh doanh khác.
Ông Keith Davies, Giám đốc Chiến lược, ngành năng lượng, tài nguyên và công nghiệp của Monitor Deloitte Đông Nam Á cho hay, theo một báo cáo nghiên cứu về kinh doanh kỹ thuật số, thách thức lớn nhất ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh trong môi trường kỹ thuật số của một doanh nghiệp, đó chính là việc thiếu trải nghiệm. 90% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho hay, họ cần cập nhật các kỹ năng của mình ít nhất một lần/năm. 22% doanh nghiệp trong giai đoạn đầu đổi mới kỹ thuật số đang dần trao quyền quyết định cho các cấp thấp quản lý hơn trong tổ chức. Đặc biệt, khi chuyển đổi số, khả năng hoàn thiện về trình độ và đổi mới về kỹ thuật của không chỉ các lãnh đạo mà kể cả các nhân viên thuộc doanh nghiệp cũng được nâng lên gấp 4 lần. Những chỉ số này cho thấy, doanh nghiệp phải thích nghi và đạt được sự hoàn thiện đổi mới kỹ thuật số để có thể hoạt động hiệu quả hơn trong tương lai.
Qua tổng kết đánh giá, một doanh nghiệp kỹ thuật số hay được coi là chuyển đổi số thành công cần phải có 8 đặc trưng cơ bản. Đó là cần phải có một tư duy vượt bậc, phải linh hoạt trong việc đưa ra những quyết định, biết tận dụng khả năng của mỗi cá nhân để thúc đẩy sự phát triển của cả tập thể, phải đảm bảo và có sự chuẩn bị về nhân sự kỹ thuật số, phải vạch ra những ưu tiên phát triển; trong đó, ưu tiên số một là dành cho khách hàng, phải có những giải pháp mới để giải quyết những tồn tại cũ, phải biết ứng dụng thiết kế để tạo nên sự khác biệt, phải tập trung vào doanh thu, vào các chỉ số kinh doanh khác…
Qua thực tiễn cho thấy, để hướng tới sự hoàn thiện kỹ thuật số, nhiều doanh nghiệp đang có những hướng đi và sự lựa chọn khác nhau. Theo đó, có thể là tận dụng các công nghệ truyền thống để tự động hóa các khả năng hiện tại hay tận dụng các công nghệ kỹ thuật số để mở rộng khả năng và vận dụng tốt nhất mô hình kinh doanh cũ. Hoặc là tận dụng các công nghệ kỹ thuật số để trở nên đồng bộ hơn, ít rời rạc hơn với những thay đổi nâng cao bao gồm cả sự đổi mới về mô hình kinh doanh, quy trình vận hành và khai thác thị trường khách hàng mới.
Ngoài ra, cũng có không ít doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư để hoàn thiện kỹ thuật số với những đột phá khi chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, quy trình và cách thức vận hành doanh nghiệp. Nhờ đó, đã tối ưu hóa được kết quả của tiến trình chuyển đổi số; thấy rõ được sự khác biệt khi so sánh với mô hình kinh doanh cũ hay hướng đi và cách làm như trước đây.
Để có thể thực sự trở thành một doanh nghiệp kỹ thuật số trong tương lai, bên cạnh việc tăng cường trải nghiệm của doanh nghiệp thì trải nghiệm của khách hàng cũng rất quan trọng. Ông Bùi Tuấn Minh, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cho hay, có tới 89% doanh nghiệp tham gia khảo sát khẳng định, việc cạnh tranh của họ trên thị trường chủ yếu dựa trên những trải nghiệm khách hàng. Đó đã trở thành một trụ cột chiến lược để phát triển của mỗi doanh nghiệp.
Ông Minh nhấn mạnh, khách hàng luôn mong muốn được trải nghiệm những sản phẩm hợp thời và được cá nhân hóa. 75% khách hàng được hỏi cho biết họ mong đợi các nhãn hàng, doanh nghiệp biết được tại sao một sản được lựa chọn. 62% khách hàng chia sẻ cảm thấy gắn bó và có mối quan hệ mật thiết với một nhãn hàng và 70% người tham gia khảo sát cho rằng, mối quan hệ mật thiết giữa khách hàng và nhãn hàng phải bao gồm cả những phản hồi về sản phẩm, kể cả những ý kiến tốt và những phản ánh về các thiếu sót của doanh nghiệp.
Làm thế nào để thành công trong việc tạo ra những trải nghiệp tốt cho khách hàng, vấn đề đặt ra chính là khâu Marketing cần phải có sự chuyển đổi kỹ thuật số. Nghiên cứu của Deloitte đã chỉ ra rằng, doanh nghiệp cần toàn quyền truy cập các dữ liệu (trực tuyến và ngoại tuyến) liên quan tới khách hàng hiện hữu và các khách hàng tiềm năng để tập trung vào các giao dịch đa kênh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có hệ thống báo cáo quản trị thông minh, biết đặt trọng tâm vào từng phân khúc khách hàng nhằm tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng. Cuối cùng, việc truyền thông cũng cần có sự chủ động và đúng hướng, theo đó, truyền đạt các nội dung đã được cá nhân hóa tại mỗi điểm tiếp xúc nhằm thu hút, giữ chân và tiếp tục khám phá thêm các giá trị của khách hàng….
Với những gợi mở cơ bản của các chuyên gia nghiên cứu về cách thức triển khai và chuyển đổi kỹ thuật số, các doanh nghiệp Việt Nam được trang bị thêm kiến thức, tư duy mới phù hợp hơn để mạnh dạn bước qua thử thách; để vượt lên trên tâm lý e ngại, hoang mang trước xu hướng bùng nổ về công nghệ của thời đại, của kỷ nguyên kỹ thuật số đang cận kề trước mặt.