Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây, phù hợp với xu hướng toàn cầu hướng tới một tương lai bền vững hơn. Sự gia tăng mạnh mẽ của tỉ trọng nguồn phát phụ thuộc vào thời tiết trong cơ cấu phát điện có thể gây ra một số thách thức trong việc vận hành, đòi hỏi được giải quyết khẩn cấp nhằm đảm bảo việc cấp điện một cách ổn định và an toàn, đồng thời, tránh nguy cơ buộc phải cắt giảm mạnh nguồn năng lượng sạch.
Một trong các thách thức là lưới điện hiện hữu có thể không được chuẩn bị tốt để đáp ứng với các nguồn phát mới đặt tại các địa điểm xa các trung tâm phụ tải. Khả năng hiện tại của các đường dây truyền tải dài có thể nhanh chóng bị bão hòa dẫn đến tắc nghẽn lưới điện, buộc phải cắt giảm nguồn tái tạo và làm tăng chi phí năng lượng.
Một vấn đề quan trọng khác liên quan đến yêu cầu điều độ theo từng thời điểm, với khoảng thời gian chênh lệch từ vài mili giây đến chênh lệch theo mùa. Hệ thống điện cần phải trở nên linh hoạt và hiệu quả hơn trên toàn lưới, nhằm đạt được các mục tiêu về khí hậu.
Theo ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc EVN, trong 3 năm qua, dưới sự khuyến khích của chính phủ, nguồn điện từ năng lượng tái tạo đã chiếm 27% tổng công suất đặt của toàn hệ thống điện Việt Nam. Đây là nguồn bổ sung cung ứng điện quan trọng, đáp ứng nhu cầu phụ tải cao hiện nay với mức tăng trưởng xấp xỉ 10%/năm.
Trong thời gian tới, theo dự thảo Quy hoạch điện VIII chuẩn bị được Chính phủ ban hành dự kiến nguồn năng lượng tái tạo tiếp tục được phát triển. Dự kiến, đến năm 2030, năng lượng tái tạo có thể tăng thêm vào hệ thống.
Đại diện EVN cho biết thêm, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 26, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ về việc đưa phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050. Mục tiêu này cũng đặt ra cho ngành năng lượng Việt Nam, đặc biệt là ngành điện thách thức to lớn khi vừa phải đảm bảo an ninh năng lượng, cung cấp nguồn điện ổn định phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và cam kết giảm phát thải cũng như đảm bảo có giá điện hợp lý cho người dân.
“Với tỷ trọng năng lượng tái tạo ngày càng cao thì cũng ảnh hưởng đến các chế độ vận hành hệ thống điện hoặc một số những vấn đề ảnh hưởng liên quan đến vận hành cũng đã được ghi nhận trong những năm qua. Thời gian tới, tập đoàn chú trọng đến các giải pháp để đảm bảo vận hành an toàn và ổn định cho hệ thống điện”, ông Ngô Sơn Hải cho biết.
Ông Phạm Nguyên Hùng Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, năng lượng tái tạo thời gian qua phát triển nhanh. Tuy nhiên, việc phát triển nóng cũng kèm theo khó khăn trong quản lý vận hành, đặc biệt là đối với hệ thống lưới điện truyền tải. Vì lưới điện truyền tải đầu tư chậm hơn nhiều so với các hệ thống điện mặt trời, cho nên phần nào đó có thể chưa đáp ứng được và trong lúc nào đó phải giảm tiết giảm lượng nhà máy điện mặt trời.
Đồng thời, với cam kết của Chính phủ Việt Nam trong COP 26, Việt Nam sẽ phải giảm phát thải dòng bằng 0 vào năm 2050. Chính vì vậy mà Bộ Công Thương được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng và trình Thủ tướng ban hành quy hoạch tổng sơ đồ 8 có hướng phải chuyển dịch năng lượng rất lớn, trong đó phải giảm dần tỷ lệ và không sử dụng các nhà máy điện than, đồng thời cũng phải tăng dần sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu giảm phát thải.
Bà Ann Måwe, Đại sứ Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam nhận định, hệ thống điện của Thụy Điển có thiết kế tương tự như hệ thống điện Việt Nam. Lãnh thổ đất nước có hình dáng hẹp, dài nên các nhà máy thủy điện nằm chủ yếu ở phía Bắc, trong khi các trung tâm phụ tải chính nằm ở phía Nam. Thụy Điển đang hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia trung hòa các-bon đầu tiên trên thế giới vào năm 2045. Chính vì vậy, trong hệ thống điện cũng có sự gia tăng nhanh chóng các loại năng lượng tái tạo có đặc điểm không liên tục.
“Chúng tôi làm việc với các đơn vị hàng đầu trên thế giới về giải pháp lưới điện để giải quyết những thách thức đặt ra, và đã trở thành một trong những quốc gia tiên phong phát triển hệ thống năng lượng an toàn, bền vững, giá cả phải chăng, bao trùm các vấn đề kinh tế – xã hội. Việt Nam – Thụy Điển đã có quan hệ hợp tác đối tác năng lượng, bởi vậy, Thụy Điển rất mong muốn sẽ tăng cường trao đổi, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực này trong tương lai”, bà Ann Måwe cho biết.
Chia sẻ về những kinh nghiệm của Thụy Điển, các chuyên gia đến từ Tập đoàn Hitachi Energy đã giới thiệu giải pháp mở rộng khả năng truyền tải của các đường dây dài hiện hữu trong ngắn hạn và dài hạn, phù hợp với đường dây Bắc Nam dài đến 1.500km của Việt Nam; giải pháp truyền tải điện một chiều cao áp dựa trên công nghệ biến đổi nguồn áp, nhằm giúp nâng cao tính linh hoạt và hiệu quả tổng thể của hệ thống truyền tải điện; hệ thống đa trạm đầu cuối cho phép khai thác năng lượng tái tạo từ các địa điểm có công suất phát tốt nhất, truyền đến các trung tâm phụ tải lớn.
Ngoài ra, các giải pháp kỹ thuật số như hệ thống giám sát diện rộng và chương trình khắc phục sự cố có thể giúp phát hiện hiệu quả các nhiễu động nguy hiểm, nhanh chóng đánh giá rủi ro an ninh có thể xảy ra đối với nguồn cung cấp và phản ứng tức thời theo kịch bản đã được lập trình, ví dụ ngừng cấp hay ngừng phát điện…
Theo các chuyên gia, việc tăng thị phần các nguồn điện không ổn định như năng lượng tái tạo đòi hỏi cơ quan quản lý phải lập kế hoạch và triển khai vận hành hệ thống một cách cẩn trọng, bao gồm duy trì dự trữ ổn định, mua bán điện với các nước láng giềng cũng như giám sát chặt chẽ và phản ứng tức thời nếu có bất kỳ thay đổi quan trọng nào trong hoạt động điều độ hoặc nếu có sự cố trên lưới điện truyền tải.