Tư thế "mắc kẹt"
Bộ Công Thương cho biết, thời gian gần đây mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn tăng trưởng song tốc độ tăng không cao như cùng kỳ năm trước do sự suy giảm của thương mại toàn cầu, đặc biệt là những ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vốn là 2 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Cụ thể, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có dấu hiệu suy giảm khi giảm 4,3% trong quý I vừa qua.
Theo giới phân tích, căng thẳng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang là điểm nóng toàn cầu khiến Trung Quốc đẩy mạnh chính sách xuất khẩu sang các nước thứ 3; trong đó có Việt Nam để trốn thuế và thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nội địa. Điều này đồng nghĩa với việc xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới sẽ bị giảm sút và tăng tỷ lệ nhập siêu từ thị trường này.
Trong lĩnh vực thương mại, xem xét kỹ danh mục các mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc chịu áp thuế 25%. Một số ngành, lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có thể được hưởng lợi như hàng tiêu dùng (hàng may mặc, giày dép, thủy sản, nông sản, đồ gỗ, điện tử, điện thoại và linh kiện …).
Mặt hàng tư liệu sản xuất, hàng công nghiệp, sắt thép... là lĩnh vực chịu thuế suất 25% nhưng lượng xuất khẩu những hàng hóa này của Việt Nam sang Mỹ chiếm tỉ trọng rất nhỏ (chỉ khoảng 0,5-1,5% tổng nhập khẩu những mặt hàng này của Mỹ).
Như vậy, để có thể được hưởng lợi từ các mặt hàng này, các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động thông tin, tìm ra những lợi thế để khai thác, tranh thủ cơ hội để chiếm lĩnh thị phần. Mặt khác, cần tập trung vào cải cách cơ cấu và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Cũng theo các chuyên gia, Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế có độ mở thương mại hàng đầu khu vực. Vì vậy, nếu tổng cầu giảm sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu bởi đây là những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Hơn nữa, với các mức thuế suất cao, giá hàng hóa nhập khẩu từ mỗi nước có thể tăng, khiến giá những mặt hàng đó nhập khẩu vào Việt Nam cũng tăng lên.
Đáng lưu ý, với vị trí địa lý gần gũi nên hàng hóa dư thừa của Trung Quốc không xuất khẩu được vào Mỹ sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác và nhiều khả năng Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu hàng công nghiệp sang Việt Nam.
Đồng thời, khi Trung Quốc không xuất khẩu được hàng hóa sang Mỹ, sẽ phải thúc đẩy tiêu dùng nội địa, khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa vào Trung Quốc sẽ giảm và nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc tăng lên.
Không những thế, điều này có thể dẫn tới nguy cơ hàng hóa Trung Quốc tràn sang các nước khác để "mượn" xuất xứ sẽ gia tăng.
Nhận thức rõ vấn đề này, Bộ Công Thương, đặc biệt là Cục Xuất Nhập khẩu đã tăng cường kiểm tra ngay từ khi cấp C/O và sau khi cấp, phân luồng để xác định các mặt hàng và doanh nghiệp có độ rủi ro cao, xử lý nghiêm các trường hợp gian lận xuất xứ.
Cùng với đó, không thể loại trừ khả năng một lượng doanh nghiệp Trung Quốc sẽ bị phá sản khiến bộ phận lao động mất việc làm và sang các vùng biên giới, đặt ra cho Việt Nam những vấn đề cần lưu tâm về an ninh, xã hội.
Chủ động ứng phó
Theo dự đoán của các chuyên gia, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã tác động đến Việt Nam từ năm 2018 và sẽ lên đến đỉnh điểm vào năm 2020 - 2021.
Do vậy, để có đối sách phù hợp, các chuyên gia cho rằng Bộ Công Thương cần theo dõi sát sao diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, dự báo các kịch bản có thể xảy ra để có các phản ứng chính sách phù hợp.
Cùng đó, Bộ chú trọng thúc đẩy phát triển thị trường trong nước thông qua triển khai các chương trình, hoạt động để xúc tiến thương mại trong nước, như các chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", “Tự hào hàng Việt Nam”. Đây cũng là xu hướng mà đa phần các quốc gia trên thế giới đang thực hiện.
Từ khía cạnh doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, phải theo dõi sát sao tình hình thị trường và chuẩn bị sẵn sàng việc điều chỉnh sản xuất, kinh doanh, nguồn cung và thị trường một cách linh hoạt.
Mặt khác, doanh nghiệp cần chủ động tìm thêm hướng xuất khẩu ổn định và thuận lợi hơn; tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và sẽ có với các thị trường tiềm năng khác ngoài Mỹ và Trung Quốc.
Riêng với các doanh nghiệp bán hàng trong nước phải tập trung nhiều hơn tới thị trường nội địa; giành thị phần và niềm tin của người tiêu dùng trong nước.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần nâng cao trình độ, đầu tư vào công nghệ sản xuất, quản lý nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo được nội lực, sức mạnh giúp doanh nghiệp tồn tại và vượt qua mọi khó khăn, mọi hoàn cảnh, nhất là trong thời đại khoa công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhận định về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là vấn đề lớn, liên quan đến nhiều khía cạnh, diễn ra giữa 2 siêu cường kinh tế.
Vì thế, đây không chỉ là cuộc chiến cạnh tranh thương mại đơn thuần và cảnh báo Mỹ không chỉ gây chiến tranh thương mại với Trung Quốc mà còn chủ động áp dụng nhiều chính sách về thuế và rào cản thương mại với cả các đồng minh nên diễn biến của chính sách này rất khó lường.
Ngoài ra, cuộc chiến thương mại không dừng lại ở các sắc thuế mà còn cả về bản quyền công nghệ, cơ cấu kinh tế, chính sách tiền tệ, tín dụng…
Bên cạnh đó, cuộc chiến còn đặt ra nhiều vấn đề về quản lý Nhà nước về xuất nhập khẩu. Vì vậy, Việt Nam cần định hướng rất rõ, nâng cao chiến lược xuất nhập khẩu theo hướng bền vững, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cả về chiều rộng và chiều sâu.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Việt Nam đã có chính sách tự vệ với thép. Tuy nhiên còn rất nhiều mặt hàng có nguy cơ như: dệt may, da giày, đồ gỗ… hoàn toàn có nguy cơ tràn từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Để có thể đứng vững và phát triển trong hệ thống thương mại toàn cầu khi xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường.
Đặc biệt, doanh nghiệp chủ động tìm hiểu thông tin, chuẩn bị tâm thế cạnh tranh khu vực và quốc tế với tư duy sáng tạo, đổi mới và sự nhạy bén trong kinh doanh. Hơn nữa, phải có kế hoạch xây dựng năng lực, nhất là thương hiệu, uy tín và chất lượng để hoạt động với quy mô dài hạn.
Đáng lưu ý, khi xây dựng chiến lược xuất khẩu doanh nghiệp cần có kế hoạch chủ động phòng ngừa và xử lý khi vụ việc xảy ra. Vì thế, phải nâng cao nhận thức về nguy cơ khiếu kiện tại các thị trường xuất khẩu và cơ chế vận hành của từng loại tranh chấp, nhóm thị trường và loại mặt hàng thường bị kiện.
Bộ trưởng Công Thương cũng lưu ý các doanh nghiệp chú trọng hơn nữa việc tăng cường khai thác thị trường nội địa và liên kết với các doanh nghiệp có cùng mặt hàng xuất khẩu để có chương trình, kế hoạch đối phó đối với các vụ kiện xảy ra.
Mặt khác, doanh nghiệp cần sử dụng chuyên gia tư vấn và luật sư trong những tình huống cần thiết và giữ liên hệ với các cơ quan quản lý Nhà nước về thương mại để bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp./.
Bài 5: Giải pháp ứng phó ban đầu