Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp: Dư địa cải cách còn rất lớn

Nhằm cụ thể hóa chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, liên tục 5 năm gần đây Chính phủ đã ban hành hàng loạt Nghị quyết 19/NQ-CP (Nghị quyết 19) về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (bắt đầu khởi xướng từ năm 2014) và Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016 (Nghị quyết 35) về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Tại mỗi Nghị quyết, Chính phủ đã giao nhiều nhiệm vụ cho các cơ quan Nhà nước và chính quyền các địa phương trong việc hỗ trợ và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. 

Có thể nói, từ đó đã có rất nhiều chuyển biến về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, khẳng định nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong việc cắt giảm các điều kiện đầu tư, kinh doanh; cải cách kiểm tra chuyên ngành và đơn giản hoá các thủ tục hành chính.

Chú thích ảnh
CPTPP sẽ mang lại lợi ích kinh tế lớn cho Việt Nam và tạo ra hàng triệu việc làm cho lao động trong các ngành dệt may, giày da, điện tử... Ảnh: TTXVN

Báo cáo mới đây do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện đã ghi nhận đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về việc các bộ ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao trong các Nghị quyết 19 và 35.

Theo đó, điểm sáng đầu tiên là lĩnh vực thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng. Tiếp sau là những tín hiệu tích cực về việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh và cải cách về thủ tục kiểm tra chuyên ngành, thủ tục đăng ký kinh doanh, thủ tục cấp giấy phép xây dựng và thủ tục phòng cháy chữa cháy.

Các doanh nghiệp cũng đánh giá tốt về nỗ lực của ngành thuế, nhất là việc đưa các ứng dụng công nghệ thông tin tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Hoạt động thanh tra, kiểm tra cũng đã có những chuyển biến nhất định, cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra từ 2 lần trở lên trong mỗi năm đã có xu hướng giảm dần. Việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng cũng có nhiều cải thiện giúp nâng cao chất lượng dịch vụ về điện thoại, điện lực, nước sạch, internet, giao thông…

Các tỉnh và thành phố trên cả nước đều được ghi nhận về nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, triển khai thủ tục trực tuyến và phát huy hiệu quả hoạt động của Cơ chế một cửa hay Cổng thông tin điện tử. Việc tổ chức đối thoại giữa chính quyền tỉnh và doanh nghiệp được phát huy tốt; mô hình cà phê doanh nhân được đón nhận nhiệt tình và sự hoan nghênh của nhiều doanh nghiệp.

Đã có nhiều địa phương xây dựng, công bố và triển khai hiệu quả Bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI). Qua đó, doanh nghiệp có thể đánh giá hiệu quả và chất lượng điều hành của bộ máy hành chính tại địa phương…

Mặc dù, cộng đồng doanh nghiệp đã có những đánh giá tích cực về nỗ lực cải cách thể chế mà Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đang tiến hành song, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng: “Chúng ta còn có thể làm tốt hơn thế, dư địa cải cách vẫn còn rất lớn. Những kết quả đạt được thực sự chưa đáp ứng được kỳ vọng”.

Số liệu mới nhất mà VCCI khảo sát và tổng hợp cho thấy, tính đến tháng 9 năm 2018, có tới 58% doanh nghiệp vẫn phải “xin” các loại giấy phép kinh doanh có điều kiện và 42% doanh nghiệp trong số đó cho biết họ gặp khó khăn khi xin giấy phép; chỉ có 13% thủ tục đăng ký kinh doanh được tiến hành trực tuyến, thủ tục kiểm tra chuyên ngành có thể thực hiện được trên cổng thông tin một cửa quốc gia…, ông Lộc nêu dẫn chứng.

Tuy việc nộp thuế của doanh nghiệp đã thuận lợi hơn nhưng vẫn còn tình trạng quy định pháp luật về thuế thiếu rõ ràng, gây ra cách hiểu không thống nhất giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế, thậm chí là giữa các cơ quan thuế. Thủ tục đăng ký bất động sản dù có cải thiện, nhưng còn đơn lẻ, chưa có sự liên thông, phối hợp với thủ tục về xây dựng, công chứng và nộp thuế. Cải cách thủ tục hành chính tại nhiều địa phương có tiến bộ, song việc triển khai thủ tục trực tuyến vẫn chậm và có nhiều trục trặc

Liên quan tới việc giải quyết các đề xuất, kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp từ đầu năm tới hết ngày 31/10/2018, ông Lộc cho biết thêm, còn có 116 kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chưa được các bộ, ngành, địa phương trả lời; trong đó, cá biệt có kiến nghị được doanh nghiệp gửi nhiều lần nhưng vẫn không nhận được hồi đáp.

Điển hình như kiến nghị của Công ty TNHH Họ Trần đối với Bộ Khoa học và Công nghệ về việc cấp bằng nhãn hiệu SHINTO được Văn phòng Chính phủ chuyển từ ngày 23/10/2017 nhưng đến tháng 9/2018 doanh nghiệp chưa nhận được phản hồi; Kiến nghị của Công ty Thép DANA – Ý về việc UBND thành phố  Đà Nẵng thay đổi chính sách liên quan đến Cụm công nghiệp Thanh Vinh nhưng hiện vẫn chưa có phương án giải quyết gây thiệt hại cho doanh nghiệp…. Tính riêng trong tháng 10 vừa qua, có 50 trên tổng số 71 kiến nghị từ phía doanh nghiệp và các hiệp hội chưa được các bộ, ngành địa phương trả lời; trong đó, có 42 kiến nghị còn thời hạn và 8 kiến nghị đã hết thời hạn trả lời.

Những dẫn chứng nêu trên cho thấy, còn không ít vướng mắc trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và các bộ ngành, địa phương cần có những cải cách thực chất, đồng đều hơn mới mong tạo lập được môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng kinh doanh phát triển, đúng nghĩa với chủ trương và những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mà Chính phủ đề ra, ông Lộc nhấn mạnh.  

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Việt Nam (Vafie) cho rằng, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan trong việc cắt giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh; cũng như giảm thiểu các thủ tục hành chính là những điểm sáng trong tiến trình đổi mới.

Tuy nhiên, để tận dụng thời cơ thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, ngoài việc hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật liên quan tới đầu tư nước ngoài; đồng thời cần phải cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; trong đó, cần chú trọng hơn nữa cuộc cách mạng chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy công quyền, lấy lại lòng tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), ông Michael Kelly, Chủ tịch cho biết, Việt Nam đã có những cải tiến về thủ tục hải quan và hiệu suất công việc. Tuy nhiên việc kiểm toán sau nhập khẩu – được thực hiện thường xuyên nhưng phần lớn là không cần thiết, điều này đang tạo gánh nặng cho các công ty. Một công ty phải trải qua hơn mười đợt kiểm toán chỉ trong một chu kì hai tháng mặc dù gần như không có lý do gì để hải quan nhận định công ty này là đơn vị nhập khẩu có nguy cơ và rủi ro cao.

“Ngoài ra, các công ty của chúng tôi đang phải đối mặt với kiểm toán thuế định kỳ với các thủ tục dài dòng. Chúng tôi khuyến khích Chính phủ sử dụng các thủ tục của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đối với quy định về giá chuyển nhượng và thực hiện các phương pháp thỏa thuận trước về giá tính thuế hay còn gọi là APA, điều này đã được chờ đợi thực hiện từ lâu. Chúng tôi sẵn sàng làm việc, trao đổi thêm về các thủ tục của APA”, ông Michael Kelly nói.

Với vai trò là các nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, các doanh nghiệp Hoa Kỳ rất quan tâm đến sự thành công tiếp nối của thị trường này. Niềm tin của các nhà đầu tư về một môi trường đầu tư kinh doanh có thể được cải thiện bằng các động thái tăng năng suất và giảm chi phí cũng như rủi ro kinh doanh tại Việt Nam. Quan trọng hơn, việc giảm chi phí và rủi ro kinh doanh sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam, mà rất nhiều trong số đó là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, qua đó sẽ thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đảm bảo khả năng cạnh tranh và tăng trưởng trong tương lai của Việt Nam. AmCham sẽ tiếp tục đóng vai trò là cầu nối hỗ trợ và mang tính xây dựng, không chỉ để khiếu nại mà còn hoạt động để xác định, thực hiện các giải pháp và sẽ là tổ chức thúc đẩy môi trường kinh doanh nhằm giúp khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn, ông Kelly nhấn mạnh.

Có thể nhận thấy, sự sát cánh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam; trong đó, đáng kể là các nhà đầu tư nước ngoài đang đồng hành tích cực với Chính phủ trong nỗ lực chung nhằm đẩy mạnh công cuộc cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, những nỗ lực ấy cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, nhất là trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, mà tới đây chắc chắn sẽ là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu  (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Bởi nếu không như thế, nguy cơ tụt hậu so với các nền kinh tế hàng đầu ASEAN sẽ là rất rõ ràng.

Thạch Huê (TTXVN)
Đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ 4.0
Đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ 4.0

Nền kinh tế Việt Nam muốn đón đầu cơ hội và giải quyết các thách thức của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 cần sớm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển toàn diện hơn và hội nhập sâu rộng hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN