Do đó, sự chung tay của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp sản xuất trong nước để ngăn chăn vấn nạn này là việc làm cần thiết, nhất là khi Việt Nam tham gia hàng loạt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA).
Theo ông Âu Anh Tuấn, Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), có 2 hình thức gian lận xuất xứ hàng hóa. Đó là nhóm hành vi gian lận, giả mạo giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) Việt Nam, ghi nhãn hàng hóa tại nước ngoài trước khi nhập khẩu về Việt Nam để tiêu thụ và nhóm hành vi gian lận, giả mạo C/O Việt Nam, chuyển tải bất hợp pháp để xuất khẩu.
Tổng cục Hải quan cho biết, Tổng cục đã khoanh vùng 15 nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận, giả mạo C/O cao là dệt may, da giày và túi xách; máy vi tính; điện tử và linh kiện; điện gia dụng và linh kiện; điện thoại và linh kiện; nhôm và các sản phẩm từ nhôm; sắt thép và các sản phẩm sắt thép; xe đạp, xe đạp điện và linh kiện; gỗ và các sản phẩm gỗ.
Bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, có nhiều mặt hàng được VCCI cảnh báo vào diện quản lý rủi ro (hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu đầu vào sản xuất và phân loại vào luồng đỏ vàng) như: ốc vít, bu lông… và đã tiến hành kiểm tra nguồn nguyên liệu ngay từ khâu nhập khẩu để tránh trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu về bán thành phẩm, thậm chí thành phẩm mà vẫn kê là nguyên liệu - sắt thép.
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân khiến gian lận xuất xứ hàng hóa ngày càng diễn ra phức tạp là do hiện các nước trong khu vực và trên thế giới đã có những thay đổi lớn về chính sách thương mại theo xu hướng bảo hộ mậu dịch như: tăng thuế, áp dụng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước, đặc biệt là tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng cho rằng, tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa đã được cảnh báo từ lâu. Khi xảy ra tình trạng này sẽ dẫn tới nguy cơ hàng Việt Nam xuất khẩu bị điều tra lẩn tránh thuế, kéo theo những thiệt hại lớn về kinh tế. Với thị trường Mỹ, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp và khó lường, Trung Quốc sẽ tìm cách tiêu thụ hàng hóa ứ lại nên chúng ta cần cảnh giác.
Mặt khác, Việt Nam đã và đang chịu tác động bởi các FTA nên hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao có khả năng tìm cách đưa vào Việt Nam một cách bất hợp pháp với phương thức giả mạo, hợp thức hóa xuất xứ Việt Nam để sau đó xuất khẩu sang thị trường các nước. Hành vi này khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp ở mức rất cao, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hàng hóa Việt Nam sẽ bị mất uy tín trên thị trường quốc tế hoặc bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường này nếu bị nước nhập khẩu phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Ông Âu Anh Tuấn cho biết, các doanh nghiệp đang lợi dụng các quy định hiện hành để thực hiện gian lận trong khai báo mã số hồ sơ nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra hoặc lợi dụng việc kiểm tra hồ sơ xin cấp C/O còn chưa chặt chẽ để nộp chứng từ giả, không hợp lệ hoặc quay vòng chứng từ…
Ông Vy Công Tường, Cục phó Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, thực tế trong quá trình làm thủ tục cho hàng hóa xuất khẩu, một số doanh nghiệp lợi dụng thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa được hệ thống phân luồng xanh, vàng để khai sai về chủng loại mã số hàng hóa nhằm thực hiện các hành vi gian lận thương mại.
Trong những năm qua, Tổng cục Hải quan đã phát hiện nhiều vụ việc nhập khẩu hàng hóa gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam. Ông Nguyễn Khánh Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã nêu một số vụ việc gian lận điển hình diễn ra liên tục từ năm 2016 đến nay với các mặt hàng đèn led, gạch ốp lát, giày bị cơ quan hải quan kiểm tra, phát hiện.
Theo ông Âu Anh Tuấn, để ngăn chặn tình trạng gian lận C/O, khi kiểm tra hồ sơ lô hàng và thực tế hàng hóa, Tổng cục Hải quan yêu cầu kiểm tra cụ thể tên hàng, C/O hàng hóa, nhãn hàng hóa phải phù hợp với tên hàng…; đồng thời chủ động thu thập thông tin những mặt hàng mà các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản... áp dụng thuế chống bán phá giá nhằm kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, phân tích, đánh giá số liệu để kịp thời phát hiện doanh nghiệp nhập khẩu, xuất khẩu tăng đột biến các mặt hàng trùng với các mặt hàng bị áp thuế chống bán phá giá hoặc đang điều tra...
Đại diện cho các doanh nghiệp, bà Trần Thị Thu Hương cho biết, cái khó của VCCI là thiếu cơ sở thông tin để biết doanh nghiệp thành lập lúc nào, sản xuất cái gì, chỉ khi hoàn thiện sản phẩm và có nhu cầu cấp C/O thì doanh nghiệp mới làm thủ tục. Do đó, bà đề nghị các cơ quan liên quan tăng cường trao đổi kịp thời số liệu, dữ liệu của doanh nghiệp.
Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, cơ quan đã xây dựng kế hoạch hành động từ cấp Tổng cục tới các Chi cục; trong đó phân định rõ vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân đối với công việc cụ thể nhằm kiểm soát chặt chẽ, chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Hiện nay, cơ quan hải quan đang tập trung phân tích các ngành hàng, mặt hàng có kim ngạch tăng đột biến để so sánh với quy mô, khả năng sản xuất trong nước nhằm loại bỏ các mặt hàng từ nước ngoài chuyển vào Việt Nam lấy xuất xứ để xuất khẩu sang nước thứ ba, cạnh tranh không lành mạnh với các nhà sản xuất trong nước.
"Các Hiệp định thương mại tự do là thành quả của Đảng, Nhà nước dành cho các nhà sản xuất và thương mại Việt Nam. Do vậy, không thể chia sẻ hay bị đánh mất vào tay các nhà sản xuất nước ngoài. Để làm được việc này, cơ quan hải quan cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý, cấp xuất xứ hàng hóa cũng như sự lên tiếng của các nhà sản xuất trong nước để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình”, ông Mai Xuân Thành nói.