Vấn đề ngập đô thị hiện là vấn đề chung của các địa phương, nhất là những nơi có tốc độ phát triển đô thị lớn, tuy nhiên hiện nay vẫn làm theo "kiểu mạnh ai nấy làm" ngay trong từng nội bộ các địa phương trong vùng.
Triều cường gây ngập tại khu vực chân cầu Phú Mỹ, TP.HCM ngày 17/10/2016. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
Để giải quyết vấn đề thoát nước của TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020, từ năm 2001 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 752/QĐ-TTg (gọi tắt là Quy hoạch 752); đến năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1547/QĐ-TTg (gọi tắt là Quy hoạch 1547) quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố. Quy hoạch 752 xác định diện tích vùng nghiên cứu rộng 581km2, được chia thành 6 vùng thoát nước gồm trung tâm, Bắc, Nam, Tây, Đông Bắc, Đông Nam thành phố. Thực hiện quy hoạch này, hiện nay thành phố chỉ mới đầu tư nâng cấp được 1.344km hệ thống cống thoát nước, đạt 27,4%; nạo vét, cải tạo 4 trục tiêu thoát nước chính dài 60,3km, đạt 1,19%.
Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, mặc dù đạt được nhiều kết quả, giảm ngập tại nhiều vị trí nhưng do việc thực hiện quy hoạch diễn ra rất chậm nên hiệu quả công tác chống ngập còn nhiều hạn chế. Công tác quy hoạch đô thị không theo kịp tốc độ gia tăng dân số. Trong quá trình xây dựng, một số tuyến đường chính được nâng cao theo đúng cao trình quy hoạch (2m) nhưng đa số nhà dân có cốt nền thấp hơn, hệ thống thoát nước lại không được đấu nối đồng bộ dẫn đến nước chảy tràn vào nhà dân mỗi khi mưa lớn.
Tình trạng ngập nước vào các đợt mưa, triều cường xảy ra nhiều năm nay, tuy nhiên đến nay tỉnh Đồng Nai vẫn chưa thể triển khai các dự án mang tính chất căn cơ, giải quyết triệt để. Dự án thoát nước và xử lý nước thải đô thị Biên Hòa đã được thông qua gần 10 năm nay. Mặc dù vậy, vì nhiều lý do, đến nay dự án mới hoàn tất đàm phán giữa Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA, đơn vị cho vay vốn ODA để thực hiện dự án) và UBND tỉnh Đồng Nai.
Dự án thoát nước và xử lý nước thải Biên Hòa có tổng vốn đầu tư 328 triệu USD; trong đó vốn vay ODA của Nhật Bản là 261 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của Đồng Nai. Dự kiến, năm 2019 dự án khởi công và đến năm 2023 đưa vào vận hành. Dự án sẽ xây dựng hơn 120km đường ống và một trạm xử lý nước có công suất 39.000 m3/ngày đêm.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết, trước mắt, để giải quyết vấn đề ngập nước và ô nhiễm môi trường, Dự án thoát nước và xử lý nước thải Biên Hòa giai đoạn 1 tập trung xây dựng tại những khu vực đông dân cư và 9 phường trung tâm của Tp. Biên Hòa.
Triều cường gây kẹt xe kinh hoàng tại nhiều thành phố lớn. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN. |
Đánh giá về dự án này, ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, dự án thoát nước và xử lý nước thải đô thị Biên Hòa không những có ý nghĩa lớn đối với thành phố mà còn có sức ảnh hưởng đến cả khu vực. Các tỉnh, thành phố nằm bên lưu vực sông Đồng Nai như Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu đang sử dụng nguồn nước sông để phục vụ sinh hoạt. Trong khi hiện nay TP. Biên Hòa vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, do đó toàn bộ nước thải sinh hoạt của thành phố vẫn chưa được xử lý mà xả thẳng ra sông Đồng Nai.
Tương tự, tỉnh Bình Dương đã có các dự án đầu tư xây dựng các công trình tiêu thoát nước, chống ngập. Cụ thể, dự án đầu tư Trục thoát nước Chòm Sao - Suối Đờn hiện đã hoàn thành đưa vào sử dụng 8/15 gói thầu, 1 gói thầu đang triển khai thi công. Dự án đầu tư Trục thoát nước Bưng Biệp – Suối Cát đã hoàn thành đưa vào sử dụng 1/16 gói thầu, 2 gói thầu đang thực hiện lựa chọn nhà thầu thi công. Dự án đầu tư Hệ thống thoát nước Dĩ An – Tân Đông Hiệp đã hoàn thành đưa vào sử dụng 7/15 gói thầu. Hiện nay đang trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư. Dự án đầu tư Trục thoát nước suối Giữa đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thi công 2/10 gói thầu.
Có hai dự án gồm dự án đầu tư Trục thoát nước suối Bưng Cù và Dự án đầu tư Nạo vét gia cố suối Cái và các nhánh suối Cái đang tạm hoãn triển khai từ năm 2013 để đảm bảo ưu tiên cân đối, bố trí vốn cho các dự án cấp thiết khác của tỉnh, các dự án bức xúc về y tế và giáo dục.
Theo ông Lê Cảnh Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, hàng năm các huyện, thị xã và thành phố Thủ Dầu Một thường xuyên tổ chức nạo vét và khai thông dòng chảy đối với các tuyến kênh, rạch, mương tiêu thoát nước có khả năng tiêu thoát nước kém, gia cố, tôn cao các các hệ thống đê bao, bờ bao ngăn lũ ven sông Sài Gòn và các tuyến kênh, rạch nội đồng.
UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ nay đến năm 2020, Thành phố tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch 752 (ưu tiên cho những vùng đang có tốc độ phát triển nhanh) và Quy hoạch 1547 (ưu tiên các dự án có phạm vi bảo vệ lớn) với nhu cầu vốn lên đến gần 95.000 tỷ đồng. Trong đó, các dự án đã có nguồn và đang triển khai với số vốn gần 23.000 tỷ đồng (Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng - giai đoạn 2, Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè – giai đoạn 2, Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát).
Ngoài ra, dự án giải quyết ngập do triều khu vực Tp. Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng) do Trung Nam Group đang triển khai xây dựng 6 cống kiểm soát triều Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và Phú Định; 25 cống nhỏ dưới đê, xây dựng 7,8km đê bao xung yếu thuộc bờ hữu sông Sài Gòn. Riêng dự án cải thiện môi trường nước Tp. Hồ Chí Minh, lưu vực kênh Tàu Hũ – Bến Nghé – Đôi – Tẻ (giai đoạn 3, tổng mức đầu tư 9.700 tỷ đồng) đã huy động được nguồn vốn. Sau khi hoàn thành dự án sẽ chấm dứt tình trạng ngập úng do triều, thuộc khu vực trung tâm thành phố phía bờ hữu sông Sài Gòn.
Điểm qua các chương trình dự án trên, các chuyên gia, nhà quản lý đều cho rằng, những dự án trên chủ yếu là nỗ lực của từng địa phương, giải quyết trong phạm vi của mình. Hoạt động liên kết vùng trong ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu ở các địa phương vùng Đông Nam bộ còn mang tính hình thức, chưa được giám sát, kiểm tra trong tiến trình thực hiện và không có cơ quan điều phối quản lý hiệu quả. Việc này gây nên sự bị động trong công tác phòng chống, đặc biệt là sự thiếu hụt nguồn lực tài chính và cơ chế chỉ đạo đã làm cho các cam kết trở lên mờ nhạt khi thực thi. Ngoài ra, trách nhiệm giữa các tỉnh chưa có sự gắn kết cũng như thiếu sự chia sẻ đồng bộ về cơ sở hạ tầng.
Hiện nay, liên danh Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam đang triển khai Dự án hỗ trợ kỹ thuật "Nghiên cứu đề xuất giải pháp tổng thể kiểm soát ngập lũ lưu vực sông Đồng Nai". Qua đó, dự án góp phần phát triển chiến lược trung và dài hạn, hướng dẫn Quản lý rủi ro lũ lụt bền vững và cải thiện khả năng phục hồi lũ sau lũ ở lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai.