Tăng cường kiểm soát các tuyến biên giới, đường mòn, lối mở
Lạng Sơn là một trong những tỉnh có nhiều cửa khẩu, lối mở tiếp giáp với Trung Quốc nên nguy cơ lây nhiễm dịch tả lợn châu Phi xuyên biên giới thông qua việc vận chuyển, lưu hành các sản phẩm thịt lợn bị nhiễm bệnh là rất cao.
Do vậy, UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các sở, ban ngành, lực lượng chức năng có liên quan phối hợp thực hiện các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch thông qua việc kiểm soát chặt tình trạng vận chuyển, nhập lậu lợn, thịt lợn từ biên giới.
Đối với 5 huyện biên giới, UBND tỉnh yêu cầu các huyện tập trung ngăn chặn triệt để và xử lý nghiêm việc vận chuyển bất hợp pháp động vật, sản phẩm động vật qua biên giới, hoặc không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch thú y.
Ông Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: Tình trạng buôn lậu nói chung, nhập lậu sản phẩm động vật qua biên giới nói riêng có thời điểm diễn biến phức tạp nên tỉnh luôn coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.
"Trước đây Lạng Sơn là địa bàn trọng điểm ngăn chặn dịch cúm gia cầm từ Trung Quốc. Chúng tôi sẽ phát huy những kinh nghiệm, kết quả đã làm được trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi", ông Quang cho biết.
Theo ông Quang, từ đầu năm đến nay, chưa có doanh nghiệp, cá nhân nào làm thủ tục nhập khẩu lợn và sản phẩm từ lợn đi qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn. Nhưng ngay từ cuối tháng 8 vừa qua, Lạng Sơn đã tăng cường, kiểm soát chặt biên giới, đặc biệt là tổ chức chốt chặn 24/24 tại các lối mở.
Qua các cửa khẩu chính, tăng cường kiểm soát cả người lẫn hàng hóa, phòng tình trạng giấu sản pẩm động vật trong hàng hóa khác. Tổ chức đoàn kiểm tra tại địa bàn trọng điểm tuyến biên giới, nhất là đường mòn lối mở.
Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch phòng chống dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn. Tỉnh cũng thực hiện quyết liệt tháng tiêu độc khử trùng. "Lạng Sơn nhận thức rõ nguy cơ khả năng dịch bệnh. Chúng tôi không chủ quan mà tiếp tục tăng cường hơn nữa", ông Quang khẳng định.
Theo Cục Hải quan Lạng Sơn, Cục đã chỉ đạo các chi cục hải quan cửa khẩu, Đội Kiểm soát hải quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu chính ngạch cũng như các cửa khẩu phụ, những đường mòn, lối mở để kịp thời ngăn chặn thịt lợn nhiễm dịch tả châu Phi nhập lậu vào Việt Nam.
Tương tự Lạng Sơn, Quảng Ninh cũng có tuyến đường bộ ven biển dài trên 200km. Các tỉnh tiến hành hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu đi qua tuyến đường này khá nhiều.
Trên đất liền, tỉnh có tuyến đường biên giới dài gần 120 km, ngoài các cửa khẩu, Quảng Ninh còn có các lối nhỏ, đường mòn biên giới nên nguy cơ nhập lậu hàng hóa khá cao.
Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, quan trọng nhất là phòng nhập lậu, thẩm lậu qua biên giới. Quảng Ninh tập trung ngăn chặn đầu vào, tăng cường kiểm tra, giao nhiệm vụ cho địa phương và lực lượng chuyên trách. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn, cả ở tuyến ven biển, tuyến biên giới, dọc quốc lộ. Nếu phát hiện dịch bệnh, sẽ cố gắng khoanh vùng, dập dịch.
Theo ông Hậu, phòng dịch là nhiệm vụ của cơ sở, địa phương, cần làm tốt công tác truyền thông. Ngoài ra, tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT khuyến cáo Bộ công an tăng cường chỉ đạo, phối hợp để ngăn chặn dịch bệnh. Các lực lượng như Cảnh sát biển, cơ quan Hải quan, cơ quan phòng chống buôn lậu... cần có sự phối hợp chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng mầm mống dịch bệnh qua địa bàn của tỉnh.
Lào Cai cũng là một trong những địa phương có đường biên giới dài tiếp giáp với Trung Quốc với gần 200km, trong đó có nhiều đường mòn, lối mở khó kiểm soát.
Thông tin chính thức từ phía Trung Quốc công bố, hiện nay tỉnh Vân Nam, địa phương tiếp giáp với nhiều tỉnh của Việt Nam trong đó có Lào Cai, vẫn chưa xuất hiện bệnh dịch lợn châu Phi.
Tuy nhiên, tỉnh Lào Cai cũng đã chỉ đạo các địa phương tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tụ điểm tập kết, buôn bán lợn thịt, lợn giống và sản phẩm từ lợn. Yêu cầu các ngành, các địa phương phải làm nghiêm kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới để kịp thời phát hiện, bắt giữ, tổ chức tiêu hủy, sản phẩm từ lợn nhập lậu trái phép qua biên giới.
Áp dụng an toàn sinh học, tiêu độc khử trùng
Nhiều nước trên thế giới đã phải mất tới 20 - 30 năm để giải quyết dứt điểm dịch tả lợn châu Phi. Ông Ken Inui, chuyên gia bệnh lợn của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết, dịch tả lợn châu Phi có tốc độ lây lan bệnh chậm, lây nhiễm là bởi sự tiếp xúc giữa con bị bệnh và con chưa bị bệnh. Nhưng điểm đáng chú ý là gần như 100% lợn bị nhiễm bệnh sẽ chết. Lợn sẽ chết rải rác chứ không đồng loạt.
Theo ông Ken Inui, với dịch bệnh này, không thể thấy 100% lợn chết trong một ngày giống nhiều bệnh khác. Điều này gây ra khó khăn cho người chăn nuôi, cơ quan thú y cơ sở… Vì vậy, việc tập huấn cho các lực lượng trên nhận diện ra bệnh rất quan trọng. Bất kỳ có con lợn nào nghi bị bệnh là cần tổ chức xét nghiệm ngay bệnh này, đặc biệt là những con lợn trên 12 tuần tuổi vì dịch tả lợn châu Phi tập trung vào lợn ở độ tuổi này nhiều hơn.
Theo Đại diện FAO, với Việt Nam, giải pháp quan trọng nhất để ngăn ngừa dịch tả lợn châu Phi là bảo vệ các trang trại không cho vi rút xâm nhập vào thông qua áp dụng an toàn sinh học, tiêu độc khử trùng. Bệnh này chưa có vắc xin nên mấu chốt phải triển khai tốt an toàn sinh học.
Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, Tổng cục Hải quan đã có công văn hỏa tốc gửi cục hải quan các tỉnh, thành phố về việc ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam.
Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh dịch tả lợn châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam; tăng cường công tác chống buôn lậu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn điều tra, xử lý vi phạm đối với những hành vi vận chuyển trái phép, nhập lậu lợn và sản phẩm từ lợn.
Trường hợp phát hiện các lô hàng lợn và sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới thì dừng làm thủ tục thông quan, đồng thời thông báo cho cơ quan liên quan để xử lý.
Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ cuối năm 2017 đến ngày 10/9, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo bệnh ASF (bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người), với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là trên 500.000 con.
Cũng theo OIE và FAO, từ đầu tháng 8 năm đến ngày 9/9, Trung Quốc báo cáo tổng cộng có 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh (bao gồm: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và Chiết Giang) với tổng số hơn .000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.