Chủ động phòng vệ thương mại - Bài 1: Điều kiện tiên quyết trong hội nhập

Việt Nam liên tiếp phải đối phó với sự "bùng nổ" các vụ kiện phòng vệ thương mại trong khi năng lực tài chính và khả năng ứng phó của một số ngành hàng, doanh nghiệp trong nước còn yếu.

Chú thích ảnh
Thủy sản là một trong 4 mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất 9 tháng năm 2018. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Bối cảnh hiện nay là tiến trình tự do hoá thương mại toàn cầu ngày càng sâu rộng, các hàng rào thương mại truyền thống như thuế quan dần dần được dỡ bỏ, các cam kết mở cửa thị trường được đẩy mạnh cùng với sự gia tăng của các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng được sử dụng nhiều như một công cụ hợp pháp để tăng thuế nhập khẩu, bảo hộ sản xuất trong nước.

Việt Nam liên tiếp phải đối phó với sự "bùng nổ" các vụ kiện phòng vệ thương mại trong khi năng lực tài chính và khả năng ứng phó của một số ngành hàng, doanh nghiệp trong nước còn yếu. Với dự báo, việc gia tăng các rào cản về thương mại sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu, nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp trong nước cần nâng cao hiểu biết về công cụ phòng vệ thương mại cũng như tăng hiệu quả kháng kiện, đảm bảo thị trường và giá trị thặng dư cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Gia tăng xu hướng bảo hộ

Thống kê từ Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy, tính đến tháng 10/2018, đã có hơn 140 vụ việc khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại liên quan tới hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Xu hướng các vụ kiện phòng vệ thương mại trên thế giới đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu tập trung vào kiện chùm, kiện chống lẩn tránh thuế, kiện domino, kiện kép (kiện đồng thời chống bán phá giá và chống trợ cấp).

Điển hình một số vụ việc có tác động tiêu cực đến sản xuất của doanh nghiệp trong nước như Hoa Kỳ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với pin năng lượng mặt trời, thép cán nguội và thép carbon chống mòn, tôm, cá da trơn...; Australia điều tra chống bán phá giá với dây thép; Canada điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm khớp nối bằng đồng của Việt Nam…

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, hàng hoá là đối tượng bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại vô cùng đa dạng, từ các mặt hàng nông, thủy sản cho đến các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo.

Nếu như trước đây, chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như: thuỷ sản, da giày mới bị kiện thì hiện nay ngay cả những mặt hàng có kim ngạch nhỏ cũng phải đối mặt với các vụ kiện. Có thể nói, bất cứ hàng hoá xuất khẩu nào cũng có khả năng là đối tượng bị điều tra áp dụng phòng vệ thương mại.

Cũng theo ông Chu Thắng Trung, trong số các quốc gia “thường xuyên” áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam, Hòa Kỳ nổi lên là thị trường khó tính nhất.

Mặc dù là một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, nhưng thị trường này lại chiếm tới 22% tổng số vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp mà hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt ở nước ngoài. Tiếp đến là các thị trường khác như: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, EU, Canada…

Nhận định từ các chuyên gia cũng cho thấy, với nền kinh tế thị trường, việc các quốc gia áp dụng rào cản thương mại nhằm bảo hộ sản phẩm trong nước là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, trước các rào cản thương mại hay các vụ kiện liên quan đến vấn đề chống bán phá giá…, doanh nghiệp Việt dường như bị động, thiếu thông tin, thậm chí thiếu nguồn nhân lực có kinh nghiệm về phòng vệ thương mại dẫn đến bị thua thiệt.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, theo đại diện Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), hầu hết các vụ kiện chống bán phá giá thường có thời hạn rất ngắn, các yêu cầu về kỹ thuật lại rất phức tạp, trong khi doanh nghiệp Việt Nam không phải lúc nào cũng sẵn sàng cho các vụ kiện ở nước ngoài...

Trong nền kinh tế thị trường, rào cản thương mại được ví như một “lá bùa” hộ mệnh bao bọc, bảo vệ sản phẩm trong nước trước sự tấn công như vũ bão của các mặt hàng cùng loại từ các nước xuất khẩu. Vì thế, ngày càng nhiều các rào cản thương mại được các nước nhập khẩu áp dụng khiến không ít các doanh nghiệp Việt điêu đứng.

Lý giải thêm về nguyên nhân gia tăng các vụ kiện về phòng vệ thương mại, giới phân tích cho rằng các chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu đang ngày càng được mở rộng và liên kết nhiều quốc gia với nhau cũng là lý do tác động đến các biện pháp phòng vệ thương mại. Vì thế, các vụ kiện về phòng vệ thương mại phát sinh những xu hướng mới như kiện chùm, kiện chống lẩn tránh thuế, kiện kép… làm gia tăng số lượng các vụ kiện về phòng vệ thương mại.

Bảo vệ chính mình

Theo Cục Phòng vệ Thương mại, hiện nay tại các vụ kiện phòng vệ thương mại chỉ có sự góp mặt của các doanh nghiệp lớn mà thiếu vắng sự tham gia của những doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp sản xuất tại các lĩnh vực dễ tổn thương. Vì thế, trước bối cảnh Việt Nam tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới thì điều này đã tạo ra những rào cản không nhỏ trong lĩnh vực phòng vệ để bảo vệ chính mình.

Chú thích ảnh
Sản xuất các mặt hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH Kydo Việt Nam có vốn đầu tư Hàn Quốc (Khu Công nghiệp Phố nối A, Hưng Yên). Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Một trong những quy định bắt buộc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và pháp luật Việt Nam là các tổ chức, cá nhân đứng đơn yêu cầu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại phải đáp ứng yêu cầu “đại diện” cho ngành sản xuất trong nước, tức là phải chiếm ít nhất 25% tổng sản lượng của ngành.

Đây cũng là yếu tố mà các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn hơn các doanh nghiệp lớn. Hạn chế về tính đại diện và nguồn lực là hai nguyên nhân căn bản dẫn tới việc trong thời gian vừa qua nguyên đơn của các vụ kiện thường là các doanh nghiệp lớn.

Chính vì vậy, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tăng cường phối hợp với các Hiệp hội để nâng cao vai trò đại diện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ; đồng thời là đầu mối cung cấp thông tin về phòng vệ thương mại, tập hợp nguồn lực để các doanh nghiệp phối hợp tốt hơn với các cơ quan Nhà nước, tham gia hiệu quả hơn vào việc khởi kiện cũng như xử lý các biện pháp phòng vệ thương mại. 

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết: Phải sau ngày 31/12/2018 theo cam kết của WTO, các nước sẽ không còn được mặc nhiên coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương vẫn chủ động thu thập thông tin liên quan và cùng với Tham tán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ doanh nghiệp làm việc trực tiếp với các tổ chức, các bên liên quan đến điều tra phòng vệ thương mại. Bên cạnh đó, Bộ cũng hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước thực hiện khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại với những hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng thẳng thắn thừa nhận, mặc dù việc khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại tuy chưa nhiều, nhưng cũng sẽ được nghiên cứu xem xét thực hiện phổ biến nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước.

Ngược lại, các vụ việc phòng vệ thương mại mà doanh nghiệp nội phải đối mặt trên thị trường thế giới dự báo cũng sẽ ngày càng nhiều, nhất là trong bối cảnh chính sách bảo hộ thương mại cực đoan đang được nhiều nước tận dụng. Do đó, biện pháp khả thi nhất nhằm giảm thiểu rủi ro chính là doanh nghiệp phải chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu.

Hiện Việt Nam đang có giao thương với 200 quốc gia trên thế giới, nhưng hàng hóa Việt chỉ mới xuất khẩu hơn 50 nước. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương yêu cầu các Tham tán thương mại hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu. Song song đó, Bộ đẩy mạnh làm việc với Hoa Kỳ và châu Âu để xem xét lại chính sách kinh tế thị trường đối với Việt Nam.

Mặt khác, Bộ Công Thương cũng tham mưu để Chính phủ ban hành quy định pháp lý về chế tài đối với những doanh nghiệp không phối hợp đầy đủ vào quá trình kháng kiện vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại.

Do vậy, doanh nghiệp cần phải hợp tác chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin liên quan đến việc kháng kiện, tránh tình trạng doanh nghiệp né tránh, không cung cấp thông tin, thậm chí ém thông tin, dữ liệu, số liệu hàng hóa xuất khẩu. Hệ quả là không phải chỉ có một doanh nghiệp xuất khẩu mà tất cả doanh nghiệp ngành hàng đó đều bị thiệt hại.

Nhằm giúp các doanh nghiệp nắm vững và sử dụng hiệu quả các công cụ phòng vệ thương mại, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương đang triển khai đầy đủ Luật Quản lý Ngoại Thương 2017 và tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng vệ thương mại theo hướng minh bạch, công khai, phù hợp với cam kết quốc tế. Từ đó tạo điều kiện cho quá trình thực hiện, bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước, đồng thời giúp các doanh nghiệp, các bên liên quan có thể dễ dàng tìm hiểu, tiếp cận thông tin, quy định pháp luật về phòng vệ thương mại.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng Đề án đẩy mạnh việc cảnh báo sớm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu để phân tích nguy cơ bị nước ngoài khởi kiện hoặc nguy cơ hàng nhập khẩu gia tăng đột biến ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất trong nước.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: Bộ Công Thương sẵn sàng ghi nhận, tư vấn và cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp về cả lĩnh vực khởi kiện và kháng kiện. Thực tế, Bộ Công Thương đã duy trì hoạt động hỗ trợ này trong nhiều năm và có nhiều thành quả đáng ghi nhận.

Mặt khác, Bộ Công Thương đang thúc đẩy các chương trình phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông để phổ biến sâu rộng hơn nữa lĩnh vực phòng vệ thương mại tới các đối tượng liên quan.

Trong thời gian qua, Bộ cũng đã tổ chức rất nhiều hoạt động tuyên truyền, đào tạo ở nhiều cấp độ khác nhau để phổ biến kiến thức và nâng cao nhận thức về phòng vệ thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như các cơ quan Nhà nước có liên quan.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đang xây dựng Chương trình tổng thể sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số ngành sản xuất thuộc Đề án Tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững đến giai đoạn 2020, tầm nhìn đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm triển khai phòng vệ thương mại một cách đồng bộ và hiệu quả.

Bài 2: Tự tin ra sân chơi lớn

Uyên Hương (TTXVN)
Tận dụng công cụ phòng vệ thương mại để tránh cạnh tranh khi hội nhập
Tận dụng công cụ phòng vệ thương mại để tránh cạnh tranh khi hội nhập

Khi hàng rào thuế quan giảm xuống thì xu thế các nước gia tăng bảo hộ đối với ngành sản xuất nội địa, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) ngày càng trở nên nóng hơn. Theo các chuyên gia, đây là biện pháp được sử dụng nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa khỏi các đối thủ cạnh tranh nước ngoài, bao gồm các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN