Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam: Biểu giá điện cần được cải tiến cho phù hợp

Liên quan sự việc tăng giá điện đang làm nóng dư luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Tài chính kiểm tra việc điều chỉnh giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam để tìm hiểu rõ hơn về câu chuyện cách tính giá điện hiện nay dưới con mắt của người từng có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành giá. 

Chú thích ảnh
Chủ nhà trọ chốt số điện phòng trọ công nhân lao động tại Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh minh họa: Thanh Thương/TTXVN

Xin ông cho biết cách tính giá điện 6 bậc lũy tiến như hiện nay có hợp lý không và cách tính này có hỗ trợ cho người có thu nhập trung bình và thấp không?

Giá điện sinh hoạt bậc thang theo hướng lũy tiến được áp dụng từ năm 1994 với cơ số tiến 3 bậc “càng sử dụng nhiều giá càng đắt” và được cải tiến số bậc cho phù hợp với từng thời kỳ cho đến hiện tại là Biểu giá lũy tiến 6 bậc.

Biểu giá hiện hành có ưu điểm là cơ bản tính toán thể hiện những tư tưởng của chính sách giá điện là bù đắp chi phí sản xuất và có lợi nhuận cho sản xuất, cung ứng điện; khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm (thông qua biểu giá điện lũy tiến để ứng xử với loại hàng hóa đặc biệt, đáp ứng đòi hỏi của quy luật khan hiếm nguồn lực nhằm điều tiết sử dụng điện một cách hợp lý).

Biểu giá điện hiện hành cũng thể hiện chính sách an sinh xã hội đối với những hộ nghèo, thu nhập thấp thông qua việc tính mức giá điện cho hộ được xác định là hộ có thu nhập thấp tiêu dùng điện từ 0 - 50 kWh (bậc 1) bằng 92% so với mức giá điện bình quân. Sang bậc 2 (mức  51 - 100 kWh) bằng 95% so với mức giá điện bình quân… và bậc 3 tính mức giá cho các hộ có thu nhập trung bình tiêu thụ điện từ 101 - 200 kWh/tháng, bằng 110% so với giá bán bình quân….

Tuy nhiên, đến nay biểu giá điện sinh hoạt 6 bậc lũy tiến đã bộc lộ khá nhiều khuyết điểm, thậm chí gây bức xúc trong dư luận xã hội những ngày qua cần phải được nghiên cứu để cải tiến. 

Theo đó, biểu giá điện không còn phù hợp với tình hình thực tế sử dụng điện hiện nay do sự chuyển dịch của các hộ tiêu dùng điện từ bậc này sang bậc khác. Nếu năm 2014 tỷ lệ hộ tiêu dùng điện dưới 50 kWh/tháng so với tổng số hộ dùng điện là 21,79% thì năm 2017 giảm xuống còn 17% và năm 2018 chỉ còn 15,17%... Số hộ tiêu dùng điện ở mức 300 kWh/tháng trở lên năm 2014 là 8,63% thì năm 2018 đã là 10,69%...

Bên cạnh đó, nhiều bậc, gắn với nhiều mức giá đã gây ra những khó khăn, bất cập nhất định trong ghi chỉ số công tơ, trong thanh toán tiền điện với khách hàng, trong việc theo dõi tính toán kiểm tra của người tiêu dùng điện đối với việc sử dụng điện hàng tháng của mình.

Ngoài ra, khoảng chênh lệch giá giữa các bậc thang không phù hợp dẫn đến mức giá có khoảng chênh lệch cao lại rơi vào số đông hộ tiêu dùng điện có mức tiêu dùng điện trung bình, phổ biến của xã hội. Khoảng cách giá giữa bậc 2 cao hơn bậc 1: 1,033 lần; bậc 3 so với bậc 2: 1,165 lần; bậc 4 so với bậc 3: 1,2553 lần; bậc 5 so với bậc 4: 1,1164 lần, bậc 6 so với bậc 5: 1,033 lần.

Tỷ lệ giá bán lẻ của từng bậc thang so với giá bán lẻ điện bình quân cũng có sự chênh lệch với bậc 1 bằng 92% so với giá bán lẻ điện bình quân, bậc 2 bằng 95%, bậc 3 bằng 110%, bậc 4 bằng 1%, bậc 5 bằng 154%, bậc 6 bằng 159%.

Chính bất cập trên đã dẫn đến có những thời điểm nhu cầu tiêu dùng điện tăng cao, tốc độ tăng tiền điện thanh toán trên thực tế tăng nhanh và cao hơn tốc độ tăng lượng điện tiêu thụ. Khi đó, người tiêu dùng điện phải trả tiền điện nhiều hơn; trong đó có khoản tiền cho việc tăng giá, nhưng quan trọng là phải trả nhiều hơn cho cách bố trí bậc giãn cách giữa các bậc cả về lượng điện và giá điện không hợp lý. Chính vì vậy, trong đợt điều chỉnh giá tháng 3 vừa qua, giá điện bình quân ở các hộ tiêu dùng không còn trên lý thuyết 1.864,44 đồng/kWh mà thực tế đã vượt lên 2.000 đến trên 2.000 đồng/kWh.

Tôi lấy ví dụ, trong kỳ điều chỉnh giá điện tháng 3/2019 vừa qua (tính tròn tháng cho dễ hiểu), tính cho 1 hộ như sau:

Tháng 3: Lượng điện tiêu thụ: 250 kWh/tháng. Theo hóa đơn: bậc 1: 50 kWh đầu tiên x 1.540 đồng = 77.450 đồng; bậc 2: 100 kWh x 1.600 đồng = 160.000 đồng; bậc 3: 100 kWh x 1.858 đồng = 185.8000 đồng. Tổng: 423.250 đồng.

Tháng 4: Cũng lượng điện tiêu thụ: 250 kWh/tháng. Theo hóa đơn: bậc 1: 50 kWh x 1.678 đồng = 83.900 đồng; bậc 2: 100 kWh x 1.734 đồng = 173.400 đồng; bậc 3: 100 kWh x 2.014 đồng = 201.400 đồng. Tổng: 458.100 đồng.

Với số liệu trên, có thể nhận thấy nếu 2 tháng lượng điện sử dụng như nhau (250 kWh) thì giá điện tăng 8,3% và số tiền phải trả tăng 8,3%.

Tuy nhiên, tháng 4 sử dụng tăng 100 kWh phải chuyển sang tính giá bậc 4: 100 kWh x 2.536 đồng = 253.000 đồng và tổng tiền phải thanh toán của tháng 4 sẽ là: 712.300 đồng. Như vậy về lượng tiêu thụ điện chỉ tăng 40% (350 kWh/250kWh), nhưng số tiền thanh toán đã tăng % (tiền điện tăng cụ thể từng hộ lượng điện tiêu thụ bao nhiêu, số lượng điện tiêu thụ tăng được thanh toán ở giá bậc mấy).

Theo ông có nên tính giá điện cao hơn đối với những ngành tiêu tốn nhiều điện như sắt thép, xi măng không?

Tôi không đồng tình với quan điểm này lắm vì hiện nay, nguyên tắc xuyên suốt của việc xây dựng 4 biểu giá điện là căn cứ vào thực tế của việc sản xuất các cấp điện áp gắn với chi phí sản xuất của từng cấp điện áp và nhu cầu thực tế sử dụng cấp điện áp của các ngành; vào nhu cầu sử dụng điện theo thời gian để huy động công suất từ các nguồn điện có chi phí sản xuất và giá thành khác nhau; vào mục đích sử dụng điện.

Như vậy thì phương pháp định giá điện xuyên suốt cũng là phương pháp chi phí. Đã là phương pháp chi phí thì phải dựa vào giá thành. Hiện tại, các ngành sản xuất tiêu thụ điện phần lớn là tiêu thụ điện ở cấp điện áp cao và trung áp mà giá thành điện ở cấp điện áp cao, trung áp thường thấp hơn giá thành cấp điện áp thấp (hạ áp). Định giá đã bảo đảm nguyên tắc bù đắp chi phí rồi thì không có lý gì lại đặt biểu giá riêng cho sắt thép, xi măng. 

Có những ý kiến cho rằng để giá cho những ngành này thấp, lại tiêu thụ điện nhiều… sẽ kích thích nhu cầu tiêu thụ điện tăng nhanh, không đổi mới công nghệ, không kích thích tiết kiệm điện… Điều đó đúng, nhưng không phải bản chất. Giá chỉ tác động thôi, giá không thể là chìa khóa vạn năng, là “đòn bẩy” để bẩy cả cái sai trong phê duyệt, trong thực hiện đầu tư, trong mua sắm thiết bị công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều điện ở những ngành này… mà cái gốc là phải tái cơ cấu lại các ngành đó (giá điện nào để cứu gang thép Thái Nguyên?).

Vậy theo ông, việc tăng giá điện tác động thế nào đến nền kinh tế? Tăng giá điện có tác động đến cả vĩ mô và vi mô?

Ở vĩ mô sẽ là lạm phát chi phí đẩy của nền kinh tế, còn vi mô sẽ tác động đến sản xuất, chi tiêu của nền sản xuất và chi tiêu của từng hộ gia đình.

Các tác động đó đã được ngành điện tính toán và công bố khi điều chỉnh giá điện tăng 8,36%. Tôi không nói lại.

Nhưng tất cả con số ấy chỉ là tính toán về lý thuyết không phải là số thực tế khi giá điện được điều chỉnh đi vào cuộc sống. Tôi cho rằng, điều này phải được Bộ Công Thương tính toán lại để tham mưu cho Chính phủ.

Đối với vĩ mô, Bộ Công Thương tính điều chỉnh giá điện tăng 8,36% thì CPI tăng 0,29% đây chỉ là mức tăng trực tiếp (vòng 1), còn vòng gián tiếp (vòng 2, vòng 3) theo tính toán của tôi là phải gấp 2 lần vòng 1.

Đối với sinh hoạt gia đình, chắc chắn giá bình quân thực tế sẽ cao hơn giá bình quân tính toán mà Bộ Công Thương phê duyệt và như vậy mức độ điều tiết (người tiêu dùng phải trả tiền điện) sẽ lớn hơn trên thực tế vì tỷ trọng tiêu dùng điện giữa các hộ tiêu dùng điện đã thay đổi như đã phân tích ở phần trên (giá bình quân thực tế sẽ vượt: 1.864,44 đồng/kWh).

Đối với sản xuất, tỷ trọng tiêu thụ điện giữa các ngành sẽ dịch chuyển làm cho cơ cấu tỷ trọng tính giá điện bình quân thay đổi cũng dẫn đến tác động đến giá thành sản phẩm tăng hơn các mức đã tính toán và sẽ cao hơn con số làm tăng giá thành thép: 0,5%, xi măng: 1,25% và dệt may: 1,08%.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Thùy Dương (TTXVN)
PGS.TS Ngô Trí Long: Nên xem xét, xây dựng lại biểu giá điện
PGS.TS Ngô Trí Long: Nên xem xét, xây dựng lại biểu giá điện

Dư luận những ngày gần đây xôn xao về hóa đơn tiền điện tháng 4, tháng đầu tiên thực hiện mức tăng giá điện 8,36%. Nhiều người dân đã “sốc” trước khoản tiền phải chi trả mà họ tính toán cao hơn nhiều lần mức tăng như thông báo của Bộ Công Thương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN