Chủ tịch VCCI: Cần “thoái sức Nhà nước” ra khỏi lĩnh vực dịch vụ công

Năm 2015, cộng đồng doanh nghiệp hy vọng sẽ là năm đột phá về cải cách thể chế kinh tế, thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo đòn bẩy hỗ trợ mạnh mẽ hơn và thiết thực hơn cho doanh nghiệp phát triển. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xung quanh vấn đề này.


Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về tác động của những cải cách thủ tục hành chính đối với cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2015 này?


Ông Vũ Tiến Lộc: Trước tiên phải nói rằng từ năm 2014, Chính phủ đã có nhiều hành động cụ thể trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển với sự ra đời của Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam; Chỉ thị 11/2014/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp đã trở thành làn gió mới thúc đẩy cải cách. Cùng với đó là sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, gỡ bỏ các nút thắt trong thực hiện thủ tục hành chính mà điển hình là thuế, hải quan..., tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Các Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thuế... đã đổi mới, thông thoáng hơn được kỳ vọng sẽ gỡ bỏ những gánh nặng về thời gian và chi phí cho hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới.


Mục tiêu của Nghị quyết 19 đặt ra đến hết năm 2015 là các chỉ số năng lực cạnh tranh của môi trường kinh doanh Việt Nam phải đạt tối thiểu bằng mức bình quân của nhóm các nước ASEAN-6, các chỉ tiêu khởi sự kinh doanh, bảo vệ nhà đầu tư, nộp thuế, thủ tục xuất nhập khẩu... sẽ phải được cải thiện.


Tôi cho rằng, các cải cách thủ tục hành chính, cải cách thể chế được thực hiện chắc chắn sẽ đem lại cho doanh nghiệp và người dân một môi trường kinh doanh thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ, mở rộng cơ hội; đồng thời tăng tính kỷ luật thị trường, tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình...


Phóng viên: Mặc dù vậy, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều khó khăn, khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động hoặc giải thể. Vậy theo ông nguyên nhân sâu xa từ đâu ?


Ông Vũ Tiến Lộc: Năm 2014 đã có khoảng 60.000 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải ngừng hoạt động hoặc giải thể. Tính trong số nửa triệu doanh nghiệp đang hoạt động thì chỉ có trên 30% doanh nghiệp kinh doanh có lãi. Những con số trên cho thấy cộng đồng doanh nghiệp còn đang trong giai đoạn khó khăn. Chính các nút thắt về thể chế, thủ tục hành chính và vấn đề cải cách, tái cơ cấu... đang là rào cản kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp, sự phát triển thị trường của nền kinh tế trong nước.


Cụ thể hơn, luật pháp chưa tiên liệu trước được trong cả nội dung và cách thức thực hiện, gây tác động bất lợi đến môi trường kinh doanh, tạo ra rủi ro về chính sách và pháp lý đối với đầu tư, kinh doanh.


Trong khi đó, chất lượng các văn bản pháp luật còn thiếu tính thống nhất, đồng bộ. Nội dung các văn bản thường xuyên thay đổi, đặc biệt là các thông tư có tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Cách thức hướng dẫn và tổ chức thực hiện luật cũng đang tạo điều kiện cho các Bộ, ngành dành “thuận lợi” về cho mình, đẩy “khó khăn” về cho doanh nghiệp và người dân. Việc thực thi pháp luật tại các địa phương cũng còn chưa dễ dàng cho doanh nghiệp ...


Vì vậy, nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng thực sự là một thách thức to lớn với cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.


Phóng viên: Có một nghịch lý là mặc dù các Bộ, ngành chức năng đã nỗ lực giảm bớt các thủ tục hành chính gây phiền hà cho doanh nghiệp nhưng trên thực tế, doanh nghiệp vẫn kêu rằng chưa có tác động rõ rệt. Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông nghĩ sao về vấn đề này?


Ông Vũ Tiến Lộc: Những đột phá về cải cách thủ tục hành chính mới được khởi động từ đầu năm 2014 với những mục tiêu rất cụ thể, tính bằng ngày giờ, bằng chi phí. Và trên cơ sở đó, các Bộ, ngành phải xây dựng chương trình hành động để đạt các tiêu chuẩn về cải cách thủ tục hành chính ngang với nhóm các nước ASEAN-6.

Thực tế, các chương trình hành động về cải cách thủ tục hành chính mới được triển khai vào khoảng thời gian cuối năm 2014 và chỉ tập trung ở các ngành như thuế, hải quan..., nên điều dễ hiểu là những kết quả của cải cách đó chưa đến được với cộng đồng doanh nghiệp. Vừa qua, chúng ta đã thực hiện cải cách, sửa đổi nhiều Luật, Nghị định, Thông tư... nhưng tất cả mới chỉ được thực hiện trên giấy tờ, còn việc đổi mới trong thực hiện phải đến từ các địa phương và bộ máy ở cơ sở. Do đó, sẽ khó có thể hi vọng tác động của đột phá thể chế ngay trong năm 2014 như doanh nghiệp mong muốn.


Điểm thứ hai liên quan đến việc thực hiện kê khai thủ tục hành chính qua mạng điện tử như trong khai báo hải quan, kê khai thuế, hay dịch vụ khai thuế hải quan... cũng cần phải có độ trễ, có thời gian để tăng cường máy móc, thiết bị, nâng cao trình độ cán bộ thi hành.


Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, việc cải cách thủ tục hành chính chỉ là một vấn đề. Việc quan trọng là phải đổi mới tổ chức, cán bộ và phân định rõ chức năng các cơ quan công quyền. Ông đánh giá sao về vấn đề này?


Ông Vũ Tiến Lộc: Thủ tướng Chính phủ đang rất nóng lòng và quyết liệt trong thực hiện cải cách thể chế, thủ tục hành chính nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, cho quốc gia. Song quan trọng là quyết tâm của Chính phủ phải trở thành quyết tâm hành động ở tuyến cơ sở và chúng ta đang cần sự chuyển biến như vậy trong năm 2015 với sự tận tâm, sự đồng bộ, trách nhiệm và năng lực... chứ không chỉ là thay đổi hệ thống pháp luật, chính sách, thủ tục.


Do đó, vấn đề quan trọng theo tôi là cần thiết đổi mới tổ chức cán bộ và phân định rõ chức năng của các c ơ quan công quyền trong bối cảnh mới. Nhà nước có thể chủ động chuyển giao các dịch vụ công mà nhà nước không cần nắm giữ với lộ trình thích hợp, cho các tổ chức xã hội và thị trường. Việc này trong năm qua chúng ta dường như còn coi nhẹ. Các cơ quan nhà nước còn ôm đồm, làm thay xã hội nên luôn trong tình trạng quá tải về chức năng và thiếu thốn về nguồn lực . Không những thế , chất lượng th ể chế không cao, tiền lương và chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng nên vừa không nâng cao được chất lượng công vụ, lại vừa chèn lấn sự phát triển của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp - điểm kết nối quan trọng giữa nhà nước và thị trường - trong một xã hội dân chủ. Chúng ta cần “thoái sức Nhà nước” ra khỏi lĩnh vực dịch vụ công và coi đây là định hướng quan trọng để cải cách hành chính và nền công vụ .


Phóng viên: Ngoài cải cách thủ tục hành chính, theo ông, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần thêm những công cụ gì đủ mạnh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện năng lực cạnh tranh và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế?


Ông Vũ Tiến Lộc: Từ nay đến năm 2016, hoạt động cải cách thể chế sẽ tiếp tục được triển khai và trở thành đột phá trong tái cơ cấu kinh tế. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, theo tôi, ngoài việc xây dựng các định chế thị trường, các cơ quan chức năng cần thực hiện có hiệu quả các luật về kinh doanh, đầu tư, doanh nghiệp mới ban hành. Đồng thời cải cách các quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh tương ứng theo hướng đơn giản hoá, chỉ giữ lại những điều kiện kinh doanh thực sự cần thiết; thực hiện nhất quán và triệt để chủ trương “Quản lý nhà nước là để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân”.


Một điểm quan trọng nữa là tiếp tục giảm mạnh chi phí tuân thủ và chi phí cho doanh nghiệp qua việc thực hiện mạnh mẽ Nghị quyết 19 của Chính phủ, đảm bảo đến hết năm 2015, chỉ số môi trường kinh doanh Việt Nam tối thiểu bằng nhóm các nước ASEAN-6.


Cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tôi cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh ; trong đó chú trọng các biện pháp ưu đãi tín dụng , lãi suất... cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động ở địa bàn nông nghiệp nông thôn.Việc hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ sẵn sàng cho đầu tư sản xuất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng là vấn đề cấp bách.


Còn đối với các doanh nghiệp, không có cách nào khác là phải định vị lại mình, tập trung vào những lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, tăng cường quản trị, công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phải dựa trên lợi thế của Việt Nam và vươn tới chuẩn mực quốc tế, phải làm ăn bài bản, có trách nhiệm xã hội. Không ai có thể làm thay các doanh nghiệp trong những nỗ lực đó.


 Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!


Đức Dũng (Thực hiện)

Hoàn thiện chỉ số cải cách hành chính
Hoàn thiện chỉ số cải cách hành chính

Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) được coi là công cụ quan trọng để theo dõi, đánh giá hoạt động CCHC trên các lĩnh vực: cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy hành chính; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; CCHC công và hiện đại hóa nền hành chính.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN