Cụ thể, ghi nhận ở những cửa hàng kinh doanh dầu trên các tuyến đường trung tâm của TP Hồ Chí Minh như Nguyễn Thị Minh Khai, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Cách Mạng Tháng Tám, Điện Biên Phủ..., hoạt động bán buôn vẫn diễn ra bình thường. Nhân viên một số cửa hàng cho biết, khách đến mua chủ yếu là đổ trực tiếp vào phương tiện giao thông như xe máy, xe ô tô... phục vụ cho việc đi lại hàng ngày.
Ngày thường, cửa hàng xăng Petrolimex số 1 nằm ở khu vực trung tâm thành phố, góc ngã tư đường Hai Bà Trưng và đường Võ Văn Tần (quận 1) luôn nhộn nhịp thì hiện tại lại khá trầm lắng. Đối tượng khách của cửa hàng này chủ yếu là giới văn phòng, nhưng khoảng một tuần trở lại đây chỉ phục vụ khách vãng lai hoặc khách hàng thân thiết.
Theo phản ánh từ một số cửa xăng, dầu khác trên địa bàn thành phố, lượng khách ngày giảm đáng kể trong những tuần gần đây bởi người dân hạn chế đi lại và làm việc tại nhà. Điều này khiến thị trường bán lẻ xăng, dầu có sức mua yếu. Mặc dù giá bán vừa được điều chỉnh giảm nhưng hoạt động kinh doanh vẫn ảm đạm.
Ở góc độ người tiêu dùng, anh Thanh Tân (quận Thủ Đức) cho hay, mỗi ngày anh phải di chuyển quãng đường khá xa vào trung tâm thành phố làm việc và chi phí tiền đổ xăng hàng tuần khoảng 100.000 đồng. Việc giá xăng giảm đột biến trong thời gian gần đây giúp người dân được lợi với chi phí giảm khoảng 50%. Tuy nhiên, anh không vì thế mà có nhu cầu mua xăng tích trữ.
Cùng quan điểm, chị Mỹ Trang (quận 8) cho rằng, với tình hình hiện tại, người dân nên tiết kiệm và tính toán lại chi phí chi tiêu của gia đình, góp phần chung tay cùng cả nước phòng, chống dịch bệnh. Cùng đó, mọi người cần nâng cao nhận thức về việc mua sắm, tiêu dùng đủ chứ không nên tích trữ hàng hóa thiết yếu như xăng, dầu bởi sẽ gây biến động thị trường và nhất là nguy cơ cháy nổ.
Lý giải về doanh số của nhiều cửa hàng kinh doanh xăng, dầu có xu hướng giảm, các chuyên gia cho rằng, hoạt động kinh doanh xăng, dầu đã có tín hiệu sụt giảm từ những tháng đầu tiên của năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 chứ không phải mới bắt đầu giảm từ đợt điều chỉnh giá vào ngày 29/3.
Tuy nhiên, giá xăng E5 RON 92 trong nước giảm 4.100 đồng/lít, xuống còn 11.956 đồng/lít, thấp nhất kể từ tháng 4/2009 là cột mốc đáng kể đối với ngành này. Ngoài hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh, đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ thì việc điều chỉnh giá xăng, dầu cũng không nằm ngoài mục tiêu đảm bảo tuân thủ cơ chế của nền kinh tế thị trường.
Mới đây, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã đề nghị doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý, doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng, dầu chỉ đạo nhân viên, người lao động trực tiếp quản lý tại cửa hàng bán lẻ không bán cho những đối tượng dùng can, chai, lọ... mua xăng, dầu có dấu hiệu tích trữ; đồng thời, tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường tại đơn vị mình.
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Trang - Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy và cân đối nguồn hàng trong hoạt động kinh doanh xăng, dầu rất quan trọng; đặc biệt, đáp ứng đầy đủ, liên tục nhu cầu về xăng, dầu cho người dân trên địa bàn thành phố trong thời gian tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Lực lượng quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn; kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm gian lận thương mại, kinh doanh xăng, dầu không đúng số lượng, chất lượng cũng như tích trữ găm hàng...
UBND 24 quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh cũng đẩy mạnh kiểm tra, tuyên truyền hướng dẫn, giám sát chặt chẽ mục đích sử dụng và những trường hợp người dân mua xăng, dầu tích trữ; chủ động kiểm tra, giám sát nhằm loại bỏ nguy cơ cháy nổ, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại hộ gia đình và khu dân cư; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.