Chưa được hưởng lợi nhiều từ lạm phát thấp

Mặc dù lãnh đạo Tổng cục Thống kê (TCTK) khẳng định chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp là cơ hội để doanh nghiệp mở rộng sản xuất, người tiêu dùng được hưởng lợi; tuy nhiên trao đổi với phóng viên báo Tin Tức ngày 9/10, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, nhiều loại hàng vẫn không hề giảm giá. Với doanh nghiệp, dù lãi suất vay đã ổn hơn nhưng còn cao nên khó cạnh tranh với công ty nước ngoài.


Giá hàng hóa, dịch vụ ít hạ

Theo nhận định mới nhất của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UBGSTCQG), căn cứ diễn biến của giá dầu, dự báo lạm phát năm 2015 sẽ giảm xuống dưới 2%, thấp xa so với mục tiêu là 5%. Trước đó, bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê - TCTK) cho hay: Lần đầu tiên 10 năm trở lại đây, CPI tháng 9 giảm so với tháng trước. Lạm phát 9 tháng năm nay tăng thấp nhất ở mức dưới 1% và dự báo tiếp tục tăng thấp. Thực tế này khiến không ít người kỳ vọng giá các loại hàng hóa, dịch vụ sẽ “hạ nhiệt” và sức mua sẽ “nóng” hơn.

Người dân mong chờ giá hàng hóa giảm (Ảnh minh họa).
Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Tuy vậy, thống kê mới đây của Bộ Công Thương cho hay: Mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ 9 tháng năm nay đạt 2.374.506 tỷ đồng, tăng 9,81% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng mức tăng này vẫn thấp bởi các năm trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ so với cùng kỳ thường tăng từ 12 - 22%. Thị trường hàng hóa trong nước dồi dào, nguồn cung được đảm bảo nhưng do thu nhập của người dân chưa được cải thiện nên mức tiêu thụ hàng hóa chưa nhiều.

“Sau khi theo dõi diễn biến giá xăng dầu trên thế giới giảm, Bộ Tài chính đã có 2 văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải - GTVT, UBND, Sở Tài chính, Sở GTVT các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương đôn đốc việc kê khai giá các loại hình cước vận tải. Bộ GTVT đã thành lập các đoàn kiểm tra và dự kiến kết thúc trước ngày 20/10. Sau đó sẽ có kết quả cụ thể.”

Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn

Theo ông Vũ Vinh Phú, cuộc sống người dân, đặc biệt là công nhân nghèo đang vô cùng khó khăn do giá hàng hóa, dịch vụ không giảm, đặc biệt là những mặt hàng gần gũi với đời sống của người dân. “Việc công bố CPI hàng tháng của TCTK chỉ đại diện cho 400 - 500 mặt hàng trong khi thực tế có hàng nghìn loại hàng. Giá bát bún, tô phở, dịch vụ cắt tóc, rửa xe, trông xe hay thức ăn, đồ uống tại những chợ cóc đã từ lâu chỉ tăng hoặc đứng im chứ không giảm. Nhất là sau mỗi đợt tăng giá xăng dầu hay biến động mưa gió là giá rau, thực phẩm lại nhích thêm”, ông Phú nói.

Theo ông Phú, sức mua nhìn chung rất yếu. Vẫn có khoảng 85% người dân vẫn mua hàng tại các “chợ cóc” nên giá cả hay biến động. CPI năm nay nên từ 4 - 5% là hợp lý vì sẽ phản ánh tình trạng hàng hóa lưu thông hơn, tồn kho của doanh nghiệp giảm, sức mua người dân sẽ tăng.

Mới đây, dư luận đã phản ánh gay gắt về giá cước vận tải không giảm tương xứng với giá xăng dầu hạ. Trước sức ép của người dân, cơ quan quản lý và cũng phải mất thời gian khá lâu, các doanh nghiệp taxi, vận tải mới giảm nhẹ. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên từng thắc mắc: “Giá xăng dầu giảm nhưng không thấy các doanh nghiệp Nhà nước như: Tàu hỏa, máy bay, nhà máy nhiệt điện sử dụng dầu giảm giá. Sao ngành tài chính không kiểm tra để phạt những doanh nghiệp đó mà lại yêu cầu các doanh nghiệp vận tải nhỏ lẻ đang oằn lưng chịu hàng loạt loại phí phải giảm cước”.

Điều đó cho thấy, quyền lợi của người tiêu dùng luôn là “mong manh”. Việc phải sử dụng giá hàng hóa, dịch vụ “tăng nhanh, giảm chậm” đã khiến tâm lý chi tiêu của người dân được tính toán kỹ hơn, cân nhắc hơn khiến sức mua khó “ấm”.

Tuy nhiên nhìn ở góc độ dài hơi, chuyên gia kinh tế Phạm Minh Thụy - Viện Kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính) khẳng định: “CPI thấp đang có lợi cho nền kinh tế và cải thiện đời sống người dân. Bởi lạm phát thấp làm cho giá thành sản xuất trong nước giảm, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu. Nhiều mặt hàng xuất khẩu có giá giảm song chúng ta vẫn xuất khẩu tốt vì thị trường vẫn ổn định. Mặc dù CPI tăng thấp nhưng các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm nay vẫn tốt. Người dân đang mở rộng sản xuất kinh doanh cho thấy CPI thấp có lợi cho họ”.

Lãi suất cho vay không giảm

Hiện nay có một nghịch lý là lạm phát ở mức rất thấp nhưng lãi suất cho vay không giảm. Với mức lãi suất hiện nay, doanh nghiệp sẽ chật vật và khó tạo được ưu thế cạnh tranh.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), lạm phát từ đầu năm đến nay chưa tới 1% và dự kiến cả năm chưa tới 2%, trong khi lãi suất cho vay các doanh nghiệp đang phải gánh vẫn rất cao có khi lên tới 10 - 12%/năm nên cần giảm thêm lãi suất. Đại diện VCCI cho rằng, lãi suất thời gian qua dù giảm nhưng vẫn là gánh nặng với các doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay. Cộng đồng doanh nghiệp vẫn rất khó khăn, doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn vay ngân hàng dù có nhiều chủ trương thúc đẩy dòng vốn tín dụng ra thị trường. “Lạm phát 2%, lãi vay khoảng 7%/năm thì tính ra lãi suất thực mà các doanh nghiệp phải trả so với mức lạm phát là quá cao. Dù dự đoán của một số chuyên gia kinh tế lãi suất sẽ khó giảm nhưng kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp vẫn là cân nhắc giảm thêm lãi suất để bớt gánh nặng chi phí tài chính”, ông Lộc nói.

“Muốn giảm lãi suất đầu ra thì bắt buộc phải kéo lãi suất đầu vào xuống. Với lạm phát ở mức thấp, đây là thời điểm tốt để xem xét có thể giảm một chút lãi suất đầu vào. Mặc dù vậy không thể chủ quan với lạm phát vì chỉ cần giá dầu tăng thì tình hình sẽ xoay chiều”, TS Cấn Văn Lực nói.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt lại cho rằng, đứng về cả hai phương diện là người đi vay và người gửi tiền. Nếu muốn hạ lãi suất cho vay xuống nữa thì lãi suất huy động cũng phải giảm. Khi đó người gửi không còn mặn mà với việc gửi tiết kiệm nữa và chuyển sang đầu tư vào các kênh khác như bất động sản, chứng khoán hay vàng... Như vậy, sẽ dẫn tới hậu quả là bẫy thanh khoản, các ngân hàng khó huy động, thiếu nguồn và lãi suất lại phải tăng lên. Vì vậy theo ông Hưởng, lãi suất giữ được ở mức như hiện nay là lý tưởng cho cả doanh nghiệp và ngân hàng.
Minh Phương
Thận trọng với lạm phát thấp
Thận trọng với lạm phát thấp

Lạm phát thấp, không hẳn do thắt chặt chi tiêu mà người dân ngày càng tiêu dùng thông minh hơn. Đây được coi là tín hiệu tốt của nền kinh tế, tuy nhiên không nên chủ quan khi lạm phát thấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN