Một số cây nhỏ dưới 3 năm tuổi có nguy cơ cao bị chết. Tuy vậy, đến thời điểm này vẫn chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng về nguyên nhân gây ra hiện tượng cây bạch đàn bị khô lá trên diện rộng ở huyện Đồng Hỷ.
Sau khi nhận được phản ánh của xã, từ cuối tháng 7/2023 Ủy ban nhân dân huyện Đồng Hỷ chi đạo kiểm tra, tìm nguyên nhân hiện tượng cây bạch đàn khô lá. Hạt kiểm lâm Đồng Hỷ phối hợp với Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành kiểm tra, lấy mẫu tại xã Nam Hòa.
Sau đó, vào cuối tháng 9/2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên có văn bản trả lời với nội dung “kết quả giám định của Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc trên mẫu đất, mẫu cây bị khô không phát hiện thấy sinh vật gây hại (nấm, vi khuẩn, tuyến trùng) gây ra”. Đến đầu tháng 10/2023, Uỷ ban nhân dân huyện Đồng Hỷ lại có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn và các cơ quan chuyên môn khẩn trương rà soát, xác định tìm nguyên nhân. Trong thời điểm này, nhiều ý kiến về nguyên nhân gây ra hiện tượng cây bạch đàn khô lá, nguy cơ chết héo rất lớn đã được nêu ra. Một số hộ dân còn cho rằng nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi tác động môi trường từ hoạt động sản xuất công nghiệp.
Theo thông tin từ Ủy ban nhân dân xã Nam Hòa, hiện tượng cây bạch đàn khô lá đã diễn ra từ cuối năm 2022 và rải rác tại nhiều vị trí. Thời điểm đoàn liên ngành kiểm tra lấy mẫu tại tiểu khu 202 (tháng 07/2023) thì cây đã và đang phục hồi. Hiện nay, một số diện tích đã xanh lại. Như vậy, việc kiểm tra có thể chưa bao quát được và chưa đúng thời điểm để có mẫu giám định chính xác. Thực tế thì ngay tại tiểu khu 202 cũng như các diện tích cây trồng xung quanh khu vực sản xuất của Công ty cổ phần Luyện kim đen Thái Nguyên tại xã Nam Hòa chỉ có cây bạch đàn bị khô lá trong khi các loại cây trồng khác vẫn sinh trưởng, phát triển bình thường.
Ông Đỗ Ngọc Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hoà, huyện Đồng Hỷ cho biết, nếu cây trồng xung quanh khu vực sản xuất của nhà máy đồng loạt bị khô lá thì mới có thể là cơ sở xác định vùng ảnh hưởng. Tuy nhiên, hiện tượng nói trên lại diễn ra ở cả những địa phương khác với diện tích lớn hơn nhiều so với tại xã Nam Hoà và cũng chỉ xảy ra trên cây bạch đàn. Do vậy, theo cảm quan ban đầu, nguyên nhân cây bạch đàn bị khô lá do ảnh hưởng bởi tác động môi trường từ hoạt động sản xuất công nghiệp là chưa chính xác. Xã mong muốn cơ quan chuyên môn sớm đưa ra kết luận chính thức để người dân yên tâm sản xuất và có biện pháp phòng trừ hữu hiệu...
Gần kề với xã Nam Hòa, tại xã Văn Hán hiện tượng cây bạch đàn khô lá trên diện rộng cũng diễn ra từ nhiều tháng nay. Ông Lường Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Văn Hán cho biết thêm, xã không khuyến khích bà con trồng cây bạch đàn. Tuy nhiên, từ khoảng 3 năm trở lại đây, một số hộ dân đã tự phát mua giống cây bạch đàn không rõ nguồn gốc về trồng tại địa phương. Thống kê sơ bộ, hiện xã có khoảng 300 ha trồng cây bạch đàn. Từ đầu năm đến nay, nhiều diện tích cây bạch đàn trên địa bàn xã xuất hiện tình trạng đỏ lá, khô lá và rụng lá. Thống kê ban đầu, có khoảng hơn khoảng 100 ha cây bạch đàn bị thiệt hại. Hiện tượng trên có thể do sâu bệnh gây ra vì đã phát hiện được nhện đỏ, bọ xít chích hút trên một số diện tích cây bị ảnh hưởng...
Tại gia đình ông Phạm Văn Long, xóm Văn Hán - người có diện tích rừng sản xuất lớn nhất của xã Văn Hán với tổng diện tích rừng trồng lên tới 70 ha, ông chia sẻ, ba năm trước, sau nhiều chu kỳ khai thác gỗ keo hiệu quả, ông chuyển đổi phần lớn diện tích sang trồng cây bạch đàn. Từ cuối năm 2022, ông Long phát hiện ra rừng bạch đàn của gia đình có hiện tượng bạc lá, đỏ lá, khô lá khiến cây có nguy cơ bị chết héo. Tiếp tục theo dõi, vào thời điểm mùa Xuân nhưng hiện tượng trên vẫn lan rộng. Sau khi tìm hiểu kỹ càng, ông phát hiện thấy cây bị nhện đỏ và bọ xít chích hút. Lớp nõn, mầm non sau khi bị hút hết chất diệp lục khiến cây bạc lá, khô lá làm cây bị tổn thương, dễ bị nấm và rỉ sắt tấn công.
Sau đó, ông Long đã tự tìm thuốc bảo vệ thực vật để chữa bệnh cho cây, chủ yếu là thuốc chống bọ xít, nhện đỏ để trừ sâu gây hại. Với diện tích cây bị chuyển sang nấm, rỉ sắt thì ông phun nano đồng. Thời điểm tháng 5 và tháng 6 vừa qua, một số diện tích bạch đàn của ông đã được cứu sống. Tuy nhiên, vì diện tích quá lớn, đòi hỏi phải xử lý nhanh, đồng loạt trên quy mô rộng, ông đã đầu tư mua một máy bay phun thuốc trừ sâu trị giá hơn 400 triệu đồng.
Trong suốt một tháng vừa qua, những diện tích cây bạch đàn của ông Long đều được phun thuốc bằng máy bay nông nghiệp, đem lại hiệu quả rõ rệt. Cây bạch đàn phục hồi, thay lá, sinh trưởng và phát triển bình thường trở lại. Các hộ dân tại địa phương có rừng cây bạch đàn bị khô lá đều đến đề nghị ông Long cho thuê ca máy để phun thuốc, phục hồi rừng bạch đàn. Đây là cơ sở để chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, xác định nguyên nhân của hiện tượng khô lá của cây bạch đàn diễn ra trong thời gian dài vừa qua.
Trước mắt, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên khuyến cáo người trồng rừng tại xã Nam Hòa và Văn Hán, để cây bạch đàn sinh trưởng phát triển phục hồi sau khi bị khô lá, nhất là rừng cây bạch đàn trong độ tuổi từ 2 đến 3 năm cần tiếp tục chăm sóc 2 đến 3 lần/năm, phát sạch thực bì cỏ dại, làm cỏ xới đất quanh cây trồng, đường kính xới từ 0,8 đên 1m. Đối với những diện tích rừng có tuổi dưới 3 năm, bón thúc 1 đến 2 lần/năm, lượng phân bón cho mỗi cây là 0,1 đến 0,2 kg NPK/ lần. Chi cục cũng đề nghị Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ phân công cán bộ tăng cường nắm bắt diễn biến tình hình cây bạch đàn bị khô lá và hướng dẫn chủ rừng biện pháp chăm sóc cây trồng.