Chứng khoán châu Á tiếp tục giảm điểm

Những quan ngại mới nổi lên về các trở ngại mà nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt đã khiến các thị trường chứng khoán ở châu Á tiếp tục giảm điểm trong ngày 23/11.

Các cổ phiếu Trung Quốc dẫn đầu xu thế đi xuống khi chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải giảm 2,5% xuống còn 2.579,48 điểm khi đóng cửa ngày giao dịch 23/11. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong chốt phiên với mức giảm 0,4% xuống còn 25.927, điểm. 

Chú thích ảnh
Bảng tỷ giá chứng khoán tại ngân hàng KEB Hana, Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) đóng cửa nghỉ lễ. Thị trường chứng khoán Thượng Hải đi xuống khi các cổ phiếu công nghệ chịu tác động bất lợi từ thông tin của tờ Wall Street Journal cho hay Mỹ đang hối thúc các nước đồng minh không mua và sử dụng các thiết bị của công ty viễn thông Huawei (Trung Quốc). Trong khi đó, tình trạng căng thẳng ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đã tác động bất lợi tới niềm tin của giới đầu tư ở các thị trường chứng khoán trên thế giới.        

Theo ông James Soutter, người đứng đầu bộ phận chứng khoán toàn cầu ở K2 Asset Management tại Melbourne, các nhà đầu tư đang chờ đợi thông tin về việc cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc kết thúc hoặc là Trung Quốc đưa ra một số biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế có hiệu quả.

Trong khi các thị trường chứng khoán Nhật Bản và Ấn Độ đóng cửa nghỉ lễ, các thị trường Hong Kong, Đài Bắc và Seoul đều đi xuống trong phiên giao dịch 23/11 trong bối cảnh các thị trường chứng khoán ở châu Á hướng tới tuần giảm điểm thứ ba.

Điểm sáng hiếm hoi của chứng khoán châu Á là thị trường Sydney với mức tăng 0,4%.

Trong khi đó, tại khu vực châu Âu, các thị trường chứng khoán ổn định khi mở cửa ngày giao dịch 23/11 sau gần một tuần biến động của các thị trường chứng khoán trên thế giới.

Chỉ số FTSE 100 của thị trường chứng khoán London (Vương quốc Anh) hầu như không thay đổi so với lúc đóng cửa ngày 22/11 với 6.958,44 điểm. Còn chỉ số DAX 30 của thị trường Frankfurt (Đức) tăng 0,1% lên 11.146,55 điểm và chỉ số CAC 40 của thị trường Paris (Pháp) ổn định ở mức 4.939,79 điểm.

Giá dầu châu Á gần mức thấp nhất kể từ cuối năm 2017

 Trong phiên giao dịch ngày 23/11, giá dầu châu Á giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2017, trong bối cảnh nguồn cung năng lượng dư dôi trong khi triển vọng nền kinh tế thế giới đầy “ảm đạm”.

Trên sàn giao dịch điện tử Singapore, lúc 14 giờ 41 phút (theo giờ Việt Nam), giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn được giao dịch ở mức 53, USD/thùng, giảm 2,3% so với mức đóng phiên trước. Trước đó, có lúc giá dầu WTI trượt xuống 52,82 USD/thùng, chỉ cao hơn 5 xu Mỹ so với mức thấp nhất kể từ tháng 10/2017 trong phiên giao dịch ngày 20/11 vừa qua.

Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn có lúc giảm xuống 61,52 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ tháng 12/2017, trước khi phục hồi lên mức 62,13 USD/thùng, tăng 47 xu Mỹ hay 0,8% so với mức đóng phiên trước.

Giá dầu Brent và WTI liên tục đảo chiều trong tháng 11/2018 với sự biến động chưa từng thấy kể từ đợt sụt giá trên thị trường giai đoạn 2014-2016, và trước đó là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Nhìn chung, nguồn cung ứng dầu mỏ toàn cầu đang tăng mạnh trong năm nay, với ba nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu, gồm có Mỹ, Nga và Saudi Arabia, đã cung ứng hơn 1/3 nhu cầu tiêu thụ toàn cầu, với tổng cộng khoảng 100 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Chuyên gia Jefferies thuộc ngân hàng đầu tư Mỹ cho rằng “thị trường hiện đang dư dôi nguồn cung” và “một thị trường dư cung sẽ khó khăn trong việc thiết lập (giá) sàn”. Sản lượng cao diễn ra trong bối cảnh triển vọng nhu cầu năng lượng sụt giảm do tác động từ việc nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm.

Theo số liệu của tổ chức Refinitiv Eikon, giá dầu đã giảm khoảng 30% kể từ mức đỉnh đạt được gần đây nhất trong đầu tháng 10 vừa qua, khi nguồn cung năng lượng toàn cầu bắt đầu vượt nhu cầu tiêu thụ trong quý IV/2018, kết thúc một giai đoạn nguồn cung thấp hơn nhu cầu kể từ quý I/2017.

Saudi Arabia đang kêu gọi OPEC cắt giảm nguồn cung dầu mỏ với mức cắt giảm 1,4 triệu thùng/ngày, để hạn chế tình trạng dư cung. OPEC sẽ nhóm họp vào ngày 6/12 để thảo luận về chính sách nguồn cung của tổ chức này.

Theo ngân hàng Morgan Stanley của Mỹ, dự báo OPEC sẽ đạt được một thỏa thuận để cân bằng thị trường trong năm 2019, và ít nhất trong ngắn hạn sẽ giúp giá dầu mỏ ở mức trên 50 USD/thùng.

TTXVN/Báo Tin tức
Chứng khoán châu Á diễn biến ngược chiều
Chứng khoán châu Á diễn biến ngược chiều

Các thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trái ngược trong phiên chiều 22/11 sau khi chứng khoán Phố Wall khởi sắc hồi phiên trước đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN