Chứng khoán thế giới năm 2016: Bức tranh màu xám

Trang tin Syndicate mới đây đã có bài phân tích về những khó khăn mà chứng khoán thế giới tiếp tục phải đối mặt năm 2016.

Theo bài phân tích, tháng 1 thường được xem là tháng tích cực của thị trường chứng khoán, với các dòng tiền mới chảy vào các quỹ đầu tư, trong khi nhà đầu tư lại không phải chịu áp lực về các loại thuế liên quan (vì áp lực này đã được làm dịu đi vào cuối năm trước đó). Tuy nhiên, các số liệu về lợi nhuận đầu tư tại Mỹ lại cho thấy lợi nhuận của tháng 1 năm nay chỉ nhích hơn một chút so với chỉ tiêu hàng tháng, như vậy niềm tin của các nhà đầu tư đối với "hiệu ứng tháng 1" đã không như mong muốn. Điều này cho thấy thị trường chứng khoán thế giới năm nay có thể sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Giao dịch viên làm việc tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thống kê của hãng tin Anh Reuters, ngay trong tuần đầu tiên của năm 2016, Phố Wall đã lao đao, cùng với đó là sự suy giảm tới 8% của chỉ số chứng khoán MSCI, tạo nên sự kiện “tháng 1” tồi tệ. Đây rõ ràng là tín hiệu khó khăn cho các thị trường chứng khoán thế giới khi bước vào năm mới. Phần lớn các thị trường chủ chốt đều ghi nhận tuần giao dịch chào năm mới khá tồi tệ. Tính chung cả tuần (từ ngày 4-8/1), Shanghai Composite của Trung Quốc giảm gần 10%; Dow Jones và S&P 500 của Mỹ mất khoảng 6,0%; Nikkei 225 của Nhật Bản mất 7%; FTSE-100 của Anh mất 5,3%; CAC 40 của Pháp tụt 6,5%; và DAX 30 của Đức “bốc hơi” 8,3%.

Vậy đâu là những lo ngại chính đối với thị trường chứng khoán toàn cầu?

Các nhà phân tích cho rằng mối lo ngại đầu tiên là sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc có thể gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới. Ngay trong bốn ngày đầu tiên của năm 2016, việc thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm đột ngột đã gây ra những xáo xộn tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, nỗi lo ngại thực sự lại là đồng NDT mất giá và Trung Quốc không thể kiểm soát được tình hình. Kịch bản này phần nào đã diễn ra vào mùa hè năm ngoái và đã nổi lên như là một mối đe dọa trong hai tuần đầu tiên của năm mới. Tuy nhiên, tâm lý thị trường đã trở lại ổn định khi nỗi lo sợ về tình hình kinh tế Trung Quốc được xoa dịu.

Một mối lo lắng lớn nữa là tình trạng lao dốc của giá dầu. Trong tuần thứ hai của tháng 1, mặc dù đôi lúc bật lên nhưng nhìn chung các thị trường chứng khoán trên thế giới đều có sự suy giảm song hành với giá dầu. Các nhà phân tích cho rằng, giá dầu sụt giảm 10% có thể gây rối loạn thị trường trong ngắn hạn. May mắn là sự hoảng loạn trên thị trường đã không diễn ra. Trong bối cảnh giá dầu thấp, kinh tế thế giới và nhiều doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi, vì giá dầu thấp sẽ làm tăng thu nhập thực tế, kích thích chi tiêu, đồng thời giúp tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp sử dụng năng lượng.

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, giá dầu cao không phải là một chỉ số tác động tích cực tới các hoạt động kinh tế. Các suy thoái kinh tế toàn cầu từ năm 1970 đến nay đều diễn ra khi chứng kiến mức tăng mạnh của giá dầu, trong khi đó hầu hết mọi suy giảm hơn 30% của giá dầu có lại có thể thúc đẩy tốc độ tăng trưởng và đẩy giá cổ phiếu cao hơn. Tuy nhiên, bất chấp những lợi ích có thể nhìn thấy rõ ràng từ việc giá dầu thấp, dường như hầu hết các nhà đầu tư hiện nay cho rằng giá dầu giảm có thể dẫn đến một sự sụp đổ trong các hoạt động kinh tế, trong đó có thị trường chứng khoán.
 
Hữu Hoàng (P/v TTXVN tại New York)
Mốc nhạy cảm nhất của chứng khoán Trung Quốc
Mốc nhạy cảm nhất của chứng khoán Trung Quốc

Chứng khoán Trung Quốc lần lượt xuyên qua những “cứ điểm” quan trọng và giờ đây tâm điểm của giới đầu tư đang nhằm vào một mốc quan trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN