Cả thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ đều đang nối dài đà giảm từ mức đóng phiên trước đó. Tại thị trường New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ 2,1% xuống đóng phiên ở mức 25.052,83 điểm, chỉ số S&P 500 cũng giảm 2,1% xuống 2.728,37 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite để mất 1,3% xuống 7.329,06 điểm.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) giảm 1,9% xuống 5.106,37 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt hạ 1,5% xuống 11.539,35 điểm, còn tại London, chỉ số FTSE 100 giảm 1,9% xuống 7.006,93 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 để mất 1,8% xuống 3.209,19 điểm.
Chuyên gia phân tích Charles Schwab nhận định tâm lý của các nhà đầu tư toàn cầu vẫn khá “khó đoán định” giữa bối cảnh lợi suất trái phiếu toàn cầu tăng gần đây, dẫn đầu là trái phiếu chính phủ, cũng như những lo ngại về chính sách thắt chặt tiền tệ quá vội vàng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bất chấp những rủi ro ngày càng tăng.
Sự sụt giảm này, mà đã đưa các chỉ số chính của Mỹ rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng qua, diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần lên tiếng chỉ trích Fed về tốc độ tăng lãi suất, làm gia tăng lo ngại về sự độc lập của thể chế tài chính này.
Ngoài ra, những yếu tố khác gây ra những lo ngại cho giới đầu tư bao gồm tình hình bất ổn trên các thị trường mới nổi, tăng trưởng giảm tốc tại Trung Quốc và cuộc đối đấu giữa Italy và Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề ngân sách.
Các nhà phân tích hy vọng rằng mùa báo cáo lợi nhuận quý III có thể sẽ là một chất xúc tác giúp “hồi sinh” các thị trường chứng khoán.
Mở cửa phiên sáng ngày 12/10, thị trường chứng khoán Tokyo giảm 1% (239,23 điểm) xuống 22.351,63 điểm, sau khi để mất hơn 3% giá trị trong phiên trước đó.