Thông tư 01/2012/TT - BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định, hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản được ban hành ngay 4/1/2012 và có hiệu lực thi hành cách đây hơn 3 tháng. Tuy nhiên tới thời điểm này, việc triển khai thực hiện quy định này đã khiến nhiều người dân làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ gặp khó khăn trong quá trình đưa hàng đi tiêu thụ.
Người dân bị bất ngờ, lúng túng
Xã Nhị Khê (Thường Tín, Hà Nội) nổi tiếng với nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ từ nhiều năm nay. Mặt hàng của xã rất phong phú gồm đồ thờ cúng: ống hương, bát nhang, mâm bồng, lọ hoa, đài nến... bằng gỗ mộc tiện ra rồi đem sơn son thếp vàng; đồ dân dụng như: chấn song gỗ, tay vịn cầu thang, chân bàn ghế, tủ, hạt xâu làm mành, chiếu gỗ, thảm gỗ, đệm ghế ngồi ô tô, đồ trang trí nội thất... và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ cao cấp như: tràng hạt đeo, bình, lọ, bát, đĩa, hộp đựng, gạt tàn thuốc lá, các con vật quý, đế đèn, cây đèn... Hàng hóa được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Nhờ đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng nghề ngày càng mở rộng, thu hút người dân làng nghề đầu tư quy mô sản xuất.
Sản xuất đồ gỗ ở làng nghề xã Nhị Khê. |
Tuy nhiên, mấy tháng gần đây, theo phản ánh, người dân làm nghề trong xã gặp khó khăn khi tiêu thụ sản phẩm. Tháng 6/2012, một số chủ cơ sở đưa hàng đi tiêu thụ, khi đến địa bàn huyện Thanh Trì đã “được” cơ quan chức năng giữ lại hỏi giấy tờ liên quan đến chứng minh nguồn gốc lâm sản. Lúc đó, người dân mới ngớ người vì họ không biết quy định mới ban hành yêu cầu phải chứng minh nguồn gốc lâm sản!
Thông tư 01/2012/TT - BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành ngày 4/1/2012 có quy định rõ: Hồ sơ lâm sản sau chế biến từ gỗ rừng tự nhiên trong nước của tổ chức xuất ra gồm: hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính, kèm theo bảng kê lâm sản có xác nhận của cơ quan kiểm lâm sở tại.
Vì chưa được phổ biến về quy định này, một số cơ sở mang hàng đi bán các nơi đã cơ quan chức năng tạm giữ do không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Khi thông tin này lan rộng, người dân làng nghề rất lo lắng, không an tâm sản xuất.
Một người dân khác làm nghề trong xã xin giấu tên cũng bày tỏ quan điểm: “Trên báo đài, chúng tôi thấy Nhà nước rất ủng hộ và ưu tiên làng nghề. Nhưng thời gian qua, nhiều xe hàng của chúng tôi trên đường mang đi bán thì bị giữ, chúng tôi rất bức xúc. Chúng tôi chỉ có nguyện vọng là trước khi thực hiện chính sách có liên quan thì phải thông báo cho nhân dân về quy định đó để biết rõ yêu cầu cần đáp ứng những giấy tờ gì, nghĩa vụ ra sao... Như thế mới tạo thuận lợi cho công ăn việc làm của nông dân chúng tôi”.
Chưa rõ quy định yêu cầu những gì, người dân làng nghề đang hoang mang. Anh Lều Thọ Tú, một chủ hộ làm nghề ở thôn Nhị Khê (xã Nhị Khê) cho biết: “Để có nguyên liệu làm những mặt hàng này, chúng tôi phải đi thu gom từng tải, từng cân gỗ về. Gỗ quý có, gỗ tạp cũng có. Chúng tôi phải đi các tỉnh lân cận để mua... Nên việc có đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc là không dễ dàng”.
“Làng chúng tôi sống được là nhờ việc sản xuất những hàng phế liệu gỗ được tận thu từ nhiều làng khác của các tỉnh khác. Mỗi chuyến đi mua được từ vài tạ đến 2 tấn gỗ như thế để làm hàng. Chúng tôi cũng phải thu mua thông qua trung gian là một xưởng hoặc một nhà nào đó. Họ thu mua từ hàng trăm gia đình mới được lượng hàng đủ lớn để bán cho chúng tôi. Thế nên, việc hỏi giấy tờ chứng minh xuất xứ là rất phức tạp và khó khăn”, anh Tú phân tích.
Chính quyền: chậm phổ biến
Xã Nhị Khê có khoảng 400 - 500 hộ trực tiếp sản xuất các mặt hàng về gỗ và có khoảng 200 hộ quy mô lớn, đứng ra mang hàng đi tiêu thụ bên ngoài. Trước thắc mắc và lo lắng của người dân, ông Nguyễn Tiến, Chủ tịch UBND xã cũng tỏ ra rất thông cảm. Ông nói: “Nhà tôi cũng trực tiếp sản xuất nên cá nhân tôi cũng rất quan tâm đến việc này”.
Tuy nhiên, đại diện chính quyền xã cũng thừa nhận đã chậm trễ trong triển khai các quy định mới này đối với làng nghề. “Đúng là nội dung quy định mới chỉ được tuyên truyền trên hệ thống thông tin đài truyền hình, trang pháp luật... Còn thực ra, xã cũng mới nắm được thông tư đó. Trong tháng 6/2012, kiểm lâm mới bắt đầu làm việc với xã để phối hợp triển khai. Chưa kịp triển khai thì tháng 6, đầu tháng 7, xe hàng của dân đã bị cơ quan chức năng giữ ở huyện Thanh Trì”, ông Nguyễn Tiến xác nhận.
Cũng theo ông Tiến, khi thực hiện thông tư này, điều vướng mắc nhất đối với người dân là việc xoay xở để có hóa đơn, phiếu nhập lâm sản. Ở Nhị Khê, các hộ sản xuất đều nhỏ lẻ, chứ không phải là một doanh nghiệp nên việc có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của nguyên liệu nhập rất phức tạp. Nhất là khi nguyên liệu sản xuất chủ yếu là mua lại phế liệu của các doanh nghiệp đã sản xuất ra thành phẩm. Hơn nữa, các hộ sản xuất trong làng không phải là người trực tiếp nhập nguồn gỗ đó mà phải qua trung gian thu mua nên rất khó có hóa đơn hợp pháp”, ông Tiến giải thích.
Vị chủ tịch xã cam đoan: “Trong tháng 8, Ủy ban nhân dân xã sẽ phối hợp với lực lượng kiểm lâm hướng dẫn thủ tục cho người dân một cách thuận lợi nhất, bằng hình thức: cấp sổ cho dân để theo dõi, xác định nguồn gốc lâm sản. Từ nay cho đến khi đó, người dân vẫn sản xuất, bán hàng bình thường. Hiện nay cũng đã có hộ được hạt kiểm lâm giúp cho về giấy tờ, thủ tục này rồi”. Nếu các quy định này sớm được triển khai thì hàng trăm hộ gia đình làm nghề mới yên tâm sản xuất.
Bài và ảnh: Mạnh Minh