Kịp thời nguồn vốn cho hàng loạt dự án
Bên cạnh dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn II từ năm 2021 – 2025, Bộ GTVT đang nỗ lực hoàn thiện thủ tục đầu tư 5 dự án để đảm bảo điều kiện tiếp nhận nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giữ nguyên danh mục dự án và mức vốn đề xuất sử dụng nguồn vốn từ Chương trình đúng theo Tờ trình số 02 của Chính phủ đối với các dự án giao Bộ GTVT quản lý.
Các dự án được đề xuất bố trí vốn, gồm: Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (72.476 tỷ đồng), cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (3.500 tỷ đồng), cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (3.800 tỷ đồng), cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (2.320 tỷ đồng), cao tốc An Hữu - Cao Lãnh (1.204 tỷ đồng), cầu Đại Ngãi (4.130 tỷ đồng). Tổng mức vốn đề nghị bố trí là hơn 87.400 tỷ đồng.
Theo rà soát của Bộ GTVT, nhu cầu sử dụng vốn cho các dự án giao thông từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong năm 2022 khoảng hơn 5.800 tỷ đồng, năm 2023 là hơn 81.600 tỷ đồng. Ngoài các dự án trên, đối với các dự án dự kiến sử dụng nguồn vốn đầu tư công từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, các Ban Quản lý dự án thuộc Bộ căn cứ các mốc tiến độ đã đề ra, phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương dang khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, đáp ứng mục tiêu báo cáo Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư trong kỳ họp Quốc hội tháng 5/2022 tới, đảm bảo điều kiện bố trí nguồn vốn từ Chương trình phục hồi kinh tế.
Tối hậu thư cho các chủ đầu tư chậm tiến độ
Tại cuộc họp giao ban trực tuyến kiểm đếm tiến độ các công trình giao thông trọng điểm tháng 2/2022 mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, mặc dù đã có chỉ đạo ngày từ đầu năm, các dự án phải tranh thủ các điều kiện thuận lợi, huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công, nhưng trong điều kiện tương đồng, quy định giống nhau, một số chủ đầu tư vẫn “ì ạch” tiến độ, đứng trước nguy cơ chậm tiến độ, giải ngân thấp và chậm xử lý vướng mắc.
Trước thực tế này, để đáp ứng mục tiêu tiến độ của Chính phủ giao đối với các dự án giao thông và nhất là áp lực giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 lớn (khoảng 50.000 tỷ đồng), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư giải ngân chậm cần phải phân tích kỹ nguyên nhân, tìm hướng giải quyết ngay. Những đơn vị giải ngân không đáp ứng yêu cầu, làm mất uy tín của ngành, Bộ GTVT sẽ xử lý ngay cán bộ, điều chuyển công việc, tuyệt đối không xuề xòa.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trước khi khai mạc kỳ họp Quốc hội, toàn bộ các dự án nhóm A, nhóm B ngành GTVT phải được phê duyệt. Trên cơ sở đó, từ nay đến ngày 15/3, Bộ GTVT phải dồn lực hoàn thiện báo cáo các dự án cao tốc phải trình Quốc hội xem xét. Từ sau ngày 15/3 đến trước ngày 20/5 phải hoàn thành trình phê duyệt các dự án nhóm B, C. Nếu xảy ra chậm trễ, người đứng đầu các Ban Quản lý dự án phải chịu trách nhiệm trước Bộ GTVT.
Qua tìm hiểu, đối với các dự án trọng điểm hiện nay, Bộ GTVT đã duy trì họp định kỳ hàng tuần để chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, nhất là các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và dự án triển khai Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn I. Đến nay, cơ bản tiến độ thực hiện 2 dự án đang được kiểm soát.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các Cục chuyên ngành phải tăng cường công tác tổng kết, tiến tới đề xuất sửa đổi Luật phù hợp với thực tiễn, trọng tâm là 4 bộ luật: Luật Hàng không, Luật Đường thủy nội địa, Luật Hàng hải và Luật Đường sắt. Kết quả đánh giá, tổng kết phải báo cáo lãnh đạo Bộ chậm nhất trong quý III/2022 để sớm đề xuất các hướng sửa đổi, tạo cơ chế đột phá cho từng lĩnh vực.