Xã Bình Châu, huyện Bình Bình Sơn (Quảng Ngãi) có trên 400 tàu cá; trong đó, có 170 tàu thường xuyên khai thác xa bờ với 1.700 lao động. Ngư dân Bình Châu nổi tiếng với nghề lặn bắt hải sâm, đồi mồi, lưới vây cá chuồn khơi. Do ngư trường khai thác tiếp giáp với vùng biển của các nước trong khu vực nên Bình Châu từng dẫn đầu cả nước về số vụ tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài.
Nhưng đó là câu chuyện từ năm 2017 về trước, từ khi tỉnh Quảng Ngãi triển khai thực hiện các giải pháp quyết liệt kết hợp giữa tuyên truyền vận động và xử lý vi phạm hành chính, tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, vi phạm vùng biển nước ngoài ở Bình Châu đã giảm dần và chấm dứt hẳn trong năm 2022.
Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu Nguyễn Thanh Hùng cho biết, trước đây, bà con nhận thức chưa rõ và ham lợi nhuận về kinh tế nên thường xuyên khai thác hải sản vượt ranh giới, vi phạm vùng biển nước ngoài. Được sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, chính quyền địa phương đã phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng tuyên truyền, giáo dục Luật Thủy sản, đưa ra quy định xử lý khi ngư dân vi phạm khai thác vượt ranh giới vùng biển.
Công tác tuyên truyền đã cho thấy hiệu quả, ngư dân Bình Châu giờ đã nhận thức được những tác hại nếu vi phạm vùng biển nước ngoài. Về cái chung sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của đất nước, ảnh hưởng đến ngoại giao, về cá nhân ngư dân ngư dân sẽ phải chịu nhiều thiệt hại về tài sản, kinh tế. Thay vì khai thác vùng biển nước ngoài có nhiều rủi ro thì một số ngư dân ở xã đã chủ động chuyển nghề thân thiện hơn với môi trường, khai thác trong vùng biển của mình.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu, để ngăn chặn tình trạng khai thác thủy hải sản bất hợp pháp cái cơ bản nhất đó là nâng cao nhận thức cho ngư dân. Do vậy, các cơ quan chức năng phải tập trung, tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho ngư dân bằng nhiều hình thức, để ngư dân nhận thức được cái lợi, hại, tránh những vi phạm đáng tiếc. Bên cạnh công tác tuyên truyền, cần có quy chế xử lý những vi phạm nghiêm hơn.
“Mục đích là để ngư dân phải nhận thức sâu sắc chính ngư dân phải có trách nhiệm cùng với cả nước khắc phục gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC), giữ sinh kế bền vững, bảo vệ chủ quyền quốc gia”, ông Hùng nhấn mạnh.
Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 98,6% tàu cá lắp thiết bị giám sát hành trình đang hoạt động. Từ đầu năm 2022 đến nay, Quảng Ngãi không không có tàu cá bị nước ngoài bắt giữ.
Các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ; vi phạm khai thác IUU đối với 44 trường hợp/43 phương tiện với số tiền phạt 694 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Mười, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, tình hình ngư dân và tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép tuy được kiểm soát, ngăn chặn tuy nhiên chưa bền vững.
Ngoài ra, hiện cơ sở hạ tầng nghề cá, nhất là các cảng cá của Quảng Ngãi chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của cảng cá loại II, đầu tư chưa đồng bộ. Nguồn lực (trang thiết bị, phương tiện, con người, kinh phí) cho các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực thi nhiệm vụ chống khai thác IUU chưa đáp ứng so với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Thiết bị giám sát hành trình thường xảy ra hư hỏng nhưng các đơn vị cung cấp thiết bị chậm hỗ trợ ngư dân trong việc khắc phục sự cố dẫn đến tàu cá mất kết nối.
Bên cạnh đó, một số hành vi vi phạm như: hoạt động khai thác sai vùng khai thác, sai nghề, không có giấy phép khai thác thủy sản… khó phát hiện và xử lý vì không có tàu tuần tra hoạt động trên biển.
Trong thời gian tới, Quảng Ngãi sẽ tiếp tục tăng cường thực thi pháp luật đảm bảo việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, tại các cửa biển, cảng cá đảm bảo các hành vi vi phạm khai thác IUU được phát hiện, ngăn chặn. Đặc biệt là các hành vi vi phạm về giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt và vận hành thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ để mang tính răn đe.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường hướng dẫn thực hiện thủ tục đăng kiểm, đăng ký để tàu cá đủ điều kiện cấp giấy phép khai thác thủy sản nhằm đảm bảo 100% tàu cá có giấy phép khi hoạt động trên biển. Đồng thời, xử lý đối với tàu cá đang hoạt động nhưng chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho biết, việc khai thác thủy sản tuân thủ đúng theo pháp luật Việt Nam và các quy định của Luật pháp quốc tế sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC).
Cùng với đó, Quảng Ngãi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, ngư dân nhận thức đầy đủ về Luật Thủy sản và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến hoạt động khai thác thủy, hải sản; tuyên truyền ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo nhưng không vi phạm vùng biển nước ngoài.