Chuyên gia kinh tế: Cần hướng đến tăng trưởng bền vững hơn

Theo các chuyên gia, mặc dù trong quý 3, tăng trưởng GDP đạt con số cao đột biến 7,46% nhưng vẫn mang nhiều dấu hiệu không bền vững. Nếu không thay đổi, khả năng tăng trưởng GDP cao ở những năm tiếp theo sẽ rất khó khăn.

Tại buổi công bố báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý 3/2017 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - VEPR (ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức chiều 11/10, các chuyên gia đã bàn luận về con số tăng trưởng GDP quý 3 do Tổng cục Thống kê công bố gần đây. Con số này được cho là cao và tạo đà để cả năm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%.

Các chuyên gia trao đổi về tình hình kinh tế 9 tháng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù những số liệu được Tổng cục Thống kê công bố là chính xác thì đằng sau con số tăng trưởng ấy vẫn ẩn chứa những dấu hiệu thiếu bền vững.

Theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, mức tăng trưởng cao cùng sự ổn định về tỷ giá và mặt bằng lãi suất có dấu hiệu giảm là những tín hiệu tích cực mà nền kinh tế đạt được trong quý 3, tạo không gian cho các hoạt động kinh tế vào quý 4. Tuy nhiên về cơ cấu tăng trưởng, xuất siêu của khu vực FDI đang phải bù đắp cho nhập siêu của khu vực trong nước, cho thấy sự lệ thuộc về xuất khẩu vào khu vực FDI.

"Ngoài ra, số việc làm tạo mới trong quý 3 giảm mạnh so với cùng kì năm trước, kéo theo chuỗi suy giảm kể từ tháng 4/2017. Tín hiệu này đặt ra yêu cầu đánh giá toàn diện chất lượng tăng trưởng, vì mục tiêu cuối cùng của tăng trưởng là tạo việc làm, chứ không phải nằm ở con số", TS Thành nhận định.

Chuyên gia này phân tích thêm: Diễn biến quý 3 tiếp tục bộc lộ những vấn đề về cấu trúc dài hạn của nền kinh tế:

Thứ nhất, cấu trúc thể chế kinh tế chưa đủ vững vàng trong tiến trình hội nhập kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Tiến trình cải cách thể chế kinh tế chậm, chưa kích thích được sự sáng tạo đổi mới sâu rộng trở thành nền tảng tăng trưởng lâu dài.

Thứ hai, Việt Nam vẫn ở mức thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu thấp vì dựa chủ yếu vào lao động giá rẻ, do sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là gia công, ít hàm lượng công nghệ.

Thứ ba, nền kinh tế có xu hướng phụ thuộc ngày càng nhiều vào khu vực FDI. Trong khi đó, chi đầu tư công tiếp tục chỉ chiếm tỷ trọng tương đối khiêm tốn so với chi tiêu thường xuyên và trả lãi, nợ gốc trong tổng chi ngân sách nhà nước. Thực tế này cho thấy, Việt Nam có ít khả năng cải thiện năng suất toàn xã hội trong trung hạn, thành quả kinh tế phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Còn theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, còn nhiều vấn đề kinh tế đến hết quý 3 vẫn khó bàn, phải chờ ít nhất cuối năm mới có thể minh bạch, xác minh được. Trong 3 quý qua, nông nghiệp là điểm sáng khi có sự chuyển từ trồng lúa gạo sang thủy sản, nhưng đó mới là bước đầu.

"Các ngành khác chưa có gì là sáng lắm hoặc đặc biệt lắm. Nếu chưa có tái cơ cấu cơ bản một ngành nào thì chưa thể có tăng trưởng vọt lên được", ông Hồ đánh giá.

Các chuyên gia kinh tế đề nghị, cần bổ sung chỉ tiêu chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam, giá trị gia tăng của doanh nghiệp, hàm lượng khoa học công nghệ...

"Tăng trưởng bằng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh mới là mục tiêu mà Việt Nam phải hướng đến", TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ cho hay.

Trước đó, Tổng cục Thống kê đã công bố GDP 9 tháng đầu năm 2017 tăng 6,41% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I tăng 5,15%, quý II tăng 6,28% và ước tính quý III tăng 7,46%.

Hoàng Dương/Báo Tin Tức
Tăng trưởng GDP 6,7%: Tránh tình trạng 'trên quyết liệt, giữa chần chừ, dưới chậm chạp'
Tăng trưởng GDP 6,7%: Tránh tình trạng 'trên quyết liệt, giữa chần chừ, dưới chậm chạp'

Mặc dù Tổng cục Thống kê cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% của cả năm 2017 là có thể đạt được, song các chuyên gia vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN