Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách trong hàng loạt các lĩnh vực để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017, nhằm tạo đà cho một giai đoạn phát triển kinh tế ổn định ở mức cao và bền vững trong những năm sau. Khâu đột phá được xác định là quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp để mạnh dạn đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đối tượng được tập trung ưu tiên là khu vực kinh tế tư nhân, vốn còn nhiều tiềm năng phát triển chưa được khai thác.
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Tuy nhiên, nguồn lực vật chất của chính phủ hiện nay đang hạn chế. Cần tìm cách thúc đẩy những lĩnh vực kinh tế có nhiều tiềm năng phát triển mà hiện đang bị cản trở bởi môi trường chính sách không thuận lợi, ví dụ như các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo, dựa nhiều vào công nghệ trong nền kinh tế số... Việc gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh, loại bỏ các rào cản không cần thiết và chuyển tư duy quản lý từ kiểm soát sang quản lý rủi ro nếu được thực hiện hiệu quả thì sẽ có tác động lớn đối với kích thích tăng trưởng kinh tế.
Ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, vừa qua để thúc đẩy phát triển kinh tế, Chính phủ Ban hành Chỉ thị 24 nhằm huy động tối đa nỗ lực chung của toàn nền kinh tế để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2017, nhưng phải đảm bảo phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chỉ thị đề ra nhiều giải pháp và đã giúp nền kinh tế có những khởi sắc.
Ông Phương cũng cho biết, nếu nhìn kinh tế vĩ mô qua 6 tháng có thể thấy kết quả quý 2 tăng vượt bậc so với quý 1, thể hiện rõ nhất GDP, trên 1 điểm % giữa quý 1 và quý 2, đây là tăng trưởng bứt phá lớn nhất từ trước tới nay. Tất cả chỉ số vĩ mô khác đều ở thế ổn định và mang tính hỗ trợ sản xuất kinh doanh, lạm phát dưới 4% trong 8 tháng.
Còn ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho rằng, để đạt được mục tiêu đã đề ra thì phải có sự nhất quán trong phối hợp, chính sách phải có đội hình, tổ chức bộ máy cơ quan triển khai đồng bộ, hiệu quả. Bộ Công Thương cũng đã cơ cấu lại bộ ngành, giảm đầu mối cơ quan và thêm một số đơn vị mới như Cục thương mại điện tử; Cục Kinh tế số; Cục Phòng vệ thương mại... được thành lập nhằm theo kịp xu hướng thị trường. Cùng đó là cắt bỏ những điều kiện kinh doanh không phù hợp. Dự kiến, Bộ Công Thương bỏ hơn 50% trong tổng số 1.200 điều kiện kinh doanh mà VCCI thống kê.
Theo ông Hưng, trong bối cảnh hạn hẹp ngân sách, cái hướng đến phải là khơi thông về cơ chế chính sách, nguồn lực, nhất là chính sách liên quan đến kinh tế tư nhân, vốn nước ngoài... để tạo điều kiện kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho hay, trong các giải pháp tăng trưởng kinh tế, cải thiện chất lượng quy định là giải pháp cần thiết. Theo khảo sát của VCCI với 2.000 doanh nghiệp FDI, thì Việt Nam có các lợi thế về lao động, nhất quán trong chính sách thu hút đầu tư nhà nước...
“Nhiều doanh nghiệp đồ uống lo lắng tăng thuế, chịu 10% thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ giảm tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến hệ lụy với ngành Mía đường và ảnh hưởng doanh nghiệp theo chuỗi...”, ông Tuấn nhận định.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, bên cạnh sửa đổi cải cách những cái đã có, thì nên kích thích tăng trưởng từ các ý tưởng phát triển, kinh doanh và đầu tư mới. Ông Vũ Tú Thành, Trưởng Đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Asean cho rằng, việc tận dụng ưu thế nền kinh tế số không chỉ tập trung ở doanh nghiệp, mà cần thực hiện ở các cơ quan quản lý nhà nước, áp dụng trong quản lý.
Hay bà Nguyễn Thị Tư, Hàm Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương đề xuất, để thúc đẩy tăng trưởng và đáp ứng yêu cầu mới cần thực hiện nghiêm công tác thanh kiểm tra, xử lý nghiêm người làm sai.