Việc Mỹ đơn phương rút khỏi các thỏa thuận hợp tác quốc tế cho thấy không thể trông đợi gì vào việc Mỹ ủng hộ xây dựng hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên nguyên tắc phụ thuộc lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi.
Vậy tương lai của các thỏa thuận này ra sao và kinh tế thế giới sẽ tiến bước với những động lực nào, phóng viên TTXVN đã thực hiện phỏng vấn chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới về vấn đề này.
Ông có thể cho khán giả được biết tổng quan về sự phục hồi của kinh tế thế giới trong năm 2017?
Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Jammu, Ấn Độ ngày 19/5/2017. Ảnh: AFP/TTXVN |
2017 là năm có bước nhảy đặc biệt trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu và các tổ chức nghiên cứu về kinh tế thế giới liên tục phải điều chỉnh nâng hạng tăng trưởng kinh tế. Mặc dù có rất nhiều biến động gây lo ngại cho toàn thế giới như việc ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ với hàng loạt những chính sách có vẻ quay lại với chủ nghĩa bảo hộ, nhưng đến cuối cùng tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn vững vàng và ngày càng tăng tốc.
Có thể khẳng định rằng nền kinh tế toàn cầu hoàn toàn đã chấm dứt khỏi những thặng dư của cuộc khủng hoảng 2008-2009 và đã chuyển sang trạng thái bình thường và từ nay trở đi, các biến động về kinh tế-chính trị nếu có ảnh hưởng thì cũng chỉ xảy ra với tính chất cục bộ và ngắn hạn chứ không làm tổn hại đến kinh tế toàn cầu như những giai đoạn trước.
Đâu là những sự kiện nổi bật nhất, có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với kinh tế thế giới năm 2017?
Sự kiện có ảnh hưởng mạnh nhất đối với kinh tế thế giới năm 2017 là việc ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ. Ban đầu chính sách của ông Trump gây lo ngại, nhưng chính sách này lại rất tốt đối với kinh tế Mỹ. Đây là nền kinh tế đầu tàu thế giới, vì thế kinh tế Mỹ tăng trưởng có sức lan tỏa tích cực rất lớn.
Sự kiện ảnh hưởng thứ hai là việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, ban đầu cũng gây nhiều lo ngại làm bất ổn kinh tế châu Âu và thế giới. Tuy nhiên, các đàm phán gần đây cho thấy mọi chuyện không đến nỗi tồi tệ như vậy.
Thứ ba là việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, song một số bất ổn trên thị trường tài chính Trung Quốc bắt đầu từ cuối năm 2016 cũng đã được Trung Quốc kiểm soát tốt.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, trong đó có trí tuệ nhân tạo và thanh toán trực tuyến, đã và đang làm thay đổi bộ mặt thế giới, tạo ra những cơ hội và thách thức trước tiên là cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính và hậu cần. Ông đánh giá thế nào về bước đột phá này trong năm 2017?Lĩnh vực công nghệ cao đã tạo ra bước đột phá lớn khiến bản thân tôi phải thay đổi cách nhìn về vấn đề này. Từ đầu năm, tôi nghĩ rằng những vấn đề này có lẽ nằm trong tương lai, nhưng bây giờ công nghệ này đã trở thành hiên thực và đang chi phối chúng ta.
Trước đây, những robot được lập trình chỉ có thể thao tác theo đúng lập trình, không thể có phản ứng gì thêm. Nhưng giờ đây, với sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo (AI), robot bây giờ có thể thay đổi hoạt động theo tình huống và vì thế, việc tự động hóa sản xuất đã bước sang một giai đoạn hoàn toàn mới.
Việc robot có thể thay thế được con người lại gây ra những lo âu. Cùng với tự động hóa, mô hình tăng trưởng dựa vào lao động giá rẻ có thể bị phá vỡ và dòng vốn sẽ phải quay ngược trở về các nước phát triển, nơi mà người ta làm chủ được trí tuệ nhân tạo.
Trong tài chính, công nghệ blockchain, nguồn gốc của đồng bitcoin và các loại tiền ảo khác, tạo nên sự nhảy vọt. Theo Chủ tịch Ngân hàng Goldman Sachs, với sự phát triển của blockchain, các ngân hàng sẽ cần rất ít nhân viên tín dụng.
Giá dầu thế giới đang trên đà hoàn tất năm tăng thứ hai liên tục, một phần nhờ quyết định mà Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga đưa ra hồi tháng 11 về gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Trên cơ sở này, ông dự báo như thế nào về giá dầu trong năm 2018?Dự báo của tôi trước đây là giá dầu trong năm 2017 chỉ dao động trong khoảng 40-60 USD/thùng. Điều này đã đúng và trong năm 2018, tôi vẫn cho rằng giá dầu vẫn ở trong khoảng đó. Bởi vì xét về mặt cung cầu thì cầu gần như không thay đổi trong năm 2018 trong khi cung tiếp tục gia tăng và mức dư cung dự kiến vào khoảng 0,2 triệu thùng/ngày.
Dầu mỏ dư cung nhiều là vì kinh tế Trung Quốc không tăng trưởng cao như trước đây. Thứ hai là nếu họ có tăng trưởng cao thì với tình trạng môi trường ô nhiễm như hiện nay, cả Ấn Độ và Trung Quốc cũng không thể tiêu thụ dầu nhiều như trước vì họ phải chuyển sang công nghệ mới để đảm bảo các vấn đề về môi trường. Như vậy, một lượng cầu rất lớn đã không còn, trong khi nguồn cung ngày càng được bổ sung khi công nghệ dầu phiến sét tiếp tục có bước tiến nhanh.
Trước đây, giá thành sảnh xuất dầu phiến sét từ 70-80 USD/thùng, năm 2016 con số này giảm còn 35-40 USD/thùng và đến bây giờ, công nghệ dầu phiến sét của Mỹ đã chuyển sang Argentina và giá hòa vốn khai thác dầu phiến sét chỉ còn 10-15 USD/thùng.
Về mặt trung và dài hạn, những tiến bộ trong công nghệ năng lượng sạch, trong đó phải kể đến các phát minh pin năng lượng Mặt Trời, giúp xe tải cũng có thể chạy bằng điện, ngày càng góp phần làm nhu cầu dầu mỏ sụt giảm.
Một hiện tượng nổi lên cuối năm 2017 là đà tăng giá chóng mặt của tiền ảo bitcoin. Ông có lời khuyên gì đối với các nhà đầu tư bitcoin trong thời gian tới?
Theo tôi, đừng có đụng vào bitcoin, nếu đụng nào thì hãy xác định các bạn đang selfie trên nóc nhà cao tầng và cơn gió lớn có thể làm bạn rơi bất kỳ lúc nào.
Bitcoin theo quan điểm của tôi chỉ đạt được một yếu tố của tiền tệ, đó là yếu tố kỹ thuật trong trao đổi chứ không có các yếu tố về kinh tế. Giá trị các đồng tiền thật còn tùy thuộc vào chính sách của các ngân hàng trung ương, tùy thuộc vào xuất nhập khẩu và tình hình tăng trưởng kinh tế. Còn tiền ảo thì không có.
Về mặt pháp lý, vì nó không đảm bảo các yếu tố về kinh tế nên rất nhiều nước, trong đó có Việt Nam, chưa thừa nhận và cho phép giao dịch tiền ảo.
Hàng hóa xuất khẩu qua chi nhánh cảng Hoàng Diệu (Hải Phòng). Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN |
Chúng ta có thể chờ đợi gì ở Năm Mới 2018 xét về khía cạnh kinh tế đối với thế giới và Việt Nam?Kinh tế thế giới sẽ tiếp đà của năm 2017 và các chỉ số tăng trưởng đều được nâng lên.
Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Chính vì vậy, kinh tế thế giới tăng trưởng tốt thì chúng ta sẽ được hưởng lợi. Trong năm 2017, xuất khẩu của Việt Nam đã cán đích và trong những ngày cuối năm đã vượt 400 tỷ USD và thành công này sẽ còn tiếp diễn trong năm 2018.
Tuy nhiên, có một điều lưu ý là xuất khẩu lại dựa nhiều vào doanh nghiệp FDI nên phần giá trị tạo ra từ doanh nghiệp Việt Nam còn ít. Kinh tế thế giới tăng trưởng giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng, trong đó người nước ngoài ở Việt Nam được hưởng lợi nhiều hơn người Việt. Chúng ta cần cố gắng hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giúp cải thiện cuộc sống của toàn thể người dân Việt Nam.