Trong năm 2020, ASEAN phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và thách thức, như đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, suy thoái kinh tế toàn cầu và khu vực, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung. Tuy nhiên, theo Giáo sư Yeah Kim Leng, ASEAN đã một lần nữa thể hiện sự đoàn kết và gắn bó của mình trong việc đối mặt với đại dịch và cam kết của mình đối với chủ nghĩa đa phương bằng cách tham gia ký kết RCEP trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan.
Giáo sư Yeah Kim Leng chia sẻ, RCEP với tư cách là khối thương mại lớn nhất thế giới, việc cắt giảm hơn nữa thuế quan, tạo thuận lợi thương mại và tiếp cận thị trường dự kiến sẽ dẫn đến tăng sản lượng và hiệu quả, cũng như phúc lợi người tiêu dùng cao hơn do giá cả thấp hơn và nhiều lựa chọn hàng hóa và dịch vụ hơn cho 15 quốc gia thành viên. Chuyên gia kinh tế hàng đầu Malaysia chia sẻ, dòng chảy thương mại và đầu tư giữa các thành viên tham gia hiệp định sẽ được củng cố hơn nữa khi niềm tin của các nhà đầu tư đang được nâng cao nhờ cam kết tự do thương mại và tiếp cận thị trường dưới các điều khoản của RCEP.
Giám đốc chương trình nghiên cứu kinh tế tại Viện Jeffrey Cheah cho rằng cả Việt Nam và Malaysia là hai trong số các quốc gia được hưởng lợi khi hai nước có các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu lớn và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Mặc dù một số ngành công nghiệp ở mỗi nước sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh và sức ép từ sản phẩm nhập khẩu cao hơn nhưng lợi ích chung về hiệu quả kinh tế đạt được sẽ lớn hơn tác động tiêu cực phát sinh từ sự suy giảm của các ngành không có khả năng cạnh tranh.
Chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Malaysia cũng nhận định, với các chính sách điều chỉnh công nghiệp phù hợp nhằm hỗ trợ các ngành bị ảnh hưởng, những thiệt hại này có thể được giảm thiểu trong khi phần lớn người dân được hưởng lợi từ hiệu quả kinh tế cao hơn, chuỗi cung ứng khu vực tích hợp hơn và nhu cầu cao hơn được tạo ra nhờ thu nhập bền vững và tăng trưởng việc làm. Theo giáo sư Yeah, đối với hầu hết các lĩnh vực chịu sự cạnh tranh quốc tế và khu vực, cả nền kinh tế Malaysia và Việt Nam sẽ cần ít điều chỉnh công nghiệp hơn và sự can thiệp của chính phủ để chống lại bất kỳ tác dụng phụ tiêu cực nào từ RCEP.