Theo chuyên gia Koizumi Kenichi, nhiều công ty đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) muốn mở rộng hoạt động sang Việt Nam. Các công ty này có nhà máy may quần áo và giày dép và đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên muốn hoạt động kinh doanh lâu dài sẽ gặp khó khăn khi chi phí thuê đất đai và nhà xưởng cao. Vì vậy, ông cho rằng với thay đổi về quyền sở hữu trong Luật Đất đai của Việt Nam, sẽ có nhiều công ty cân nhắc việc trực tiếp mua đất và xây dựng nhà máy hơn là trả phí thuê đất.
Đánh giá về tác động của chính sách trên đối với thị trường bất động sản Việt Nam, ông Koizumi Kenichi cho rằng với cải cách trong Luật đất đai (sửa đổi) này, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có cái nhìn khác về quyền sử dụng đất so với trước đây. Đặc biệt, nếu các nhà phát triển và đầu tư toàn cầu tại Mỹ, châu Âu và Đông Nam Á đưa bất động sản Việt Nam vào danh sách tài sản của họ trong quỹ bất động sản thì doanh số bất động sản tại Việt Nam có thể sẽ hồi sinh. Hơn nữa, nếu các nhà đầu tư cá nhân và một số cá nhân sở hữu tài chính mạnh có thể mua đất, thì họ có thể mua đất tại các khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam như đảo Phú Quốc.
Là nhà đầu tư lâu năm vào lĩnh vực cổ phiếu và các tài sản khác ở Việt Nam, ông Koizumi Kenichi có phản hồi tích cực về Luật Đất đai (sửa đổi) của Việt Nam, cho rằng sự điều chỉnh này sẽ cải thiện đáng kể môi trường đầu tư của Việt Nam và mở rộng chỗ đứng của nhà đầu tư nước ngoài. Chuyên gia này cũng liên hệ đến trường hợp một người bạn của mình đã thành lập liên doanh với một người Việt Nam, mua quyền sử dụng đất, xây dựng nhà máy trên mảnh đất đó và vận hành nhà máy. Theo ông, trong thời gian tới, các nhà đầu tư Nhật Bản có thể cân nhắc đến việc trực tiếp mua đất với tư cách là một công ty Nhật Bản, để có thể vận hành hoạt động kinh doanh trong thời gian lâu dài.