Chuyển hướng trong mùa lũ - Bài cuối: Thuận thiên để thích ứng lâu dài

Các chuyên gia môi trường đánh giá, hiện tượng “đói lũ”, lũ về trễ lặp lại theo chu kỳ 5 năm một lần hoặc 10 năm một lần ở các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long.

Thực trạng này đòi hỏi mỗi địa phương trong vùng có những giải pháp lâu dài về chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tạo sinh kế cho người dân một cách phù hợp. Chính vì vậy, khu vực này phải có những dự báo và tầm nhìn, giải pháp tổng thể để có thể thích ứng với sự biến đổi này.

Chú thích ảnh
Ông Võ Văn Chiến, ngụ tại ấp Bình Thành B, xã Bình Thạnh, Thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp xếp gọn 500 mét lưới chờ mùa lũ năm sau. Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN

Sống chung với “cạn”

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), từ đầu mùa lũ năm 2019, mực nước từ Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long quá thấp so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, lượng phù sa và bùn cát đổ về khu vực này cũng tỷ lệ thuận với tỷ lệ nước. Điều này sẽ gây ra hệ quả nghiêm trọng là đồng bằng thiếu nước rửa trôi dịch bệnh, diệt các loại động vật gây hại cho cây trồng như chuột, ốc bươu vàng,… thiếu phù sa bồi dưỡng cho đất sau  2 vụ sản xuất liên tục. Ngoài ra, lượng nước ít sẽ đi kèm với trữ nước thấp, khó đối phó với hiện tượng xâm nhập mặn vào mùa khô năm 2020.

Trước diễn biến như vậy, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn đưa ra đề xuất, các địa phương nằm trong vùng lũ của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần có những giải pháp chiến lược linh động và lâu dài, giúp cho người dân có thể ứng phó với những tình huống bất thường của thiên nhiên. Diễn biến này cũng phản ánh giải pháp đê bao vốn thích hợp cho sản xuất lúa trước đây, bây giờ đã không còn phù hợp.

Đề cập về các giải pháp thích ứng, ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, các cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường dự báo mực nước để người dân biết và ứng phó kịp thời. Tỉnh cũng đang có kế hoạch dài hạn thích ứng với biến đổi khí hậu để nông dân Đồng Tháp có thể sản xuất được cả trong mùa lũ và mùa cạn.

Muốn vậy, các công trình thủy lợi phải được hoàn chỉnh, chủ động được nguồn nước, có khả năng tích nước trong mùa khô. Bên cạnh đó, Đồng Tháp cũng tiến hành chuyển đổi quy hoạch vùng trồng lúa sang trồng màu, cây ăn trái, tăng cường tập huấn cho nông dân ứng dụng các biện pháp canh tác đạt phù hợp…

Là một trong những địa phương đầu nguồn Sông Cửu Long, tỉnh An Giang đã chuyển đổi cơ cấu sản xuất cây trồng vật nuôi, khi không có lũ thì chính quyền địa phương khuyến khích người dân và hỗ trợ những mô hình canh tác, chăn nuôi, trồng trọt,…

Cụ thể, chính quyền tỉnh An Giang đã có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ cây sử dụng nhiều nước sang cây ngắn ngày sử dụng ít nước, ứng dụng những mô hình nông nghiệp công nghệ cao để thích ứng với những biến động thiếu nước trong mùa lũ.

Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang chia sẻ, tỉnh cũng đã kêu gọi doanh nghiệp như Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương làm mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên diện tích hàng ngàn hecta trên mỗi doanh nghiệp, giúp cho người dân 60 xã nông thôn mới khu vực vùng lũ chuyển đổi kịp thời khi lũ không về, thiếu nước cho sản xuất. 

Phục hồi sức khỏe đồng bằng

Chú thích ảnh
Người dân tại xã Bình Thạnh, Thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp kiểm tra sức khỏe tôm giống chuẩn bị thả nuôi trong vùng lũ. Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN

Trước những diễn biến thời tiết, biến đổi khí hậu hiện nay, đã gây tác động mạnh mẽ đến đồng bằng sông Cửu Long. Những giải pháp, chiến lược ứng phó cũng chỉ mang tính tạm thời. Các chuyên gia về môi trường đã có nhận định chung, muốn giải quyết triệt để những khó khăn và không phải “chạy đôn chạy đáo” ứng phó với thời tiết, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần có “liều thuốc” thích hợp để phục hồi sức khỏe về đất, nước, phù sa,… Đặc biệt, các chiến lược sản xuất phải thuận theo tự nhiên, các dòng sông không còn bị cưỡng bức, trả lại đồng bằng túi nước để điều tiết sản xuất các mùa.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về Đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ, đối với những năm thiếu lũ hoặc hạn cực đoan, chỉ có một giải pháp là né tránh hiện tượng “khan lũ” thay vì đương đầu, cố gắng đưa ra phương án sản xuất chống lại những hiện tượng cực đoan này. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ra Nghị Quyết 120/NQ – CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, ban hành vào tháng 11/2017 đã nhấn mạnh, việc sản xuất lúa hiện nay không còn nằm trong mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Thay vào đó, sản xuất lúa được nhấn mạnh ở giá trị kinh tế và chất lượng sản phẩm, đảm bảo đời sống người dân trồng lúa phải được nâng cao. Do đó, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện đúng mục tiêu của Nghị quyết 120/NQ-CP (Nghị quyết về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu) chính là thay đổi chiến lược phát triển của toàn vùng, các tỉnh đầu nguồn giảm sản xuất lúa 3 vụ, giảm thiểu mở rộng đê bao khép kín, trả về cho Đồng bằng sông Cửu Long vai trò là túi nước trước đây. Có như vậy, các tỉnh đầu nguồn giữ nước, vùng giữa và hạ nguồn đồng sông Cửu Long mới có thể được điều tiết nước hợp lý vào mùa khô. Vườn tược, kênh mương có đủ nước và phù sa để sản xuất đạt chất lượng như mong muốn.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, An Giang sẽ tăng cường khảo sát, nghiên cứu quy hoạch các vị trí tiềm năng, xây dựng hồ chứa nước đa mực tiêu, tạo không gian tích trữ nước lũ để phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô hạn. Đồng thời, từ các hồ chưa nước này, An Giang chia sẻ nguồn nước với các tỉnh hạ nguồn, đặc biệt là vùng tứ giác Long Xuyên.

Bên cạnh đó, tỉnh An Giang cũng  xây dựng cơ chế vận hành hệ thống thủy lợi và quản trị nguồn nước liên tỉnh, liên vùng, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban sông Mê Công Việt Nam và Ủy hội sông Mê Công quốc tế trong việc xây dựng cơ chế hợp tác quản trị nguồn nước xuyên biên giới với Campuchia, xây dựng kế hoạch hành động thực hiện cơ chế này một cách hiệu quả. Có như vậy, nguồn nước tự nhiên mới được tận dụng hợp lý nhất cho việc phát triển sản xuất bền vững của toàn khu vực này.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, thời gian tới, khu vực thượng nguồn Đồng bằng sông Cửu  Long sẽ hạn chế việc phát triển đê bao một cách triệt để. Thay vào đó, các tỉnh thực hiện gia cố hệ thống đê bao, nạo vét kênh mương, tăng khả năng chủ động lấy nước và tiêu thoát ở các vùng đê bao, tạo điều kiện linh hoạt trữ và điều tiết nước lũ trong mùa mưa.

Đối với vùng giữa của đồng bằng, các địa phương hạn chế phát triển các hệ thống đê bao. Thay vào đó, tăng cường nạo vét, nâng cấp lại các kênh nối sông Tiền với sông Hậu, nâng cấp và xây dựng các hệ thống chống ngập tăng khả năng tiêu thoát nước kết hợp với dự trữ nước để cung cấp nước sinh hoạt cho vùng ven biển.

Khi thực hiện đồng bộ những vấn đề này, người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mới có thể sản xuất bền vững, sống chung với những biến động bất thường của thiên nhiên.

Hồng Nhung – Thanh Trà (TTXVN)
Chuyển hướng trong mùa lũ - Bài 2: Linh động sinh kế
Chuyển hướng trong mùa lũ - Bài 2: Linh động sinh kế

Người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long bao đời nay vốn rất linh động để thích ứng với những biến đổi của thiên nhiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN