Xin ông cho biết kế hoạch chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô của Bộ NN&PTNT? Theo kế hoạch đã được Chính phủ duyệt, từ nay tới năm 2020, ngành nông nghiệp phải chuyển đổi 700.000 ha đất trồng lúa sang các cây trồng khác. Trong đó, 300.000 ha tập trung ở ĐBSCL còn lại ở các khu vực khác.
Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt trả lời phỏng vấn báo Tin Tức. Ảnh: H.V |
Hiện nay, sản lượng cây lương thực có hạt khoảng trên 45 triệu tấn, lương thực dư thừa 7-8 triệu tấn/năm. Trong đó, xuất khẩu 6,5- 7 triệu tấn gạo/năm. Do vậy, sản xuất lương thực đang dư thừa. Trong khi thị trường gạo thế giới lại không còn nhiều dư địa cho xuất khẩu. Nhu cầu thế giới khoảng 30 triệu tấn gạo/năm, Việt Nam xuất khoảng 6,5- 7 triệu tấn gạo, còn lại là Thái Lan, Ấn Độ…Trong khi, năng suất lúa của Việt Nam liên tục tăng, tạo ra sức ép lớn về tiêu thụ.
Từ đó Chính phủ có chủ trương chuyển đổi sang trồng các loại cây khác, đặc biệt ở những vùng trồng bấp bênh, chuyển sang các cây ít cần nước hơn, chịu được hạn như: ngô, vừng, mè, đậu, lạc, rau…trong đó tập trung vào cây ngô. Vì hiện nay, mỗi năm Việt Nam nhập khoảng 3 triệu tấn ngô. Hơn nữa, sản xuất ngô vẫn là lương thực có hạt, nên tổng sản lượng lương thực không giảm nhiều.
Sau khi thực hiện Quyết định 580/QĐ-TTg 2014 của Chỉnh phủ, hỗ trợ việc chuyển đổi cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả thực hiện ở Nam bộ. Bắt đầu từ vụ Hè thu năm nay, Chính phủ có Quyết định 915/QĐ-TTg hỗ trợ cho tất cả các vùng miền trong cả nước trồng ngô để chuyển đổi. Các hộ trồng ngô sẽ được hỗ trợ giống ngô, kỹ thuật canh tác, phân phón, công chăm sóc… có giá trị 3 triệu đồng/ha.
Năm nay, do hạn mặn nên ĐBSCL mất 713.000 tấn lúa, dự báo tới cuối năm nay Việt Nam mất khoảng 900.000 tấn lúa do biến đổi khí hậu. Do vậy, chỉ có cách tăng diện tích ngô lên để bù lại diện tích lúa bị mất đi. Nếu tăng được 100.000 ha ngô thì sẽ có 300.000 – 400.000 tấn lương thực, giảm tỉ lệ lương thực bị thiệt hại do biến đổi khí hậu.
Trồng ngô trong vùng quy hoạch sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng/ha. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN |
Xin ông cho biết việc chuyển đổi này có gặp khó khăn gì không?Thực tế, việc chuyển đổi đang gặp nhiều khó khăn do ngô nhập từ nước ngoài vào Việt Nam đang rẻ hơn ngô sản xuất trong nước khoảng 1.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do họ sản xuất hoàn toàn cơ giới hóa, năng suất cao, chi phí rẻ. Ví dụ: Mỹ năng suất 10 tấn/ha, còn Việt Nam chỉ bằng một nửa. Khiến đầu ra của ngô gặp nhiều khó, không khuyến khích người trồng ngô.
Do vậy, để giảm chênh lệnh này Chính phủ đã hỗ trợ tới 3 triệu ha từ vụ hè thu năm nay. Bên cạnh đó, nông dân cũng phải áp dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa để làm giảm giá thành. Thứ hai, phải sử dụng giống đúng liều lượng, ví dụ 1 ha chỉ sử dụng 18-20 kg ngô, nhưng nhiều nông dân sợ giống chết nên tra 2 hạt khiến giá thành khâu giống tăng gần gấp đôi, mà giống ngô lại rất đắt. Thứ ba là áp dụng các giống ngô biến đổi gen ở những vùng sâu đục thân, cỏ dại nhiều… làm giảm công lao động, ngày công.
Hy vọng với việc áp dụng đồng bộ các giải pháp này thì cây ngô sẽ phát triển được. Tới đây, Cục Trồng trọt sẽ thực hiện hướng dẫn QĐ 915 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Cục sẽ mở các hội nghị bàn chuyên về sản xuất ngô, ngô biến đổi gen để giúp đỡ người trồng ngô giảm chi phí và tăng năng suất.