Ông Đoàn Xuân Thiệp ở thôn Vạn Diệp, xã Nam Phong, thành phố Nam Định là một trong những người tiên phong trong việc chuyển 3.000 m2 trồng hoa sang trồng bưởi cảnh.
Ông Thiệp cho biết, cũng như bao gia đình khác ở vùng bãi ven sông Đào, xã Nam Phong, gia đình ông có nghề trồng hoa truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ban đầu, thu nhập từ cây hoa cao hơn một số loại cây màu khác.
Tuy nhiên, khi trong thôn, trong xã ngày càng nhiều người chuyển từ diện tích đất trồng lúa sang làm hoa, trồng đào, quất, giá bán những loại cây này không ổn định. Hơn nữa, tiền thuê nhân công cao nên đôi khi tiền thu về không đủ chi.
Từ thực tế đó, ông Thiệp đã đi thăm quan những mô hình trang trại ở tỉnh Hưng Yên, Hòa Bình... Sau khi tìm hiểu, phân tích các yếu tố về điều kiện đất đai, khí hậu, nhận thấy bưởi cảnh dễ trồng, đặc biệt là có thị trường tiềm năng nên năm 2013, gia đình ông đã mua bưởi về trồng thử nghiệm.
Ban đầu, ông trồng hơn 10 cây, sau hai năm chăm sóc, ghép quả cho hiệu quả mới tiếp tục mở rộng diện tích. Để phục vụ khách hàng dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, ông trồng gần 200 cây bưởi cảnh. Hiện toàn bộ số bưởi trong vườn đã có khách mua và đặt mua.
Ông Thiệp chia sẻ, để có được cây bưởi cảnh trĩu quả, mỗi cây từ 30 - 50 hoặc 80 - 100 quả, người trồng phải trải qua nhiều công đoạn từ trồng, chăm sóc, tạo cành, dáng, ghép quả. Cây bưởi cảnh thường là giống bưởi diễn, loại bưởi này vỏ quả mỏng, màu vàng bắt mắt, có mùi thơm nồng, nhất là khi ghép tỷ lệ quả đậu cao, ít rụng.
Thông thường vào khoảng tháng hai âm lịch, ông đến các vườn bưởi ở các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên để chọn gốc cây về ươm. Mỗi gốc có giá trung bình từ 700.000 - 1.000.000 đồng/gốc. Gốc bưởi sau khi ươm trong vườn khoảng 1 - 1,5 năm, phát triển tốt, thân, cành đủ tiêu chuẩn, ông bắt đầu đưa cây vào chậu để chăm sóc, tạo dáng, kéo cành chuẩn bị ghép quả.
Ghép quả là công đoạn khó, đòi hỏi kỹ thuật cao và kinh nghiệm của người làm vườn. Để bưởi chín đúng dịp Tết, thời gian tiến hành ghép quả bắt đầu vào tháng 4 âm lịch. Công đoạn này phải thực hiện trong thời gian ngắn vì kéo dài thời tiết không thuận lợi, có mưa xuống mối ghép giữa quả và cành sẽ không kết dính và quan trọng hơn là quả bị thối, tỷ lệ quả đậu ở mỗi cây không cao.
Thời gian đầu ông ghép 50 quả mỗi cây nhưng chỉ đậu được vài quả. Vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm đến nay ông Thiệp đã thực hiện việc ghép quả thành công với tỷ lệ quả đậu đạt trên 60% trong tổng số quả ghép ở mỗi cây. Quả bưởi dùng để ghép là giống bưởi Diễn mua ở các nhà vườn trong và ngoài tỉnh, chọn những quả ra lứa đầu ở cây gốc, quả vừa phải không quá to, không sâu bệnh. Cuống quả cắt dài từ 10 - 15cm .
Trước khi tiến hành ghép quả vào cây phải dọn sạch vườn, phun thuốc trừ sâu, cây được cắt tỉa, bón phân, tưới đủ nước để kích thích nhựa lưu thông. Chỉ ghép quả vào những cành phát triển tốt, cành có kích thước tương ứng với cuống quả và được thực hiện theo phương pháp ghép áp bên.
Dùng kéo chuyên dụng cắt vát phần cành cây và phần cuống quả, chiều dài vết cắt khoảng 1,5 - 2cm sau đó ghép quả vào cành cây, tiếp đến dùng nilon chuyên dụng bó kín vết ghép để quả không bị mất nước, đồng thời giảm áp lực cho cành ghép. Mỗi cây có thể ghép từ vài chục quả đến cả trăm quả. Sau một tháng, cành và quả ghép sinh trưởng bình thường sẽ tháo toàn bộ nilon để quả phát triển tự nhiên.
Theo ông Thiệp, khoảng từ tháng 10 âm lịch trở đi khách trong và ngoài tỉnh đã tới vườn thăm quan và đặt mua cây. Năm nay, giá bưởi cảnh tăng cao hơn so với những năm trước khoảng 15%. Cây nhỏ, ít quả, giá dao động từ 2 - 5 triệu đồng/cây; cây to, nhiều quả, giá từ 5 triệu đồng đến hơn 30 triệu đồng/cây.
Để mỗi dịp Tết đều có bưởi cảnh trĩu quả phục vụ người dân chơi Tết, gia đình ông đã hình thành một khu vườn để ươm 400 gốc bưởi, sẵn sàng cho việc ghép quả hàng năm. Trung bình thu nhập từ việc trồng bưởi cảnh cao gấp 3 - 4 lần so với trồng hoa và cây rau màu khác.
Ông Nguyễn Văn Dân, Chủ tịch UBND xã Nam Phong cho biết, khai thác điều kiện đất đai thuận lợi, những năm gần đây, người dân trong xã không ngừng áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Thu nhập từ nghề trồng hoa, cây cảnh của người dân trong xã đạt 400 triệu đồng/năm, gấp 4 -5 lần so với trồng lúa và canh tác rau màu.
Xã Nam Phong đã quy hoạch, xây dựng các vùng trồng hoa, cây cảnh nhằm nâng cao giá trị sản xuất; đồng thời đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi và các dịch vụ nông nghiệp, giúp bà con ổn định, phát triển sản xuất.