Vì vậy nguy cơ xảy ra tranh chấp trong các dự án PPP là không tránh khỏi trong vòng đời rất dài của dự án PPP.
Để phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro tranh chấp cũng như để tăng tính bền vững cho các dự án PPP cần lưu ý thực hiện một số vấn đề. Thứ nhất, việc thiết kế soạn thảo hợp đồng chặt chẽ và rõ ràng để các bên hiểu rõ quyền và nghĩa vụ thực hiện hợp đồng của mình là rất quan trọng. Thứ hai, cơ chế quản lý giám sát thực hiện hợp đồng hiệu trong quá trình thiết kế, xây dựng và vận hành là yếu tố then chốt. Vấn đề quan trọng nữa là các bên, bao gồm cả khu vực công và khu vực tư nhân phải hiểu được các cơ chế giải quyết tranh chấp khi có tranh chấp phát sinh.
Nguyên nhân tranh chấp vì đâu?
Trước khi ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) năm 2020, đã có hơn 300 dự án PPP được triển khai trong hơn 20 năm với tổng vốn đầu tư hơn 1,6 triệu tỷ đồng trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng quan trọng như giao thông, năng lượng,... Sau khi ban hành Luật PPP, báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện các dự án PPP tính đến cuối năm 2022 cho thấy, cả nước có 8 dự án PPP được triển khai theo Luật PPP; trong đó, hầu hết đều là các dự án giao thông trọng điểm. Ngoài ra là 139 dự án PPP chuyển tiếp (không bao gồm dự án BT). Các dự án PPP mới đều là các dự án có quy mô quốc gia hoặc địa phương với tổng mức đầu tư khoảng 131.000 tỷ đồng.
Các tranh chấp phát sinh trong các dự án PPP không chỉ giới hạn ở tranh chấp hành chính, thương mại, mà còn xảy ra ở các dự án lớn có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Những tranh chấp này diễn ra ở mức độ khác nhau với rất nhiều nguyên nhân từ cả phía nhà nước và nhà đầu tư, nhà thầu và do các điều kiện khách quan khác nhau.
Bà Vũ Thị Hằng, Phó Trưởng Ban Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết: "Dựa trên nghiên cứu, kinh nghiệm và khảo sát của chúng tôi, tranh chấp ở các dự án PPP thường phát sinh từ một số nguyên nhân như chi phí thực hiện dự án tăng do sự thay đổi về chính sách pháp luật; sự biến động về tăng chi phí dự án gây ra việc giảm doanh thu dự kiến; chi phí dự án tăng cũng đến từ sự thay đổi phạm vi và khối lượng của dự án".
Bà Hằng cũng cho biết: "Tranh chấp trong các dự án PPP đôi khi do lỗi hoặc vi phạm của chủ đầu tư trong giai đoạn xây dựng dẫn đến công trình không đạt chất lượng, thậm chí không được nghiệm thu".
Cơ chế giải quyết tranh chấp
Hầu hết các tranh chấp được giải quyết bên ngoài tòa án. Một vài dự án thậm chí không tiết lộ thông tin tranh chấp. Các bên trong dự án PPP thường cho rằng việc giải quyết tranh chấp thông qua tòa án là không phù hợp và thường cố gắng tránh sử dụng tòa án. Do đó, câu hỏi đặt ra là cơ chế giải quyết tranh chấp nào là hiệu quả nhất để hỗ trợ tất cả các bên trong việc giải quyết tranh chấp của họ.
Ông Lê Đình Vinh, Luật sư kiêm Giám đốc Công ty Luật Vietthink cho rằng, các tranh chấp thường xuất phát từ rủi ro nội tại trong quá trình phát triển, vận hành, bàn giao dự án và các rủi ro bên ngoài về chính sách, khung pháp lý, tài chính hoặc rủi ro bất khả kháng.
Qua thực tiễn của các dự án như Nhà máy điện rác Trạm Thản (Phú Thảm), Nhà máy điện rác Sóc Sơn (Hà Nội), Trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) hay Đường cao tốc Bắc Nam (đoạn Diễn Châu, Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo) đã phát sinh tranh chấp trong các vấn đề về quy trình, thủ tục thu hồi đất, bồi thường, tái định cư; bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án; khó khăn về huy động vốn đầu tư như tiếp cận vốn trung và dài hạn, lãi suất, mô hình tài chính và hồ sơ vay vốn; và giải ngân vốn nhà nước cho dự án PPP.
Nhiều tranh chấp trong số này xuất phát từ những thách thức và rủi ro liên quan đến sự không nhất quán và không rõ ràng trong khung pháp lý PPP. Do khung pháp lý PPP của Việt Nam còn trong quá trình hoàn thiện, một số quy định chưa phù hợp với thực tế và không phù hợp với thông lệ quốc tế tốt nhất. Do đó, điều quan trọng là phải có các cơ chế giải quyết tranh chấp trong hợp đồng PPP. Các cơ chế giải quyết tranh chấp phải đối xử bình đẳng với tất cả các bên - Chính phủ, nhà đầu tư, bên cho vay và các bên liên quan khác.
Vai trò của Trọng tài thương mại
Luật PPP cho phép giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài hoặc tòa án. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhấn mạnh: "Cách tiếp cận ngăn ngừa và giải quyết tranh chấp hiệu quả sẽ mang lại niềm tin cao hơn cho dự án. Các tranh chấp khi xảy ra sẽ được giải quyết một cách công bằng và nhanh chóng. Niềm tin vào quá trình phát triển và vận hành dự án sẽ được củng cố và dự án PPP có nhiều khả năng thành công hơn. Đây là nền tảng để chúng ta tạo dựng niềm tin từ các nhà đầu tư, nhà phát triển và thu hút các nhà đầu tư tư nhân vào việc phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam trong tương lai".
Một số khuyến nghị khác từ các hội nghị, hội thảo về phòng ngừa và giải quyết tranh chấp phát sinh từ các dự án đối tác công tư tại Việt Nam thông qua hòa giải và trọng tài là Chính phủ cần thể chế hóa và thực hiện các cơ chế chia sẻ rủi ro, tăng cường việc thực thi Luật PPP đối với các bộ, ngành, địa phương và nhà đầu tư. Giải quyết tranh chấp giữa các cơ quan chính phủ và nhà đầu tư có thể được thực hiện thông qua trọng tài thương mại như là một hình thức hiệu quả trong các hình thức giải quyết tranh chấp thay thế.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học VIAC, thành viên Tổ công tác ICC về Trọng tài ADR khuyến cáo các bên cần thận trọng trong quá trình đàm phán, soạn thảo các điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng. Việc huy động tư vấn bên ngoài từ luật sư hoặc các chuyên gia khác là rất cần thiết trong quá trình đàm phán và việc đào tạo cũng cần được xem xét để đảm bảo giải quyết tranh chấp hiệu quả.
Cần lưu ý rằng việc lựa chọn biện pháp giải quyết tranh chấp ngoài tòa án phải phù hợp trong từng giai đoạn của vòng đời dự án PPP; trong đó ưu tiên hòa giải. Các bên cũng nên cân nhắc sử dụng dịch vụ của Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nếu có các điều khoản hợp đồng liên quan đến nhà tài trợ, nhà đầu tư và nhà thầu nước ngoài.
Việc lựa chọn các cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính chất hợp tác thay vì đối đầu là rất quan trọng. Đối đầu, hoặc tố tụng pháp lý có thể dẫn đến nhưng hậu quả tồi tệ cho các bên. Mục tiêu quan trọng nhất trong quá trình giải quyết tranh chấp là duy trì mối quan hệ lâu dài giữa các đối tác, đảm bảo các bên cùng có lợi và hợp tác trong tương lai.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hiện đang hợp tác ra mắt trang web https://vcci-ppp.vn để cung cấp thông tin cập nhật, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và giải đáp các câu hỏi liên quan đến PPP. Trang web PPP được kỳ vọng là một công cụ hữu ích nâng cao năng lực và kiến thức về PPP cho các bên tham gia ở Việt Nam, bao gồm khu vực Nhà nước và tư nhân. Trang web PPP còn cung cấp chương trình đào tạo PPP trực tuyến, hỏi đáp về PPP và nhiều bài viết liên quan.