Nhiều ý kiến dự đoán rằng đại dịch COVID-19 sẽ đẩy nền kinh tế toàn cầu vào đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, khi nhiều nền kinh tế trải qua sự sụt giảm sâu nhất kể từ năm 1870. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng toàn cầu này đã cho thấy sự không nhất quán và thiếu hiệu quả của nhiều hệ thống dưới sức ép lớn, đồng thời đem đến cho các doanh nghiệp một cơ hội vượt qua những thách thức to lớn để tạo ra sự thay đổi ý nghĩa.
Kết hợp tốc độ và sự ổn định
Khả năng thích ứng của một công ty với sự thay đổi lớn và nhanh chóng của thị trường là sự kết hợp của hai yếu tố: tốc độ và sự ổn định. Tốc độ đòi hỏi các doanh nghiệp phải sáng tạo và năng động trong cách suy nghĩ và hành động. Nhưng để đảm bảo sự thành công lâu dài và khả năng mở rộng hoạt động, doanh nghiệp cần có một số yếu tố cốt lõi. Vì thế, sự ổn định, hay nói cách khác là một nền tảng vững chắc, là yếu tố rất quan trọng.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, khả năng thích ứng nói trên đã trở thành yếu tố mang tính quyết định đối với sự tồn tại của doanh nghiệp. Kết quả một nghiên cứu mới đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho thấy dịch COVID-19 đã tạo ra sự chuyển đổi nhanh chóng đáng kinh ngạc của nhiều công ty.
Một minh chứng cho điều này là LUG, một công ty có trụ sở ở Ba Lan với kinh nghiệm hơn 30 năm trong ngành hàng đèn chiếu sáng và các công cụ kỹ thuật. Trong bối cảnh nhu cầu thay đổi do đại dịch, LUG đã ưu tiên phát triển và sản xuất một dòng sản phẩm đèn mới sử dụng công nghệ UV-C để chống các vi sinh vật có hại. Tận dụng chuyên môn và kinh nghiệm sẵn có trong ngành này như một yếu tố cốt lõi, LUG đã nhanh chóng thay đổi hoạt động sản xuất để tạo ra một sản phẩm đã trở thành một giải pháp cho các bệnh viện và phòng khám, cửa hàng, và nhiều nơi công cộng khác.
Biến khả năng số hóa trở thành một lợi thế
Trong một cuộc khảo sát năm 2015, 82% các lãnh đạo doanh nghiệp tham gia khảo sát đều đồng thuận về sự cần thiết phải chuyển đổi số, nhưng chỉ 23% thực hiện một chiến lược số hóa.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã tạo ra một trào lưu số hóa chưa từng thấy. Số liệu cho thấy chỉ trong tám tuần, thế giới đã “nhảy vọt” đến 5 năm trong việc áp dụng kỹ thuật số với doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đại dịch đã dẫn đến những sự thay đổi mang tính cơ cấu, trong đó có xu hướng người tiêu dùng thích ứng dụng kỹ thuật số và người lao động chuyển sang mô hình làm việc từ xa. Và quan trọng là các xu hướng này có thể sẽ còn kéo dài kể cả sau đại dịch.
Thách thức mà đại dịch đặt ra cho các doanh nghiệp không chỉ là duy trì năng suất thông qua các hoạt động được số hóa, mà còn tái tập trung vào các cơ hội mới mà số hóa mang lại. Trước đây, Purvankara Limited, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Ấn Độ, đã phải phụ thuộc gần như 100% vào việc đưa khách hàng đi xem nhà trực tiếp mới có thể “chốt đơn”. Nhưng sau khi chuyển đổi số, Purvankara Limited đã tập trung vào việc kinh doanh bất động sản thông qua các nền tảng trực tuyến của mình. Công ty này đã nhận ra cơ hội mới từ nguồn nhân lực có khả năng chuyển đổi số và năng suất gia tăng khi áp dụng mô hình làm việc từ xa. Và thông qua hoạt động tương tác và xem nhà trực tuyến, Purvankara nhìn chung vẫn không bị ảnh hưởng kể cả trong suốt những thời điểm khó khăn nhất trong cuộc khủng hoảng dịch COVID-19.
Phối hợp để tạo ra sự thay đổi hệ thống
Bất chấp những thách thức mà nó mang lại, đại dịch COVID-19 đã làm nổi bật tầm quan trọng của sự hợp tác nhiều bên và sự cần thiết của “sức đề kháng” mang tính hệ thống. Để có được những yếu tố này, niềm tin phải được ăn sâu ở các bên liên quan, dù là ở những khâu khác nhau trong một chuỗi cung ứng hay giữa các nhân viên trong một tổ chức. Các doanh nghiệp đang ngày càng nhận thức được điều này rõ hơn. Sự phối hợp mang tính hệ thống cũng sẽ là chìa khóa để doanh nghiệp lấy lại được năng lực hoạt động.
Tổng công ty Vận tải Ấn Độ (TCI), nhà cung cấp dịch vụ logistics hàng đầu của Ấn Độ, đã nhận ra và tăng cường sự hợp tác trong hệ thống hoạt động của mình. Trong một lĩnh vực vẫn còn gắn liền với vận đơn, biên lai bằng giấy và sự quản trị từ nhiều bên như logistics, TCI đã tạo ra niềm tin từ các bên liên quan trong hoạt động vận hành của mình thông qua nhiều điểm tiếp xúc (touchpoint). Touchpoint cũng là những điểm tương tác giữa thương hiệu và khách hàng. Những tương tác này diễn ra ở nhiều nơi (cả trực tuyến và trực tiếp) và vào nhiều thời điểm khác nhau. Các thương hiệu có xu hướng tận dụng mọi vị trí mà khách hàng ghé thăm để gia tăng ấn tượng và hoàn thành các mục tiêu marketing chiến lược.
Dù rất khó để dự đoán đại dịch COVID-19 sẽ còn mang đến những thử thách gì, nhưng các doanh nghiệp có thể rút ra nhiều bài học trong thời gian qua và xem chúng là cơ hội để cải thiện hoạt động. Các doanh nghiệp cần phải tiếp tục ứng phó với cuộc khủng hoảng hiện tại, đồng thời nỗ lực để phát triển trong một hiện thực mới tập trung vào khả năng thích nghi, chuyển đổi số và hợp tác nhiều bên. Ba yếu tố này có quan hệ mật thiết với nhau và đòi hỏi doanh nghiệp phải có những chiến lược tập trung để đảm bảo thành công.