Đối thoại được tổ chức nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của ông Akio Mimura, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) cùng đoàn công tác gồm 80 lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực thương mại tổng hợp, sản xuất máy móc, linh kiên, ô tô, ngân hàng, xây dựng, thực phẩm, hàng không, thực phẩm, đồ điện gia dụng, tư vấn...
Sự kiện này được coi là cơ hội rất tốt để lãnh đạo doanh nghiệp hai bên có cơ hội tìm hiểu sâu và toàn diện hơn về tình hình, tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư của hai nước. Nhân đây, các doanh nghiệp cũng có cơ hội gặp gỡ, giao lưu trực tiếp, trao đổi thông tin và tìm kiếm đối tác hợp tác trong tương lai.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, mối quan tâm lớn nhất của cả nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói riêng là đạt tới mức tăng trưởng ổn định và hướng tới phát triển bền vững; trong đó, đặc biệt quan tâm tới việc làm sao hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cực nhỏ có thể tham gia vào quá trình hội nhập, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cho rằng, để cụ thể hóa mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ sâu rộng giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, hiện nay, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu hàng chục tỷ USD các linh, phụ kiện ô tô, điện tử và công nghiệp cơ khí, máy móc chế tạo; trong đó, có các đối tác quan trọng là những tập đoàn của Nhật Bản như Toyota, Canon… Vì thế, ông mong muốn Chính phủ Nhật Bản hết sức quan tâm hỗ trợ để phát triển các ngành, lĩnh vực như công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã đánh giá cao tinh thần hợp tác và những kết quả đạt được trong mối quan hệ giao thương giữa Nhật Bản với Việt Nam; trong đó có Hà Nội nói riêng.
Ông Chung cũng kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản phối hợp đầu tư vào 8 lĩnh vực mà Hà Nội đang rất chú trọng thu hút đầu tư như xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, các trạm để xe ngầm. Đặc biệt là các tuyến tàu Metro, 6 cây cầu bắc qua sông Hồng, các tuyến kết nối đường vành đai 1,2,3,4,5 và các trục hướng xuyên tâm... Ngoài ra, đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích hay như chợ đầu mối…
Ông Chung cho biết thêm, những lĩnh vực khác cần phối hợp đầu tư và phát triển như khách sạn; trung tâm phân phối thuốc cho hệ thống y tế hay sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp phụ trợ, linh kiện máy móc và phát triển các khu công nghiệp mở rộng như Khu công nghiệp Nam Hà Nội, Khu công nghiệp Sóc Sơn, Khu công nghiệp Nội Bài...