Cơ hội tiếp cận thị trường lớn
Theo thống kê của Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2020, dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế Việt Nam, khiến thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, khan hiếm nguyên liệu do chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn... Nhiều mặt hàng xuất khẩu quan trọng sụt giảm so với cùng kỳ như: Hàng dệt may đạt 13,18 tỷ USD, giảm 12,7%; giầy dép đạt 8,13 tỷ USD, giảm 6,9%...
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, đây thực sự là thời điểm để doanh nghiệp nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và quá trình chuyển đổi số. Trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khan.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, thương mại điện tử đang là một trong những cứu cánh của Việt Nam trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Trước đây, khi chưa có thương mại điện tử thì hoạt động xuất nhập khẩu là lãnh địa của các doanh nghiệp lớn. Do chỉ có các doanh nghiệp lớn mới có điều kiện hoạt động kinh doanh xuyên biên giới. Trước đó, các doanh nghiệp lớn đã thống lĩnh trong nền thương mại toàn cầu. Chỉ từ khi xuất hiện Internet và thương mại điện tử, thì các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa mới có cơ hội kinh doanh để vươn ra thị trường thế giới và đang trở thành các chủ nhân bình đẳng trong nền doanh nghiệp toàn cầu.
“Một anh nông dân trồng cà phê ở Đắk Lắk, bằng một cú nhấp chuột có thể tiếp cận và bán hàng cho một quán cà phê ở New York hay một chị thợ may ở Hội An có thể may đo cho một gia đình ở Paris. Thời thương mại điện tử, người người đều có thể lên Internet bán hàng...”, ông Vũ Tiến Lộc ví dụ.
Hoàn thiện thể chế, nền tảng công nghệ
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025, trong đó, xác định rõ chuyển đổi số là quá trình tất yếu của Việt Nam, nhằm đẩy mạnh hiện đại hoá hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, chuyển đổi số là vấn đề công nghệ, nhưng thành công hay thất bại phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm chính trị, vào thể chế quốc gia. Chính phủ cần tạo ra một hệ thống thể chế hiện đại, với các quy định pháp luật, có kỹ năng để tạo được hệ sinh thái cho thương mại điện tử, cho nền kinh tế số. Còn các doanh nghiệp phải đổi mới mô hình kinh doanh, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Quá trình chuyển đổi số, kinh tế số là những vấn đề không thể thiếu trong các Hiệp định về thương mại tự do mới mà Việt Nam sẽ tiếp tục ký kết với các quốc gia, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp định vị lại mình và thay đổi trong nền kinh tế thế giới.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cũng đánh giá, quá trình chuyển đổi số hay điện tử hoá trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đã góp phần làm giảm khối lượng công việc và hồ sơ giấy phải lưu tại cơ quan, tổ chức xử lý thủ tục hành chính. Nhờ vậy, góp phần tăng chất lượng dịch vụ công và thời gian để giải quyết các hồ sơ của các thủ tục hành chính. Lợi ích to lớn của chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức, từ đó thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu.
Xuất khẩu 6 tháng cuối năm của Việt Nam có thể hy vọng từ việc thực thi Hiệp định EVFTA, đây là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới với dân số hơn 508 triệu người, GDP khoảng 18,000 tỷ USD. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tại châu Âu, Hiệp định EVFTA được thực thi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế lớn từ việc giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường này. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có thể đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch COVID-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.
“Bộ Công Thương cũng cam kết sẽ mở rộng và phát triển nhiều dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 hơn nữa, xứng đáng là một trong những đơn vị tiên phong trong cải cách hành chính, triển khai Chính phủ điện tử, thực hiện phương châm Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định.