Cơ hội rộng mở cho nông sản, thực phẩm Việt Nam vào Malaysia 

Malaysia là thị trường xuất khẩu tiềm năng và có nhiều dư địa phát triển đối với hàng hoá Việt Nam trong giai đoạn phục hồi kinh tế hậu COVID-19, đặc biệt là nhóm hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống…

Đây là thông tin được nhiều chuyên gia nhấn mạnh tại hội thảo “Xúc tiến xuất khẩu với thị trường Malaysia và các nước Hồi giáo” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Phòng thương mại Phát triển các doanh nghiệp Malaysia tại nước ngoài (Matrade) tổ chức ngày 2/6. 

Chú thích ảnh
Ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc phụ trách ITPC phát biểu khai mạc hội thảo. 

Ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc phụ trách ITPC nhấn mạnh, Việt Nam - Malaysia vẫn còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư. Năm 2021, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 11, thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Malaysia với kim ngạch thương mại song phương đạt 11,8 tỷ USD. Cả hai nước đang nỗ lực hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 25 tỷ USD vào năm 2030. Tuy nhiên những con số này vẫn khiêm tốn so với tiềm năng hợp tác giữa hai quốc gia.

Kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2022 giữa hai nước ước đạt gần 5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ 2021; trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Malaysia đạt gần 1,7 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường Malaysia bao gồm máy móc thiết bị và phụ tùng, máy vi tính, điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, xăng dầu, hóa chất... Đáng chú ý, nền công nghiệp Halal (ngành công nghiệp cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo) ở Malaysia năm 2021 đã đạt 3,1 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên 5 tỷ USD vào 2030. Đây sẽ là lĩnh vực xuất khẩu vô cùng tiềm năng nếu các doanh nghiệp Việt Nam biết nắm bắt và khai thác hiệu quả.

Ông Trần Việt Thái, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia thông tin, hiện nay Malaysia đã kiểm soát được dịch COVID-19 và mở cửa trở lại. Các doanh nghiệp Malaysia đã bắt đầu khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, dù gặp nhiều khó khăn nhưng được Chính phủ và các Hiệp hội hỗ trợ một cách tích cực. Kinh tế Malaysia có nhiều tín hiệu khả quan và dự báo cả năm có thể đạt mức tăng trưởng từ 5,3 - 6,3%. 

Chú thích ảnh
Ông Raphy MD Razdi, Lãnh sự thương mại Phòng thương mại phát triển các doanh nghiệp Malaysia tại nước ngoài phát biểu tại hội thảo. 

Tuy nhiên, Malaysia cũng đang đối mặt với vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và những hệ luỵ từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Cụ thể, nguồn cung lúa mì, bột mì từ khu vực Nga và Ukraine cho Malaysia đang bị gián đoạn khiến quốc gia này phải chuyển hướng đẩy mạnh nhập khẩu lúa gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Từ tháng 3/2022 Chính phủ Malaysia đã tăng hạn ngạch nhập khẩu gạo Việt Nam từ 520.000 tấn lên 700.000 tấn/năm. Đại dịch COVID-19 kéo dài khiến Malaysia đứng trước nguy cơ khủng hoảng lương thực, thực phẩm khi giá các mặt hàng này tăng vọt từ 20-40% so với trước. Từ một nước xuất khẩu thịt gà sang Singapore và nhiều quốc gia lân cận, Malaysia đã phải ngừng xuất khẩu và tìm kiếm thêm nguồn cung nhập khẩu.

Theo Đại sứ Trần Việt Thái, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng cũ đồng nghĩa với việc xuất hiện nhu cầu hình thành các chuỗi cung mới và đó chính là cơ hội để các quốc gia sản xuất - xuất khẩu như Việt Nam tận dụng “khoảng trống” thị trường để xúc tiến xuất khẩu. Nhu cầu của Malaysia về gạo, thịt gà và nhiều loại nông sản, thực phẩm khác hiện nay là rất lớn. Song, để tiếp cận được thị trường này các doanh nghiệp xuất khẩu cần đáp ứng về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và đặc biệt là chứng nhận Halal của người Hồi giáo.

Chú thích ảnh
Ông Halim Bin Husin, Chủ tịch Liên hiệp các phòng Thương mại Malaysia thông tin về tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam - Malaysia. 

Doanh nghiệp cũng phải đầu tư cho việc kết nối thị trường và phát triển hệ thống phân phối để phát huy hiệu quả quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng cuối cùng. Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn do hậu quả của dịch COVID-19, những doanh nghiệp mới tiếp cận thị trường cần tìm hiểu kỹ thông tin đối tác, kiểm chứng qua các kênh uy tín để giảm thiểu rủi ro trong giao dịch xuất nhập khẩu - Đại sứ Trần Việt Thái lưu ý.

Thông tin thêm về tiềm năng trao đổi thương mại giữa Việt Nam - Malaysia, ông Halim Bin Husin - Chủ tịch Liên hiệp các phòng Thương mại Malaysia cho biết, nhu cầu nhập khẩu sản phẩm thực phẩm, đồ uống và sản phẩm có chứng nhận Halal tại Malaysia là rất lớn và Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển nhóm sản phẩm này. Các sản phẩm Halal không chỉ được tiêu thụ gói gọn trong lãnh thổ Malaysia mà còn tiếp cận đến nhiều quốc gia Hồi giáo khác trên toàn thế giới. Ước tính có khoảng 1,9 tỷ người Hồi giáo trên thế giới và nhu cầu tiêu dùng sản phẩm Halal của thị trường này tăng thêm 8-9% mỗi năm.

Chia sẻ về hoạt động kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Malaysia, bà Kelly Lương Huệ Hiền - Giám đốc Công ty TNHH Beyond World cho biết, Việt Nam - Malaysia có điều kiện thuận lợi khi cùng nằm trong khu vực ASEAN, dễ dàng kết nối trong vài giờ bay. Cộng đồng doanh nghiệp hai nước có sự tương đồng khi chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng có sự năng động và nắm bắt thị trường khá tốt. Doanh nghiệp hai nước ngày càng có nhiều kênh thông tin để kết nối.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham quan gian hàng Việt Nam trưng bày bên lề hội thảo. 

Điển hình, từ tháng 3/2020, chợ Việt Nam đầu tiên tại Malaysia (Vietnam Market) đi vào hoạt động. Đây là nơi dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy hải sản, thủ công mỹ nghệ, thời trang dệt may, cơ khí, máy móc, mỹ phẩm, công nghệ độc quyền, ngành dịch vụ... của Việt Nam. Vietnam Market không chỉ là chợ đầu mối chủ chốt để xuất khẩu hàng Việt Nam mà còn là nơi lý tưởng để doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh, mở rộng hoạt động tại Malaysia.

Ngoài ra, dự kiến tháng 10/2022, Công ty TNHH Beyond World sẽ phối hợp với các cơ quan xúc tiến thương mại hai nước tổ chức chuyến khảo sát thị trường Malaysia cho khoảng 100 doanh nghiệp Việt Nam. Chuyến đi này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ trực tiếp thăm nhà máy, khu công nghiệp, phòng thương mại tại Malaysia từ đó trao đổi thông tin nhu cầu thị trường, khả năng cung ứng để đẩy mạnh hợp tác, tạo động lực cho kinh tế hai nước phục hồi, phát triển sau đại dịch.

Tin, ảnh: Xuân Anh (TTXVN)
Nghiên cứu phản ánh về rủi ro lừa đảo trong xuất khẩu nông sản
Nghiên cứu phản ánh về rủi ro lừa đảo trong xuất khẩu nông sản

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 2752/VPCP-QHQT ngày 30/4/2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh giao Bộ Công Thương nghiên cứu thông tin báo chí nêu về rủi ro lừa đảo trong xuất khẩu nông sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN