Theo đại diện Bộ dệt may Ấn Độ, ngành dệt may đã được các lãnh đạo Việt Nam và Ấn Độ xác định là một ngành quan trọng hàng đầu cho hợp tác. Với tinh thần xúc tiến thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn độ đây sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp 2 nước giao lưu, học hỏi, xúc tiến thương mại lẫn nhau. Tham dự triển lãm lần này có khoảng 1.000 công ty tham gia với khoảng 2.500 khách nhập khẩu từ các quốc gia.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư kí Hiệp hội dệt may Việt Nam, cho biết triển lãm này rất phù hợp với nhu cầu giao thương, mở rộng thị trường của dệt may Việt Nam. Đặc biệt, dệt may Việt Nam có điều kiện thuận lợi để tiếp cận nguồn cung ứng nguyên phụ liệu, công nghệ xanh, sản phẩm mới của Ấn Độ và các quốc gia tham dự triển lãm này.
Ban tổ chức triển lãm dệt may Ấn Độ đã có buổi giới thiệu về triển lãm tại TP Hồ Chí Minh. |
Theo bà Tuyết Mai, ngành dệt may Việt Nam nằm trong Top 5 nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới, với kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2016 đạt khoảng 28,5 tỷ USD. Việt Nam cũng là một trong những nước nhập khẩu sợi, dệt, nguyên phụ liệu nhiều trên thế giới. Để phục vụ sản xuất trong nước, nhu cầu về các mặt hàng vải, sợi, nguyên phụ liệu dệt may đang tăng lên nhanh chóng.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với ngành dệt may Việt Nam là thiếu nguyên phụ liệu trong nước nhằm đáp ứng nhu cầu kỹ thuật từ các FTA mà Việt Nam tham gia. Việc phụ thuộc quá nhiều vào một vài nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu sẽ hạn chế phát triển và sản xuất của các doanh nghiệp, do đó việc đa dạng hóa nguồn cung cấp nguyên phụ liệu ngoài khu vực ASEAN và Trung Quốc là một nhu cầu cấp thiết của ngành dệt may Việt Nam.
“Trong bối cảnh đó, việc mở rộng và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dệt may với Ấn Độ là một trong những giải pháp phù hợp trong điều kiện hiện nay. Ngành dệt may Ấn Độ không chỉ cạnh tranh nhờ ưu điểm về chất lượng mà còn về giá cả. Các sản phẩm vải, sợi tự nhiên, bông và nguyên phụ liệu của Ấn Độ có chất lượng tốt, đa dạng và theo cam kết giữa hai bên trong FTA ASEAN - Ấn Độ, dệt may là một trong số mặt hàng cam kết giảm thuế, vì vậy giá bán tương đối phù hợp. Có thể nói đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thêm một nguồn cung cấp nguyên phụ liệu sản xuất và nếu tận dụng được tốt thì việc chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh mặt hàng có chất lượng cao và xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn”, bà Mai cho biết thêm.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh, cho biết vừa qua nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi xúc tiến thương mại tại Ấn Độ đã rất ấn tượng với ngành dệt của Ấn Độ. Nguồn nguyên liệu Việt Nam lâu nay hay ỷ lại nguồn cung lớn từ Trung Quốc nên muốn phát triển cần thay đổi công nghệ mới và nguồn nguyên phụ liệu.