Điện một giá cao nhất là 2.889 đồng/kWh
Theo dự thảo Bộ Công Thương đưa ra, với cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt, Bộ này đề xuất 2 phương án lựa chọn, gồm: Phương án 1 là tính giá điện theo 5 bậc thang; phương án là khách hàng lựa chọn giá bán lẻ điện theo 5 bậc hoặc một giá. Trong đó, các phương án được đưa ra điều chỉnh giãn cách số bậc thang. Cụ thể, bậc 1 từ 0 - 100kWh, tăng số bậc thang từ 101 kWh trở lên tới 401 kWh ở các bậc 2, 3, 4 và bậc 5 - bậc cao nhất sẽ lên mức 701 kWh (so với bậc thang cao nhất trước đây là bậc 6 ở mức 401 kWh trở lên).
Đối với phương án 2, dự thảo đưa ra 2 lựa chọn là phương án 2A và 2B. Trong đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt cho khách hàng lựa chọn một giá tương ứng là 145% và 155% so với mức giá bán lẻ điện bình quân. Khách hàng sử dụng điện được quyền lựa chọn áp dụng giá bán lẻ điện 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá. Thời gian tối thiểu khi khách hàng thay đổi từ giá bán lẻ điện 5 bậc sang giá bán lẻ điện một giá hoặc ngược lại là một năm tính từ thời điểm bắt đầu thay đổi (12 kỳ hóa đơn thanh toán).
Như vậy, hiện nay mức giá bán lẻ điện bình quân được Bộ Công Thương quy định là 1.864,44 đồng/ kWh, kể từ thời điểm điều chỉnh giá bán lẻ điện ngày 20/3/2019, thì điện một giá nếu được lựa chọn sẽ lên 2.703 đồng/kWh và 2.889 đồng/kWh (chưa gồm VAT).
Theo tính toán, tỉ lệ giá bán lẻ so với mức giá bán lẻ điện bình quân ở các phương án cũng có chênh lệch nhau khá lớn. Cụ thể, nếu ở phương án 1 bậc 1 có tỉ lệ là 90%, bậc 5 ở mức cao nhất với 1%.
Trong khi phương án 2A bậc 5 mức cao nhất là 274% và phương án 2B là 185%.
Nhiều băn khoăn
Theo Bộ Công Thương, các phương án sửa đổi nêu trên nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại chính hiện nay của biểu giá điện, theo hướng phù hợp hơn với thực tế sử dụng điện của các khách hàng hiện nay. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng khi nghe thông tin về điện một giá thì vẫn băn khoăn. Anh Hoàng Hiệp (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, nhà anh trung bình mỗi tháng dùng hết 350 kWh điện, nếu tính theo giá bậc thang hiện hành là 850.000 đồng, nếu tính theo một giá sẽ là gần 950.000 đồng (theo phương án 2A), và 1.011.000 đồng (theo phương án 2B). “Với cách tính này thì tôi sẽ ủng hộ phương án điện bậc thang”, anh Hiệp cho hay.
Đánh giá về dự thảo mới nhất này, đặc biệt về cả 2 kịch bản 2A và 2B của điện 1 giá (2.703 đồng/kWh và 2.889 đồng/kWh), ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh chia sẻ không cảm thấy bất ngờ khi thấy mức giá điện 1 giá cho sinh hoạt cao hơn hẳn so với mức giá bán lẻ trung bình.
"Nếu tính toán kỹ sẽ thấy rằng với mức giá điện 1 giá này, người nghèo không được lợi. Chủ yếu người lựa chọn phương án này là người sử dụng rất nhiều điện. Khi sử dụng ở mức vượt trên 700 kWh/tháng thì người dùng có lợi hơn nếu lựa chọn mức giá điện 1 giá. Còn người dùng dưới 700 kWh/tháng thì thiệt hơn nếu chọn phương án 1 giá điện", ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng cho rằng, điểm đáng mừng là dự thảo đã xem xét đưa ra khung thời gian tối thiểu khi khách hàng chuyển từ mức giá bán lẻ điện 5 bậc sang mức giá bán lẻ điện 1 giá hoặc ngược lại là 1 năm tính từ thời điểm bắt đầu đăng ký thay đổi (12 kỳ hóa đơn thanh toán). Điều này đảm bảo cho ngành điện dự báo nhu cầu tiêu thụ điện cũng như đảm bảo chi phí sản xuất cung ứng điện năng nằm trong ngưỡng kiểm soát được, thay vì liên tục phải điều chỉnh hợp đồng và hồ sơ khách hàng trong cơ sở dữ liệu khi chuyển mùa.
Ông Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, không nên đưa ra 2 mức tính bằng 145% và 155% mức giá bán lẻ điện bình quân như dự thảo. Bởi mức giá này ở sát với mức cao của biểu giá bậc thang, chứ không phải trung bình bậc 3. Điều này sẽ khiến những người dùng ít điện bị thiệt.
Theo ông Long, có thể xem xét từ 5 bậc, giảm xuống một phương án biểu giá điện 3 bậc thang trước khi chuyển ngay xuống một giá, phương án 3 bậc sẽ bao gồm: Bậc 1 từ 1-100kWh cho những gia đình khó khăn ở mức giá được hỗ trợ, bậc tiếp theo từ 101- 499 kWh với mức giá bình quân, còn lại khách hàng sử dụng trên 500 kWh thì sẽ phải giá cao hơn, bởi đây là mức dùng nhiều với các hộ khá giả.
Bộ Công Thương nói gì?
Trước những ý kiến trái chiều về điện một giá, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, để đảm bảo giữ giá điện sinh hoạt bình quân không thay đổi, đồng thời giữ giá điện ở 4 bậc đầu của phương án 1 và phương án 2 giống nhau để không tác động tới chi phí tiền điện của đa số khách hàng sử dụng điện dưới 700kWh/tháng nên khi xây dựng các phương án giá điện một giá sẽ chỉ thay đổi giá điện ở bậc 5 và giá điện một giá.
Nếu giá điện một giá ở mức bằng 145% giá điện bình quân (Phương án 2A, mức giá này cao hơn giá bậc 3 và thấp hơn giá các bậc 4 và bậc 5) thì giá điện ở bậc 5 sẽ bằng bằng 274% mức giá điện bình quân.
Nếu giá điện một giá ở mức bằng 155% giá điện bình quân (Phương án 2B, mức giá này cao hơn giá bậc 3 và thấp hơn giá các bậc 4 và bậc 5) thì giá điện ở bậc 5 sẽ bằng 185% mức giá điện bình quân.
“Nếu Phương án 2A và 2B được áp dụng, khi khách hàng lựa chọn biểu giá theo phương án 1 giá sẽ hạn chế những nhược điểm của giá điện bậc thang, đặc biệt là những khách hàng sử dụng điện ở mức cao như việc tiền điện tăng bất thường vào các tháng nắng nóng, sai lệch về thời điểm ghi chỉ số công tơ hàng tháng”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Ông Tuấn cho biết thêm, nếu giá điện một giá ở mức bằng 145% giá điện bình quân (Phương án 2A) thì các khách hàng sử dụng điện trên 800 kWh khi lựa chọn 1 giá sẽ có chi phí tiền điện thấp hơn lựa chọn giá bậc thang. Tương tự nếu giá điện một giá ở mức bằng 155% giá điện bình quân (Phương án 2B) thì các khách hàng sử dụng điện trên 1.100 kWh khi lựa chọn 1 giá sẽ có chi phí tiền điện thấp hơn lựa chọn giá bậc thang.
“Các phương án nêu trên đã khắc phục được một phần nhược điểm của biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt hiện hành. Bộ Công Thương sẽ tổng hợp ý kiến lựa chọn của các cơ quan đơn vị, các khách hàng sử đụng điện để hoàn chỉnh và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay.