Cổ phần hóa: Mục tiêu là ngăn chặn thất thoát vốn Nhà nước

Năm 2017, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước còn nhiều trở ngại do nguyên nhân chủ quan và khách quan. Bước sang năm 2018, với nhiều quy định mới có hiệu lực, kỳ vọng tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước sẽ khởi sắc và ngăn chặn thất thoát vốn Nhà nước.

Chưa đạt kế hoạch

Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 20/12, đã có 45 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tuy nhiên, nếu chiếu theo danh mục cổ phần hóa đã được Thủ tướng phê duyệt trước đó thì mới có 21 doanh nghiệp trong danh sách này.

Ông Đăng Quyết Tiến, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, tiến độ cổ phần hóa mới đạt nửa kế hoạch đề ra (47,7%).

Nhưng theo ông Đặng Quyết Tiến, về số lượng thì có thể thấy là không đạt nhưng về chất đã có chuyển biến đáng kể. Nếu 10 năm trước, cổ phần hóa đạt được hơn 90% kế hoạch về số lượng, còn số vốn bán ra cho Nhà đầu tư chỉ đạt 8%. Năm 2017, Chính phủ đã quyết tâm cổ phần hóa một số doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Sabeco…, thu hút được vốn ngoại, tạo dòng tiền cho thị trường chứng khoán.

Xét về giá trị, các doanh nghiệp cổ phần hóa trong năm nay có tổng giá trị thực tế lên tới hơn 213.700 tỷ đồng, tức là gấp 6 lần tổng giá trị thực tế các doanh nghiệp đã cổ phần hóa trong năm 2016.

Ngoài ra, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã cổ phần hóa là gần 88.400 tỷ đồng, gấp 3,5 lần giá trị thực tế phần vốn Nhà nước của các doanh nghiệp đã cổ phần hóa năm 2016.

Năm 2017, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước còn nhiều trở ngại do nguyên nhân chủ quan và khách quan. Ảnh minh họa: TTXVN

Về thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, trong năm 2017 có 10 đơn vị thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; trong đó 8 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2017 và 2 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2018.

Về thoái vốn đầu tư vào các ngành không thuộc ngành sản xuất kinh doanh chính của các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước, trong năm 2017 các đơn vị đã thoái được 182 tỷ đồng, thu về 292 tỷ đồng tại 5 lĩnh vực nhạy cảm và thoái được 1.803 tỷ đồng, thu về 2.953 tỷ đồng tại các lĩnh vực khác ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm.

Về bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) quản lý, trong năm 2017, SCIC đã bán vốn tại 40 doanh nghiệp với giá trị hơn 1.900 tỷ đồng, thu về 21.639 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, có nhiều nguyên nhân gây chậm tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước như Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của một số Tập đoàn, tổng công ty lớn vẫn chưa ban hành. Tiến độ phê duyệt đề án cơ cấu lại, cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước còn chậm so với kế hoạch đã ảnh hưởng đến việc tổ chức triển khai cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước nói chung và thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nói riêng.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương, đơn vị còn bị động, chưa quyết liệt, gây ảnh hưởng đến việc hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước năm 2017 của cả nước.

Mặt khác, việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán của các doanh nghiệp Nhà nước sau khi cổ phần hóa chưa thực hiện nghiêm túc, bởi có tới 747 doanh nghiệp chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán...

Sức ép lớn cho năm 2018

Theo Quyết định số 991/TTg-ĐMDN của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp Nhà nước hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm giai đoạn 2017-2020, năm 2018 sẽ có 64 doanh nghiệp cổ phần hóa. Trong đó có một số tổng công ty có giá trị vốn rất lớn như: Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Phát điện 1, 2; Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị; Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà Hà Nội...

Bên cạnh đó, lượng “hàng tồn kho” từ kế hoạch được phê duyệt trong giai đoạn 2011 - 2016 và năm 2017 chuyển sang còn nhiều. Chẳng hạn, hết năm 2017 mới chỉ cổ phần hóa được 21/44 doanh nghiệp theo kế hoạch năm. Như vậy, số lượng doanh nghiệp buộc phải chuyển sang thực hiện cổ phần hóa năm 2018 khoảng 25 doanh nghiệp.

Tương tự, với thoái vốn, theo Quyết định 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020, năm 2018 sẽ thực hiện thoái vốn tại 181 doanh nghiệp. Nghĩa là mỗi tháng phải thoái vốn tại hơn 15 doanh nghiệp, chưa kể số lượng doanh nghiệp thoái vốn tại SCIC thực hiện theo kế hoạch riêng. Như vậy, lượng vốn Nhà nước được bán ra thị trường rất lớn.

Trong khi đó, số doanh nghiệp thoái vốn theo kế hoạch năm 2017 chỉ đạt 10/135 doanh nghiệp, khiến lượng doanh nghiệp buộc phải chuyển sang năm 2018 còn nhiều. Chưa kể, doanh nghiệp bán vốn đợt này có số vốn Nhà nước lớn, tỷ lệ bán khá cao như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam 24,86%; Tổng công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam 46,75%; Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp - Công ty CP 63,54%.

Với tình trạng kế hoạch chồng kế hoạch này, liệu có tạo sức ép lớn trong năm 2018?

Theo ông Đặng Quyết Tiến thì kế hoạch cổ phần hóa đã được công bố công khai từ giữa năm nay, các bộ ngành địa phương có 6 tháng để chuẩn bị nên không có lý do gì để chậm. Nơi nào làm chậm, phải có nguyên nhân cụ thể và sẽ kiểm điểm trách nhiệm người làm chậm tiến độ.

Năm 2018, hoạt động cổ phần hóa được dự kiến sẽ phải tăng tốc và đạt kết quả tốt hơn. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, dòng vốn ngoại đổ vào thị trường Việt Nam đang tăng cao. “Đây cũng chính là cơ hội cho cổ phần hóa trong năm 2018”, ông Đặng Quyết Tiến cho biết thêm.

Bên cạnh đó, Nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp Nhà nước và công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần có hiệu lực từ 1/1/2018 sẽ tháo gỡ nhiều vấn đề về thủ tục, kỹ thuật, đảm bảo nguyên tắc thị trường minh bạch.

Ví dụ như danh sách, tiến độ doanh nghiệp cổ phần hóa lần đầu tiên được công khai trên mạng. Một doanh nghiệp khi cổ phần hóa phải đăng ký các bước thực hiện để cơ quan quản lý, người dân giám sát, cũng là để thể hiện trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp đối với đồng vốn Nhà nước giao.

Đồng thời, Nghị định cũng quy định rõ về đất đai, khi cổ phần hóa, nếu Nhà nước không dùng thì trả lại cho địa phương để đấu giá. Như vậy, nhà đầu tư chỉ quan tâm đến đất đai sẽ không tìm cách để tham gia, nhường sân cho các nhà đầu tư tập trung vào sản xuất, kinh doanh, tạo giá trị gia tăng. Nghị định này cũng cho phép các nhà đầu tư đưa tư vấn nước ngoài vào đánh giá doanh nghiệp, rất công khai, minh bạch…

Theo ông Nguyễn Chí Thành - Phó Tổng giám đốc phụ trách SCIC thì việc Chính phủ ban hành Nghị định 126/2017/NĐ-CP về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước được kỳ vọng sẽ tạo cú hích lớn cho thị trường, cải thiện tình trạng chậm cổ phần hóa hiện nay, tạo hàng hóa đầu vào cho SCIC để tiếp tục xử lý, thoái vốn theo quy định của Chính phủ.

Tuy nhiên, dưới góc độ là nhà lãnh đạo của SCIC, ông Nguyễn Chí Thành cho rằng cần có kế hoạch rõ ràng những doanh nghiệp nào sau khi cổ phần hóa bao lâu phải bàn giao cho SCIC tiếp nhận, quản lý và thoái vốn theo quy định tại Điều 7, Nghị định 151/2013/NĐ-CP, kèm theo đó là chế tài thực hiện. Từ đó, SCIC mới có sự chủ động, xây dựng kế hoạch trình Chính phủ phê duyệt và thực hiện, tránh tình trạng khất lần như một số bộ, ngành hiện nay, gây khó khăn cho SCIC và ảnh hưởng chung đến kế hoạch thoái vốn của Chính phủ.

SCIC kiến nghị Chính phủ sớm xem xét ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 151/2013/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC; Nghị định 57/2014/NĐ-CP về điều lệ tổ chức và hoạt động của SCIC đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ để SCIC có hành lang pháp lý rõ ràng, dễ thực hiện.

Lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, ông Đặng Quyết Tiến cũng nhấn mạnh kế hoạch cụ thể, cơ chế thông thoáng cùng với quyền chủ động đã được trao nên kỳ vọng thời gian tới tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước sẽ được đẩy nhanh.
 

Thùy Dương (TTXVN)
Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đã có thay đổi về chất
Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đã có thay đổi về chất

Ở giai đoạn trước, dù số lượng đạt cao hơn nhưng có doanh nghiệp chỉ cổ phần hóa được vài phần trăm và mang tính hình thức, thì đến năm nay đã khác, quá trình cổ phần hóa bán được nhiều hơn, có sự tham gia của các đối tác, đây là sự thay đổi rất quan trọng về chất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN