Cơ sở để thương mại điện tử tăng trưởng

Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Bên cạnh đó, với quy mô dân số lớn trên 90 triệu người, tỷ lệ dân số trẻ và thuộc nhóm có mức độ truy cập Internet cao là cơ sở để thị trường thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.

Chú thích ảnh
Mua sắm qua trang web mua sắm trực tuyến. Ảnh: Minh Tú/TTXVN

Đây là nhận định được ông Đặng Hoàng Hải-Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đưa ra tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả xuất khẩu thông qua thương mại điện tử cho SMEs” diễn ra ngày 18/10 tại Hà Nội. 

Thống kê từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho thấy, những năm qua, Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ về thương mại điện tử. Điều này thể hiện qua tỷ lệ tăng trưởng doanh thu bán lẻ về thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với khách hàng (B2C) trong năm 2018 đã tăng tới 30%.

Đặc biệt, với mức tăng trưởng cao và liên tục từ năm 2015 trở lại đây, Việt Nam hoàn toàn tin tưởng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử B2C sẽ đạt mục tiêu 10 tỷ USD vào năm 2020.

Cũng theo ông Đặng Hoàng Hải, hiện nay khung khổ pháp lý về thương mại điện tử khá hoàn chỉnh.

Cùng với sự nở rộ về loại hình sàn giao dịch thương mại điện tử, các dịch vụ thương mại điện tử đi kèm, thương mại điện tử tại Việt Nam đang thực sự trở thành công cụ hữu ích giúp các doanh nghiệp tận dụng cơ hội để phát triển bứt phá.

Hơn nữa, qua đây sẽ giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu cũng như thương mại điện tử xuyên biên giới.

Tuy nhiên, ông Đặng Hoàng Hải cũng cho rằng, thương mại điện tử là xu hướng kinh doanh, tiêu dùng tất yếu gắn liền với sự phát triển của công nghệ, đòi hỏi sự phát triển đồng bộ về cả cơ sở hạ tầng và nhận thức từ doanh nghiệp đến người dân.

Không những thế, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ nên tiềm lực về tài chính, nhân sự còn hạn chế.

Chính vì vậy, đây là cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận thông tin cũng như được cung cấp, đào tạo các kỹ năng về thương mại điện tử nói chung và thương mại điện tử xuyên biên giới nói riêng.

Nhằm hỗ trợ việc tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử Alibaba.com để mở rộng thị trường xuất khẩu trực tuyến, chuyên gia đến từ Tập đoàn Alibaba cho biết: Alibaba.com là sàn thương mại điện tử doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B) dẫn đầu thế giới ở thời điểm hiện tại.

Do đó, thông qua Alibaba, doanh nghiệp có cơ hội quảng bá sản phẩm tới hơn 260 triệu khách hàng doanh nghiệp trên 190 quốc gia trên toàn thế giới.

Theo đại diện Tập đoàn Alibaba, hiện nay Tập đoàn đang hỗ trợ rất nhiều nhà cung cấp lớn nhất trên thế giới và nằm trong các nền kinh tế nổi nhất toàn cầu.

Cùng đó, Tập đoàn Alibaba cũng đã có mặt trên tất cả các quốc gia Đông Nam Á và trong khu vực với nhiệm vụ là cho các doanh nghiệp kinh doanh trở nên dễ dàng hơn mọi nơi mọi chỗ thông qua nền tảng, dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới.

Hiện tại, các thị trường xuất khẩu lớn nhất Việt Nam hiện nay lần lượt là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức và tập trung vào may mặc, giày dép, đồ gỗ, nông sản…giá trị đem lại cho Việt Nam rất lớn.

Vì vậy, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tận dụng nền tảng của Alibaba để xuất khẩu ra quốc tế một cách hiệu quả.

Tại Hội thảo, đại diện Tập đoàn Alibaba cũng đề xuất việc Tập đoàn này có những nhà cung cấp vàng. Khi được công nhận là nhà cung cấp vàng cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ được nhận những dịch vụ hỗ trợ từ thiết kế trang web, đăng tin sản phẩm, xếp hạng, giới thiệu sản phẩm tới khách hàng để họ tìm hiểu và đặt hàng.

Đáng lưu ý, khi doanh nghiệp trở thành nhà cũng cấp vàng của Tập đoàn Alibaba còn được hỗ trợ để kế hoạch của doanh nghiệp thành công hơn.

Ngoài ra, Tập đoàn còn giúp đỡ về đào tạo, tham quan khảo sát và đánh giá hiệu quả, tạo cơ hội gặp gỡ để doanh nghiệp gia tăng cơ hội kinh doanh trực tuyến qua thương mại điện tử.

Để giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan về thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay, bà Nguyễn Thị Thu Trang-chuyên viên Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khẳng định: Giao dịch qua thương mại điện tử tại thị trường Việt Nam đang tăng qua các năm.

Năm 2018, số người mua hàng trực tuyến tại Việt Nam khoảng gần 40 triệu người. Dù doanh thu từ lĩnh vực này tương đối lớn nhưng tỷ trọng so với tổng doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ vẫn là con số khiêm tốn và chỉ dừng lại mức 4,2% năm 2018.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, hiện nay xu hướng sử dụng giao dịch qua điện thoại đang tăng lên. Đã có khoảng 92% lượng người sử dụng Internet đã dùng điện thoại để truy cập mạng và 81% người mua hàng trực tuyến đặt hàng bằng điện thoại di dộng; 52% lượng người cũng đã đặt hàng qua ứng dụng mua hàng trên điện thoại.

Có thể nói rằng thương mại điện tử trên điện thoại di động đang trở thành xu hướng của giới trẻ hiện nay. Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp lại chỉ có 44% các doanh nghiệp hiện nay sử dụng thương mại điện tử nhưng chỉ có 13% doanh nghiệp có ứng dụng trên điện thoại di động và chưa có chuyển đổi để nắm bắt xu hướng mới.

Cùng với thương mại điện tử, bà Nguyễn Thị Thu Trang khẳng định xuất khẩu đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, trên 32% doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua các kênh trực tuyến; trong đó những nền tảng thương mại điện tử như B2B sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận trực tiếp với khách hàng và thị trường trên toàn cầu một cách nhanh chóng và tiết kiệm.

Với mục đích giúp đỡ doanh nghiệp Việt Nam gia nhập vào xu hướng xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử Alibaba.com, Công ty Fado đã chính thức ký kết hợp tác với Tập đoàn này và trở thành đối tác được uỷ quyền của Alibaba tại Việt Nam.

Việc này sẽ mang lại giá trị rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay. Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, trong hành trình tiếp cận “cuộc chơi lớn” khi tham gia giao thương qua sàn thương mại điện tử Alibaba.com, doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hỗ trợ tốt hơn bởi Fado cùng đội ngũ chuyên nghiệp được đào tạo trực tiếp từ Alibaba về kỹ năng, kiến thức xuất khẩu qua thương mại điện tử, xây dựng thương hiệu online, tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường mục tiêu hay quản trị gian hàng xuất khẩu trực tuyến…

Ngoài ra, sự hợp tác chiến lược giữa Fado và Alibaba sẽ gia tăng thêm sự hỗ trợ khi doanh nghiệp tham gia vào sàn thương mại điện tử B2B lớn nhất thế giới nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian của doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Mặt khác, khi tham gia vào xuất khẩu trực tuyến, các doanh nghiệp cùng ngành sẽ có cơ hội cọ xát, hoàn thiện sản phẩm nhằm thúc đẩy giá trị và chất lượng của hàng hoá “made in Vietnam” để quảng bá nhiều hơn hình ảnh Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Uyên Hương (TTXVN)
Xử lý 3 website vi phạm kinh doanh thương mại điện tử
Xử lý 3 website vi phạm kinh doanh thương mại điện tử

Lực lượng quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra, xử lý 3 website: Shopnhatchaly.com; ruouthuonghieu.com; ruoungoai.net vi phạm kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh các sản phẩm nhập lậu, chưa thực hiện đăng ký kinh doanh với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN