Khó quản lý nguồn gốc hàng hóa trên sàn giao dịch thương mại điện tử 

Một số chuyên gia thương mại cho biết: Tình trạng buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội diễn biến phức tạp đang là thách thức đối với cơ quan quản lý. 

Chú thích ảnh
Cần tạo cơ chế kiểm soát nguồn gốc hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử hay mạng xã hội. Ảnh: BCĐ 9 Quốc gia.

Mới đây, Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) phát hiện một lô thuốc lớn không có hóa đơn chứng từ chứng minh xuất xứ hàng hóa tại cơ sở kinh doanh ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Hàng được bán trên website nhathuoc.com. Cơ sở này đã bị xử phạt, đồng thời bị buộc tiêu hủy toàn bộ số thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng vi phạm với tổng giá trị hàng hóa hơn 183,2 triệu đồng.

Trước đó, lực lượng chức năng phát hiện cửa hàng kinh doanh điện thoại di động tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) do Công ty TNHH RELEX Việt Nam kinh doanh đã rao bán điện thoại di động giả mạo thương hiệu Samsung thông qua website samsungvietnam.online. Công ty này cũng sử dụng nhiều website khác để kinh doanh di động và đồ nội thất ôtô, như: didongso.com.vn, relexvietnam.com, otoday.vn, vertuvietnam.com…

Hai vụ việc trên chỉ là một trong rất nhiều vụ vi phạm pháp luật, hàng hóa giả mạo trên các ứng dụng TMĐT. Theo Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), tính đến hết năm 2018, gần 36.000 sản phẩm vi phạm bị buộc gỡ bỏ trên các sàn TMĐT và hơn 3.000 tài khoản, gian hàng trên các sàn đã bị khóa. Để qua mặt cơ quan chức năng, người bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT còn tìm mọi cách lách qua bộ lọc của sàn, đơn cử như cố tình thay đổi tên sản phẩm là N.I.K.E thay vì NIKE. Các đối tượng cố tình che giấu thông tin, không có địa chỉ và bất kỳ thông tin liên lạc. Nhiều trường hợp đưa lên mạng hình ảnh và thông tin của hàng thật, nhưng khi khách hàng nhận được, có thể là hàng giả, hàng nhái, khó phát hiện.

Đại diện Bộ Tài chính cho hay: Khi TMĐT, đặc biệt là TMĐT qua biên giới phát triển mạnh mẽ, các cơ quan quản lý nhà nước phải đối mặt với nhiều vấn đề. Về phía Hải quan, số lượng các lô hàng nhỏ giá trị thấp tăng nhanh do vậy cần nguồn lực phù hợp để đảm bảo thời gian xử lý nhưng vẫn phải đảm bảo tốc độ thông quan nhanh của hàng hóa; thiếu thông tin, khai báo không chính xác, không có hồ sơ tuân thủ của người mua do người mua là các đối tượng không thường xuyên.

Đối với cơ quan quản lý hoạt động TMĐT, số lượng các sàn giao dịch, trang bán hàng điện tử tăng với tốc độ cao nên khó khăn trong quản lý nếu không có các biện pháp quản lý cải tiến; việc kiểm soát thông tin về hàng hóa trên các sàn giao dịch và thực tế hàng hóa rất khó khăn. Tình trạng hàng hóa vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái nhưng cơ quan nhà nước không thể kiểm soát được.

TS.Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số cho biết: TMĐT chỉ là phương thức kinh doanh mới bên cạnh phương thức kinh doanh truyền thống, vấn đề cuối cùng là phải kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, hàng hóa được sản xuất làm giả ngay tại Việt Nam hay nhập khẩu qua các cửa khẩu, hay nhập lậu theo đường tiểu ngạch…

Để giải quyết hiệu quả và triệt để vấn đề, cần phối hợp đồng bộ với các cơ quan công an, hải quan, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành (đối với từng nhóm mặt hàng) để kiểm soát hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại các cửa khẩu.

Phía Bộ Công Thương cần tăng cường rà soát và phân loại website; chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát các quy chế hoạt động của sàn TMĐT; có kế hoạch hướng dẫn triển khai thực hiện nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ sàn TMĐT đối với người tiêu dùng về cam kết “Nói không với hàng giả trong TMĐT”; nghiên cứu và triển khai thí điểm nhóm các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; phổ biến về trách nhiệm doanh nghiệp trong việc đăng ký, thông báo website và ứng dụng và tăng cường vai trò quản lý nhà nước. 

Về phía người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức, chỉ nên tham gia vào các sàn giao dịch, website uy tín, đảm bảo quyền lợi cho người mua, hỗ trợ người dùng khi có sự cố xảy ra. Khi mua hàng, cần kiểm tra thông tin về đơn vị, người bán hàng trực tuyến (tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc…), tìm kiếm thông tin về mặt hàng, tìm hiểu kỹ các chính sách mua bán, quy định, bảo hành… Đặc biệt, người mua không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu trên những website, đường dẫn lạ, có dấu hiệu lừa đảo.

“Cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, hoạt động TMĐT đóng góp vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động TMĐT còn tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Ban chỉ đạo - BCĐ 9 Quốc gia đã cùng với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc lợi dụng hoạt động TMĐT để buôn lậu, kinh doanh hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Văn phòng Thường trực BCĐ 9 Quốc gia đã phối hợp với các bộ, ngành, lực lượng chức năng khảo sát, đánh giá tình hình xây dựng kế hoạch chuyên đề chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong TMĐT để Trưởng Ban chỉ đạo 9 Quốc gia phê duyệt”, PGS-TS Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực BCĐ 9 Quốc gia nói. 
Minh Phương/Báo Tin tức
Sẽ kiểm soát các trang website thương mại điện tử không đăng ký
Sẽ kiểm soát các trang website thương mại điện tử không đăng ký

Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) vừa đề xuất sớm hoàn thiện hành lang pháp lý; đồng thời có biện pháp kiểm soát các trang web thương mại điện tử không đăng ký, các mạng xã hội, các ứng dụng trực tuyến tại Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN