Trạm thu phí Long Phước trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây sẽ được bố trí 2 cửa thu phí ETC. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN |
Theo lộ trình Quyết định 07/QĐ-TTg của Thủ tướng, đến cuối năm 2018 các trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sẽ phải áp dụng thu không dừng.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện đã có trên 500.000 xe được dán thẻ E-Tag (thẻ định danh phương tiện được dán trên kính hoặc đèn xe). Tuy nhiên, tiến độ dán thẻ E-tag cần được đẩy nhanh hơn nữa vì lộ trình áp dụng hình thức thu phí không dừng tại các trạm BOT trên toàn quốc sắp đến gần.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng giám đốc Công ty TNHH thu phí tự động VETC (doanh nghiệp được bộ Giao thông Vận tải chỉ định triển khai dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 1) cho biết, VETC sẽ dán thẻ miễn phí lần đầu cho trên 2 triệu phương tiện với nhiều hình thức dán thẻ tại các trạm đăng kiểm, các ki ốt trên đường.
Người dân, doanh nghiệp vận tải có thể nạp tiền tại các trạm thu phí BOT, đăng kiểm, đại lý ủy quyền của VETC, nạp tiền qua ngân hàng, ứng dụng bankplus, tiến tới sẽ nạp tiền qua thẻ cào Viettel.
Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, VETC còn cho phép nạp tiền bằng tin nhắn SMS. Người dân, doanh nghiệp nạp tiền dùng không hết hoàn toàn có thể chuyển sang tháng sau hoặc chuyển qua xe khác”, ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá, thu tự động không dừng chuyển đổi từ vé giấy sang vé điện tử, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp. Với vé giấy, doanh nghiệp phải cử người đến tận trạm để mua vé tháng, vé quý và phải theo dõi thanh quyết toán. Khi áp dụng thu không dừng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ giám sát được doanh thu của nhà đầu tư BOT và công khai trên các phương tiện truyền thông.
Bên cạnh đó, khi áp dụng hình thức này, người dân, doanh nghiệp vận tải ngồi nhà cũng có thể mua vé qua trạm. Khi dán thẻ, không bắt buộc người dân, doanh nghiệp phải nạp tiền ngay, chỉ khi nào người dân doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng mới phải nạp tiền vào tài khoản thu phí không dừng.
Dịch vụ thu phí tự động của VETC được áp dụng công nghệ RFID (Công nghệ nhận dạng đối tượng qua hệ thống thu phát sóng radio) sử dụng sóng radio để nhận diện tự động phương tiện xe cơ giới. Công nghệ RFID đã được chứng minh có độ chính xác cao trong lĩnh vực thu phí tự động tại các nước có nền giao thông tương tự Việt Nam như Malaysia và Singapore...
Về nguyên tắc hoạt động của công nghệ này, mỗi chip nhớ được gắn tại thẻ E-tag sẽ chứa một mã số mang thông tin về xe và chủ xe đang lưu thông. Khi xe đi qua trạm thu phí thì đầu đọc được bố trí xung quanh trạm sẽ đọc mã số này và truyền về trung tâm điều hành.
Tại trung tâm điều hành, các phần mềm sẽ tự động đối chiếu các thông tin về xe và kiểm tra tài khoản của chủ xe. Nếu các thông tin hợp lệ và số tiền trong tài khoản đủ cho chuyến đi thì sẽ tự động trừ số tiền qua trạm của xe tương ứng, ngoài ra chương trình cũng gửi số tài khoản còn lại cho chủ xe biết.
Về quá trình thu phí tự động, đại diện Công ty TNHH thu phí tự động VETC cho hay, trong các tình huống: xe không có thẻ E-Tag đi nhầm vào làn thu phí tự động, nhiều xe cùng qua trạm (trường hợp lưu lượng phương tiện lớn, gồm cả xe có thẻ E-Tag và không có), xe có thẻ E-Tag nhưng tài khoản hết hoặc không đủ tiền thì hệ thống thu phí tự động đều có thể dễ dàng phân loại.
Dự án thu phí tự động không dừng được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc cho Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo hình thức hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Trong đó, giai đoạn từ 2016 - 2019 sẽ áp dụng thu phí tự động không dừng trên 1 - 2 làn, sau năm 2019 sẽ áp dụng trên tất cả các làn.