Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN |
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, Trưởng nhóm nghiên cứu, báo cáo công bằng thuế nhằm mục tiêu mang lại cái nhìn đầy đủ về hệ thống thu ngân sách Việt Nam dưới góc nhìn của các nhà phát triển và hoạt động xã hội.
Báo cáo tập trung chủ yếu đánh giá tính công bằng của hệ thống thuế, chi ngân sách và các vấn đề hành chính thuế cũng như sự tham gia của người dân trong việc lập và thực thi các chính sách thuế. Qua đó, thể hiện các vấn đề của hệ thống thu chi ngân sách.
Cụ thể, báo cáo nhận định hệ thống thuế của Việt Nam vẫn đang chiếm tỷ trọng khá lớn trong GDP và quy mô thu ngân sách nhà nước vẫn chiếm gần 25% GDP. Mặc dù thu nhiều, nhưng chi luôn vượt quá nguồn thu ngân sách với mức gần 29% GDP (năm 2016), sau khi giảm từ mức đỉnh điểm là 40% GDP (năm 2009).
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc giải quyết bài toán cân bằng ngân sách khi các nhiệm vụ chi ngày càng tăng. Trong bối cảnh Việt Nam phải tuân thủ các điều khoản của Hiệp định thương mại tự do FTA về gỡ bỏ các hàng rào thuế quan làm nguồn thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm đi cộng với giá dầu thô thấp trong những năm gần đây khiến gia tăng áp lực về ngân sách.
Năm 2017, Bộ Tài chính cân nhắc việc tăng thuế suất giá trị gia tăng nhằm bù đắp cho ngân sách nhà nước. Nhiều chuyên gia cho rằng, động thái này làm tỷ trọng thuế gián thu tăng lên và đi ngược với xu hướng công bằng của hệ thống thuế.
Để giảm bội chi ngân sách nhà nước có hai biện pháp là tăng thu và giảm chi. Trước mắt Chính phủ cần thực hiện các biện pháp quyết liệt để thắt chặt chi thường xuyên như các chính sách tinh giảm biên chế, sắp xếp lại bộ máy, hạn chế chi tiêu cho các tổ chức đoàn thể và thoái vốn khỏi các doanh nghiệp Nhà nước. Mặc dù các biện pháp này đã được nêu ra tại nhiều báo cáo và nghiên cứu, nhưng khả năng thực thi vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Trong quá trình cơ cấu lại nguồn thu ngân sách, tỷ trọng thuế trực thu đang giảm rất nhanh, nhất là từ sau năm 2011. Cụ thể, tỷ trọng này đã giảm xuống mức 35% trong tổng thu thuế, trong khi tỷ trọng thuế gián thu đã tăng lên mức gần 65% tổng thu thuế.
PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, thành viên của nhóm nghiên cứu nhận định, thuế trực thu đang chiếm tỷ trọng ngày càng thấp cho thấy nguồn thu của Việt Nam đang dựa nhiều vào thuế tiêu dùng (những loại thuế mang tính luỹ thoái cao).
Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu kiến nghị, bất kỳ đề xuất tăng các khoản thuế tiêu dùng cũng cần được xem xét thận trọng. Thuế tiêu dùng dù được coi là trung tính và hiệu quả về việc hành thu, song lại được xem có tác động không tốt đến công bằng trong chi tiêu. Cùng với đó, tỷ trọng thuế gián thu còn có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới nếu dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2017 được thông qua.
Theo các chuyên gia, thuế gián thu mang tính luỹ thoái, còn thuế trực thu mang tính luỹ tiến. Với sự thay đổi về tỷ trọng thuế gián thu như trên, nhiều ý kiến quan ngại rằng người có thu nhập thấp đang phải trả thuế suất trên thu nhập cao hơn người có thu nhập cao.
Bên cạnh đó, vấn đề trốn thuế và quản lý thuế của Việt Nam cũng được xem xét trong báo cáo. Trong một thập kỷ qua, Việt Nam giành rất nhiều nguồn lực cho ngành thuế, đặc biệt là đầu tư hệ thống thông tin. Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan đã có hệ thống thông tin hiện đại và cung cấp các phần mềm để khai thuế, hoàn thuế và đóng thuế qua internet.
Từ năm 2007 đến nay, hàng năm, tổng chi của Bộ Tài chính chiếm khoảng 2% tổng thu ngân sách nhà nước và khoảng 2,4% tổng thu thuế. Con số này bằng với con số của Uganda (năm 2014), cao gần gấp đôi của Bangladesh (1,3% năm 2013) và vượt xa con số trung bình của các nước OECD (khoảng 1%)...